Chelsea thua sốc Man City: "Tiền tấn không đè được... chết người"
(Dân trí) - Chelsea đã đặt tham vọng lớn khi chi tiền tấn để đưa về những bản hợp đồng chất lượng ở mùa hè vừa qua, nhưng cuối cùng nó lại chứng minh một chân lý "đẳng cấp không thể một sớm một chiều mà có được".
Trước khi Premier League mùa giải 2020/21 khởi tranh, không ít chuyên gia bóng đá cũng như người hâm mộ tin rằng Chelsea sẽ trở thành một thế lực đáng gờm khi ông chủ Abramovich đã chi đến 253 triệu bảng để đưa về những bản hợp đồng cực kỳ chất lượng ở kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua.
Đội hình của Chelsea mùa này dường như được lấp đầy các khoảng trống. Những vị trí nào HLV Frank Lampard cảm thấy không ổn, cần được bổ sung đều được đáp ứng. Hàng công với bộ đôi "bom tấn" đến từ Bundesliga gồm Timo Werner (47,5 triệu bảng) và Kai Havertz (89 triệu bảng). Tuyến tiền vệ có sự góp mặt của ngôi sao Ajax Amsterdam là Hakim Ziyech.
Hàng phòng ngự có sự bổ sung chất lượng của trung vệ dày dạn kinh nghiệm Thiago Silva của PSG và hậu vệ cánh Ben Chilwell đến từ Leicester City. Đặc biệt, ở vị trí thủ môn, dù từng chiêu mộ thủ thành trẻ Kepa với giá kỷ lục 75 triệu bảng nhưng khi thủ thành đắt nhất thế giới sa sút phong độ, Chelsea vẫn không tiếc tiền khi sẵn sàng bổ sung Eduoard Mendy để thay thế.
Nhìn vào đội hình của Chelsea mùa này, bất cứ HLV nào cũng thèm khát. Dẫn dắt một đội hình toàn những ngôi sao, đặc biệt hầu hết trong đó đều là những người trẻ và đầy tài năng, rõ ràng việc giành được danh hiệu lớn ở mùa này có vẻ như nằm trong tầm tay. Nhưng không, bóng đá cho thấy sự khắc nghiệt của nó, đặc biệt là đối với giải đấu như Premier League càng cho thấy sự khắc nghiệt vô cùng lớn. Và nó cũng chứng minh câu nói đẳng cấp không thể một sớm một chiều mà có được, bất chấp Chelsea đã chi tiền tấn ở mùa hè vừa qua.
Trận đối đầu của Chelsea với Man City ngày 4/1 là minh chứng rõ nét nhất của hai đội hình: một là sự dày công tạo dựng từ nhiều năm của đoàn quân HLV Pep Guardiola và một là đội hình ghép nối thei kiểu "mì ăn liền" bằng những ngôi sao ở mùa giải mới của Chelsea.
Trước trận đấu này, Man City gặp vô vàn bất lợi khi họ thiếu vắng đến 6 trụ cột trong đội hình vì dính chấn thương cũng như nhiễm Covid-19. Thủ thành người Mỹ Steffen lần đầu tiên ra sân bắt chính để thay cho thủ môn Ederson - người đang phải cách ly 2 tuần vì nhiễm virus Covid-19. Những trụ cột khác như Kyle Walker, Gabriel Jesus cũng chung cảnh ngộ. Man City cũng không có sự phục vụ của hậu vệ cánh trái Eric Garcia vì chấn thương.
Đội hình trong tay HLV Pep Guardiola vẫn dựa vào những cái tên quen thuộc như Raheem Sterling, Phil Foden và đặc biệt là ngôi sao Kevin De Bruyne. Trong khi đó HLV Lampard có đủ trong tay những người mình cần. Trên hàng công là mũi nhọn Timo Werner, với bộ đôi 2 cánh Pulisic và Hakim Ziyech. Hàng phòng ngự có đủ các hợp đồng đắt giá ở mùa hè vừa qua như Ben Chilwell, Thiago Silva lẫn thủ thành Mendy. Tuyến giữa vẫn là những cái tên được HLV Lampard ưa thích như Mason Mount, Kante, Kovacic...
Chelsea bước vào trận đấu với tâm thế tốt khi có đủ lực lượng mạnh nhất, lại được chơi trên sân nhà. Nhưng sai lầm duy nhất khiến Chelsea thất bại ở trận đấu này là chiến lược của HLV Lampard, khi chọn chơi đôi công và pressing tầm cao ngay từ đầu với Man City. Một đội bóng mang tính ghép nối như "The Blues" khi đá áp sát và tấn công quyết liệt ngay từ đầu chỉ gây khó được với đoàn quân của HLV Pep Guardiola trong 10 phút đầu, trước khi nhận những đòn "hồi mã thương" sắc bén.
Chỉ trong hai phút 19 và 20, thủ thành Mendy đã phải 2 lần vào lưới nhặt bóng sau những pha tấn công sắc lẹm của Man City. Đáng chú ý là ở trận đấu này, HLV Pep Guardiola không bố trí một tiền đạo thực thụ nào, nhưng dường như tất cả các cầu thủ của Man City đểu có thể trở thành người ghi bàn. Lần lượt là Gundogan, Phil Foden rồi De Bruyne đều ở tuyến hai "nổ súng".
Đặc biệt Bàn thắng của Kevin De Bruyne ở phút 34 đã cho thấy sự mẫu mực trong những đòn "hồi mã thương" chết người từ đoàn quân của HLV Pep Guardiola. Đó là pha Raheem Sterling bứt tốc từ nửa sân khi các cầu thủ Chelsea mải mê dâng cao tìm kiếm bàn gỡ hòa, mặc dù cú sút của tiền đạo người Anh đập trúng cột dọc nhưng De Bruyne vẫn kịp thời có mặt đệm bóng tung lưới Mendy lần thứ ba.
Ba bàn thua sớm ngay trong hiệp một - thậm chí Chelsea rất có thể phải thua nhiều hơn nếu các cầu thủ Man City không bỏ lỡ thêm nhiều cơ hội ngon ăn - đã khiến Chelsea không thể gượng dậy trong hiệp hai và chỉ có thể có được một bàn thắng danh dự ở phút bù giờ của trận đấu.
Xem Chelsea đá với Man City để thấy đẳng cấp của HLV Lampard vẫn còn non tay và dưới cơ rất nhiều so với Mourinho, người đã giúp Tottenham đánh bại Man City hồi tháng 11 năm ngoái với tỷ số 2-0. Cũng được đá trên sân nhà như Chelsea, nhưng HLV Mourinho chọn lối đá phòng ngự chắc chắn, không cầm bóng nhiều, thậm chí để cho đối phương kiểm soát bóng hầu hết thời gian trong trận đấu. Mourinho đã biến 22 cú dứt điểm và 66% tỷ lệ kiểm soát bóng của Man City trở thành vô nghĩa.
Lampard được ví như là "manh chiếu mới chưa từng trải" khi chọn lối đá tấn công ngay từ đầu với Man City, đội bóng vốn có khả năng thoát pressing thuộc hàng đầu thế giới ở thời điểm hiện tại. Dù đá tấn công, nhưng suốt cả hiệp một Chelsea không tung ra được bất cứ cú sút nào về phía khung thành đối phương chứ chưa nói là sút trúng đích. Timo Werner trở nên đáng thương khi anh chịu khó chạy chỗ, tìm bóng rất nhiều nhưng đường vào khung thành của Man City luôn bị bịt kín.
Càng chơi áp sát với Man City, Chelsea càng bộc lộ những điểm yếu chết người trên các tuyến, đặc biệt là hàng phòng ngự dâng cao khiến họ không thể kịp lui về trước những pha ban bật, bứt tốc được lập trình như cái máy dưới bàn tay của chiến lược gia lão luyện Pep Guardiola.
Thua sốc 1-3 trước Man City trên sân nhà, phát biểu sau trận đấu, HLV Lampard đã phải thốt lên thừa nhận đây là trận thua "tâm phục khẩu phục" và "còn lâu Chelsea mới đạt đến đẳng cấp của Man City như bây giờ. Một thống kê chỉ ra rằng, HLV Lampard là HLV tệ nhất trong lịch sử Chelsea.
Trong số 12 HLV từng dẫn dắt Chelsea khi tỷ phú Abrahimovich tiếp quản "The Blues" vào năm 2003, Lampard đứng chót bảng khi chỉ giành được tỷ lệ chiến thắng 49% trong số 55 trận đã dẫn dắt, chỉ giành được 1,67 điểm mỗi trận. Trong khi Mourinho, chễm chệ ở vị trí thứ 2 khi giành được 2,17 điểm mỗi trận trong số 212 trận đã dẫn dắt, tỷ lệ giành chiến thắng lên tới 66%.
Dù mùa giải chỉ vẫn chưa được nửa vòng đấu, phía trước vẫn còn rất dài, nhưng khi không thắng được đối thủ nào trong top 6 mùa này thì HLV Lampard cũng tự nhận thức chức vô địch Premier League mùa này phải tạm gác lại. Thay vì mơ đỉnh vinh quang, Chelsea sẽ phải trải qua một mùa tập dượt để nhuần nhuyễn hơn. Và rõ ràng "đẳng cấp không thể một sớm một chiều mà có, dù đã chi ra rất và rất nhiều tiền".