Cầu thủ Việt kiều ở đội tuyển: Quyết định thuộc về thầy Park

(Dân trí) - Trong xu thế chung của sự hội nhập, việc cầu thủ Việt kiều xuất hiện trong sắc áo đội tuyển là điều tất yếu, và thực tế là một số trường hợp cầu thủ Việt kiều đã và đang đóng góp cho đội tuyển. Quan trọng là quan điểm và đánh giá của huấn luyện viên (HLV) đối với từng trường hợp cụ thể.

Nhìn sang các nền bóng đá lân cận với bóng đá Việt Nam, Thái Lan và Philippines đều mạnh lên nhờ cầu thủ kiều bào của họ sinh ra, lớn lên và được đào tạo tại nước ngoài, đặc biệt là được đào tạo tại châu Âu.

Philippines là trường hợp rõ nhất, nếu không có cầu thủ Phi kiều, có lẽ đến giờ Philippines vẫn là một trong những nền bóng đá yếu nhất thế giới.

Trước khi có sự xuất hiện của anh em nhà Younghusband, anh em nhà Ott, Javier Patino hay John-Patrick Strauß…, Philippines luôn lẹt đẹt ở các giải đấu ở Đông Nam Á, chỉ ngang với Timor Leste và Brunei, dưới cả Lào và Campuchia.

Cầu thủ Việt kiều ở đội tuyển: Quyết định thuộc về thầy Park - 1

Ngay đến Italia và Pháp còn tranh cãi rằng Platini (sinh ra ở Pháp nhưng có nguồn gốc Italia) thời đó nên khoác áo đội nào, thì bóng đá Việt Nam bỏ qua nguồn cầu thủ Việt kiều là lãng phí! 

Chỉ đến khi bắt đầu sử dụng cầu thủ Phi kiều, trưởng thành tại nước ngoài, nhất là tại châu Âu, bóng đá Philippines mới khá lên, thậm chí lột xác. Họ đủ sức tranh vé vào bán kết các kỳ AFF Cup, có vé vào đến VCK Asian Cup, đều nhờ sự góp sức của cầu thủ Phi kiều.

Ngay đến nền bóng đá phát triển hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan cũng không bỏ qua nguồn lực của các kiều bào ở nước ngoài. Trong những năm gần đây, cầu thủ Thái kiều xuất hiện nhan nhản ở đội bóng đất Chùa Vàng, dù về khâu đào tạo trẻ, Thái Lan vẫn đã rất tốt.

Những cầu thủ Thái kiều thường xuyên khoác áo đội bóng đất Chùa Vàng vài năm qua có Tristan Do (được đào tạo tại Pháp), Kevin Deeromram (Thuỵ Điển), Philip Roller và Manuel Bihr (Đức). Trẻ hơn chút nữa là Marco Ballini (Italia).

Dĩ nhiên, khác với Philippines, Thái Lan không dùng phần lớn cầu thủ kiều bào trong đội hình đội tuyển quốc gia, vì Thái Lan dù sao cũng là quốc gia đam mê bóng đá đến cháy bỏng (dân Philippines chỉ thích các môn thể thao như quyền Anh, bóng rổ, không thích bóng đá), nên Thái Lan vẫn có nguồn cầu thủ trẻ, vẫn làm tốt khâu đào tạo trẻ.

Đội bóng đất Chùa Vàng lựa chọn cầu thủ Thái kiều có chuyên môn phù hợp, có khả năng hoà nhập nhanh với môi trường sống và môi trường bóng đá Thái Lan, để tăng cường các vị trí yếu, giúp đội tuyển quốc gia mạnh hơn.

Cầu thủ Việt kiều ở đội tuyển: Quyết định thuộc về thầy Park - 2

Những cầu thủ Việt kiều có chuyên môn tốt, hoà nhập nhanh như thủ môn Đặng Văn Lâm là vốn quý mà đội tuyển Việt Nam cần có

Đây cũng là cách làm của bóng đá Việt Nam hiện tại và đang thành công. Chúng ta hiểu rõ giá trị mà nguồn lực từ cầu thủ Việt kiều mang lại, những nhà chuyên môn trong nước cũng đủ năng lực đánh giá cầu thủ Việt kiều nào có trình độ khá trở lên, đủ sức đá cho đội tuyển quốc gia, và cầu thủ nào chưa đủ trình độ chơi bóng chuyên nghiệp, trước khi tuyển lựa cầu thủ Việt kiều tương đối chính xác.

HLV trưởng đội tuyển quốc gia về lý thuyết lại là nhà chuyên môn có chất lượng cao nhất trong hàng ngũ những nhà chuyên môn trong nước, nên đánh giá của họ về chất lượng cũng như tính phù hợp của cầu thủ Việt kiều càng chính xác, mà trường bổ sung thủ môn Đặng Văn Lâm hiện tại và tiền đạo/tiền vệ tấn công Mạc Hồng Quân trước đây cho đội tuyển phản ánh điều đó.

HLV trưởng là người theo sát chuyển động của đội tuyển quốc gia, nên hiểu rõ nhất về đội tuyển, rằng đội tuyển cần những cầu thủ có chất lượng như thế nào, ở những vị trí nào, để bổ sung cho phù hợp, trong đó có việc bổ sung cầu thủ Việt kiều.

Nhìn rộng ra hơn nữa, ngay đến các nền bóng đá hàng đầu thế giới còn tranh nhau cầu thủ kiều bào có nguồn gốc nước họ, như Argentina và Pháp từng cùng muốn có trung phong David Trezeguet (mang 2 dòng máu Pháp – Argentina), Brazil và Tây Ban Nha từng tranh tiền đạo Diego Costa, hoặc trước nữa Italia và Pháp từng tranh cãi huyền thoại Michel Platini (vốn mang 2 dòng máu Italia và Pháp) phải khoác áo đội tuyển Italia hay đội tuyển Pháp mới là phù hợp?

Thành ra, nếu bỏ qua nguồn lực từ cầu thủ Việt kiều sẽ là sự lãng phí lớn, là đi ngược lại xu thế phát triển chung của toàn cầu. Còn về từng trường hợp cụ thể, về chuyện cầu thủ Việt kiều đấy có phù hợp hay không? Có đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng hay không? – Như đã đề cập, HLV trưởng đội tuyển quốc gia sẽ là người có câu trả lời chính xác nhất!

Trọng Vũ

Cầu thủ Việt kiều ở đội tuyển: Quyết định thuộc về thầy Park - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm