Choáng với số tiền khổng lồ FIFA kiếm được từ World Cup
(Dân trí) - World Cup một lần nữa là "con gà đẻ trứng vàng" của FIFA, ngay đến kênh truyền thông của quốc gia chủ nhà Qatar Al Jazeera cũng ngỡ ngàng với những khoản thu kết xù mà FIFA có được.
Đến quốc gia dầu mỏ còn ngỡ ngàng
Mở đầu bài viết của mình ngay trước khi World Cup 2022 khai mạc, kênh truyền thông Al Jazeera của Qatar bình luận: "Việc kinh doanh hiếm khi đơn giản như vậy. Nếu như bạn có một sản phẩm mà hầu hết mọi người đều phải mua, nhưng bạn không tốn chi phí sản xuất, ắt bạn sẽ giàu lên rất nhanh".
"Tóm lại, đây là cách mà Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu kiếm tiền" - tờ Al Jazeera viết thêm.
Nên nhớ, Qatar là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới hiện tại. Qatar nói chung kiếm tiền rất giỏi, thế nhưng truyền thông của nước này còn phải thán phục FIFA thì đủ thấy Liên đoàn bóng đá thế giới giàu đến mức nào, siêu lợi nhuận đến mức nào thông qua các kỳ World Cup.
Theo thống kê, chỉ riêng vòng chung kết World Cup tổ chức tại Nga vào năm 2018, FIFA thu về 4,6 tỷ USD (hơn 114.000 tỷ đồng).
Nhưng một kỳ World Cup thì không chỉ bao gồm vòng chung kết, mà kéo dài từ vòng loại. Thường "chu kỳ World Cup" của FIFA bắt đầu từ ngay sau khi giải đấu cũ kết thúc, đến năm sau đã bắt đầu hướng đến giải đấu mới của lần tiếp theo.
Ví dụ như "chu kỳ World Cup" 2018, được tính trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018, tức ngay ở năm tiếp theo sau khi kết thúc World Cup 2014.
Nếu tính luôn "chu kỳ World Cup" giai đoạn từ 2015 - 2018, doanh số mà FIFA thu về lên đến 6,4 tỷ USD (gần 160.000 tỷ đồng).
Tổng doanh thu 6,4 tỷ USD kể trên từ các khoản thu chính, gồm bản quyền truyền hình, lên đến 4,6 tỷ USD (lớn nhất trong số các khoản), quyền tiếp thị, tiền bán vé và tiền xây dựng thương hiệu, cấp phép có gắn mác FIFA cho các sản phẩm ăn theo World Cup cũng như các giải đấu do FIFA tổ chức.
Tờ Al Jazeera của Qatar viết: "Các thương hiệu toàn cầu trả tiền cho FIFA để quảng cáo tại các sự kiện do FIFA tổ chức, trong đó bao gồm World Cup. Đây là sự kiện được nhiều người theo dõi nhất hành tinh, ước tính có hơn một nửa số người trên thế giới xem World Cup".
"Ở World Cup 2018, các thỏa thuận liên quan đến quyền tiếp thị mang về cho FIFA 1,66 tỷ USD (hơn 41.000 tỷ đồng). Còn về tiền bán vé, trong khoảng thời gian từ năm 2015 - 2018, FIFA thu được 712 triệu USD (hơn 17.600 tỷ đồng)" - Al Jazeera thông tin thêm.
Thu nhiều, chi ít
Theo tiết lộ của kênh truyền thông hàng đầu Qatar, ở World Cup năm nay, FIFA tiếp tục là bên phân phối vé, chứ không phải nước chủ nhà Qatar, nên mối lợi mà Liên đoàn bóng đá thế giới chuẩn bị gom về vẫn rất lớn.
"Hiện có khoảng 3 triệu vé xem các trận đấu tại World Cup 2022 đã được bán ra, với mức giá dao động từ khoảng 100 - 1.100 USD/vé (từ 2,5 triệu đồng - đến hơn 27 triệu đồng). Đây chắc chắn là một kỳ World Cup bội thu nữa của FIFA" - Al Jazeera viết.
Đấy mới là con số cho 1 kỳ World Cup duy nhất. FIFA còn sở hữu những khoản thu lâu dài, thông qua việc cấp phép gắn thương hiệu FIFA vào sản phẩm của các công ty đối tác. Ví dụ, chỉ riêng hãng Electronic Arts đã chi 150 triệu USD (hơn 3.700 tỷ đồng) mỗi năm, trong suốt 20 năm hợp tác với FIFA.
Electronic Arts chính là hãng sở hữu thương quyền của các game bóng đá mang tên EA Sports nổi tiếng toàn cầu, có lượng người chơi rất đông. 20 năm hợp tác với FIFA nói trên mang về doanh thu lên đến 20 tỷ USD (khoảng 496.000 tỷ đồng) cho Electronic Arts.
Mà đấy mới chỉ là một hãng và một thương hiệu, chắc chắn còn rất nhiều hãng khác và thương hiệu khác hợp tác lâu dài với FIFA, và doanh số của tổ chức này còn cao khủng khiếp nữa.
Đấy là những khoản thu, còn về các khoản chi, khoản chi đáng kể nhất của FIFA tại World Cup 2022 là chi 440 triệu USD (gần 11.000 tỷ đồng) cho tiền thưởng cho các danh hiệu (đội vô địch nhận 44 triệu USD - gần 1.100 tỷ đồng), chỉ bằng số lẻ doanh thu.
FIFA cũng trả tiền cho ban tổ chức World Cup của các nước đăng cai (dạng như chi phí thuê sân bãi), chi phí đi lại và ăn ở cho các đội và tình nguyện viên, cùng một khoản nữa gọi là hỗ trợ cho quốc gia chủ nhà sau khi World Cup kết thúc, nhưng số này không đáng kể so với doanh số khổng lồ mà tổ chức này thu về.