1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Cầu thủ nội thành vua phá lưới V-League: Đã đến lúc thích hợp?

(Dân trí) - Từ sau khi Hồ Văn Lợi đoạt danh hiệu vua phá lưới năm 2002, V-League không còn cầu thủ nào có được danh hiệu ấy cho đến tận bây giờ. Riêng năm nay, người ta hy vọng rằng thực tế sẽ thay đổi và chân sút nội sẽ lên ngôi.

Thời của chân sút nội?

Khi V-League mới ra đời, có 2 tiền đạo nội giành danh hiệu vua phá lưới trong 2 mùa giải liên tiếp, đó là Đặng Đạo (Khánh Hòa) ở năm 2001 và Hồ Văn Lợi (Cảng Sài Gòn) năm 2002.

Tuy nhiên, từ đó đến, danh hiệu này luôn thuộc về các chân sút ngoại. Ưu thế của các tiền đạo ngoại so với các tiền đạo nội quá rõ rệt, nhất là về mặt thể hình, thể lực, chiều cao và sức mạnh – những yếu tố rất quan trọng với những cầu thủ đá ở vị trí trung phong.

Ngoài ra, các CLB còn dành vị trí mũi nhọn cho các ngoại binh, tập trung bóng từ hàng tiền vệ cho các cầu thủ này, nên họ càng có điều kiện ghi nhiều bàn thắng, rồi trở thành vua phá lưới.

Dù vậy, so với mọi năm, năm nay có thể sẽ khác, bởi ngoại binh đã bị hạn chế, trong khi các tiền đạo nội có nhiều cơ hội để được ra sân hơn. Đấy là chưa tính đến chuyện hàng loạt chân sút gốc ngoại vốn một thời được đánh giá là xuất sắc, nay đã sa sút phong độ trầm trọng.

Lê Công Vinh là một trong những ứng cử viên cho danh hiệu vua phá lưới năm nay
Lê Công Vinh là một trong những ứng cử viên cho danh hiệu vua phá lưới năm nay

Timothy là một ví dụ điển hình. Cầu thủ từng nổi đình nổi đám ở Đồng Tháp, Ninh Bình, rồi CLB Hà Nội (của bầu Kiên, để phân biệt với một đội có tên CLB Hà Nội đang đá ở giải hạng Nhất hiện nay) hiện không còn sắc bén như xưa, thậm chí còn bị Thanh Hóa sớm thanh lý hợp đồng ngay từ trước vòng đấu thứ 3.

Trong khi đó, Gaston Merlo, chân sút lợi hại nhất V-League nhiều năm liên tục cũng không còn đá cho SHB Đà Nẵng, do chấn thương, không lấy lại được phong độ tốt nhất. Người thay thế anh là Gomez dường như chưa bằng anh.

Còn với những cái tên một thời quen thuộc như Kesley Alves, Nsi (Đồng Nai) họ không còn nguy hiểm nhu xưa. Riêng Fagan (Hải Phòng), Diabate (ĐT Long An), Bernardo (Than Quảng Ninh)… chưa thuộc dạng “sát thủ” trong khu vực 16m50.

Nhìn chung, so với các mùa giải trước, ở mùa giải năm nay, các tiền đạo ngoại hoặc gốc ngoại không còn đông đảo và không còn chiếm ưu thế tuyệt đối so với các tiền đạo nội.

Nhiều gương mặt triển vọng

Dẫn đầu danh sách ghi bàn tại V-League hiện nay là Nguyễn Tăng Tuấn (B.Bình Dương) với 4 bàn thắng, chỉ sau 2 trận đấu. Thậm chí, Tăng Tuấn chỉ được coi là cầu thủ dự bị của B.Bình Dương, nên về lý thuyết, những chân sút chính thức dạng Công Vinh hay Anh Đức còn nguy hiểm hơn nữa.

Cả Công Vinh và Anh Đức chỉ mới được sử dụng khá hạn chế ở V-League năm nay, vì nhiều lý do khác nhau. Thời gian tới, nếu được ra sân thường xuyên hơn, khả năng các cầu thủ này sẽ ghi bàn nhiều hơn.

Ngoài những tiền đạo vừa nêu, trong đội hình của đội bóng đất Thủ Dầu còn có dạng tiền vệ rất giỏi chớp thời cơ từ tuyến hai rồi ghi bàn, đó là Trọng Hoàng. Giống như Hồ Văn Lợi ở năm 2002, khả năng Trọng Hoàng có thể cạnh tranh về số bàn thắng so với các tiền đạo không phải là không thể xảy ra.

Cũng trong danh sách những chân sút nội đáng chú ý, người ta còn có những cái tên như Hải Anh (Đồng Nai), Công Phượng (HA Gia Lai), Hoàng Đình Tùng (Thanh Hóa), hay cầu thủ rất có duyên ghi bàn đang khoác áo Cần Thơ là Lê Văn Thắng, hoặc cầu thủ chơi ở vị trí tương tự đang khoác áo Hà Nội T&T là Văn Quyết.

Đối thủ lớn nhất của các tiền đạo nội ở mùa giải 2015 rất có thể sẽ là bộ đôi tiền đạo gốc ngoại Hoàng Vũ Samson và Gonzalo (cùng của Hà Nội T&T). Họ là những chân sút rất nguy hiểm và từng giành danh hiệu vua phá lưới V-League.

Dù vậy, trong bối cảnh mà cơ hội ra sân của các chân sút nội nhiều hơn, cơ hội thể hiện nhiều hơn các năm trước, cộng với niềm tin dành cho các chân sút nội ở các CLB cao hơn trước, hy vọng danh hiệu cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất V-League năm nay sẽ có sự thay đổi, với cái tên của một nội binh.

Kim Điền