Câu chuyện đằng sau 100 tấm huy chương của VĐV khuyết tật Nguyễn Hoàng Nhã
(Dân trí) - Chủ nhân hơn 100 tấm huy chương, lập kỷ lục tại Asean Para Games, nhưng vận động viên Nguyễn Hoàng Nhã cho rằng thành tích đó phần lớn là công sức của vợ, hậu phương vững chắc cho cuộc đời anh.
Từ e ngại vì khuyết tật đến lập kỷ lục đấu trường khu vực
Vận động viên Nguyễn Hoàng Nhã (39 tuổi, quê ở Phụng Hiệp, Hậu Giang) nổi danh khi là chủ sở hữu hơn 100 tấm huy chương đủ màu ở các giải bơi Para Games trong nước và khu vực. Càng nổi tiếng hơn khi mới đây, tại Asean Para Games 2023, anh đã lập kỷ lục mới ở nội dung bơi ngửa nam 100m hạng thương tật S7 với thành tích 1 phút 15 giây 56.
Thế nhưng ít ai biết, kỷ lục gia từng có tuổi thơ không đẹp như bạn bè cùng trang lứa, luôn sống khép nép, e ngại vì khuyết tật. Anh Nhã bị teo chân phải, chân thấp chân cao nên bước đi khập khiễng.
"Tôi sinh ra ở quê nghèo, lại khuyết tật bẩm sinh. Từ bé đã tự ti, e dè giao tiếp. Hồi đó trường xa nhà, phải đi bộ đi học, tôi đi chậm nên toàn rớt lại một mình, tủi thân lắm", anh Nhã chia sẻ.
Thế nhưng dù khuyết tật, anh Nhã luôn cố gắng làm mọi thứ bạn bè có thể làm được, "không muốn phải phiền ai điều gì". Sống giữa vùng sông nước, 5 tuổi anh cũng đã biết bơi để đi bắt cua, bắt cá phụ mẹ.
Ý thức bản thân sức khỏe yếu, từ bé anh Nhã đã chăm học vì cho rằng "chỉ có học mới có cơ hội tìm được việc để nuôi được mình, mới mong giúp được người khác". Mỗi ngày bước tập tễnh hơn 10km tìm con chữ, mùa nước nổi ngập đường, bạn bè ở nhà nhưng anh quyết không nghỉ buổi nào.
Năm 2002, cả ấp cùng mừng vì tin anh Nhã đủ điểm đỗ ngành sư phạm ngữ văn Đại học Cần Thơ. Hồi đó ở quê nghèo học hết cấp 3 còn ít, đỗ đại học như anh cả xã chỉ lác đác vài người.
"Nhưng đến lúc nhập học mới biết ngành sư phạm không tuyển sinh là người khuyết tật. Lúc đó bầu trời như sụp đổ. Về quê cũng không biết làm gì, tôi bám trụ thành phố, ngày bán vé số, đêm đi dạy kèm suốt 2 năm.
Đến năm 2004, tôi đến Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ học nghề thủ công cưa chữ nghệ thuật trên ván gỗ, nhờ nghề đó mà kiếm sống suốt hơn chục năm sau. Cũng ở Hội, tôi được giới thiệu tham gia đội vận động viên bơi khuyết tật", anh Nhã nhớ lại.
Với sự cố gắng "luyện tập như không còn gì để mất", chỉ trong tháng đầu tiên đến với thể thao, anh Nhã đã vinh dự bước lên bục nhận 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc tại Hội thao người khuyết tật toàn quốc năm 2004.
"Nói thấy dễ vậy, chứ từ kỹ năng tắm sông đến thi đấu chuyên nghiệp xa lắm. Hồi mới học bơi đúng kỹ thuật, có những hôm tôi uống no nước về không ăn cơm nổi. Hơn nữa vì di chứng chất độc da cam, hồi đầu tôi bị chuột rút, cảm ốm thường xuyên", vận động viên kể.
Dù khó khăn, những với sự quyết tâm khổ luyện, những thành tích cứ liên tiếp đến với anh. Năm 2008, tại Para Games lần thứ 4 ở Thái Lan, anh Nhã mang về cho đoàn Việt Nam 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Kể từ đó, phong độ của anh luôn cao và ổn định.
Mới đây, tại Asean Paga Games lần thứ 12, ngoài việc thiết lập một kỷ lục mới, anh Nhã còn mang về cho đoàn Việt Nam 2 huy chương vàng khác cùng 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Vợ đã bắc cầu cho tôi đến gần hơn mọi người
Thấy anh Nhã luôn sống tích cực, vượt khó vươn lên nên một người bạn đã giới thiệu anh với chị Lê Hồng Phương (nay là vợ anh Nhã), là một giáo viên cùng quê.
"Dù có thành tích, nhưng mình vẫn không hết e ngại, tự ti, luôn cảm giác có khoảng cách không thể khỏa lấp với những người lành lặn. Chuyện quen vợ mình cũng thế, yêu 2 năm nhưng không dám tiến xa hơn vì sợ không lo được cho người ta, không dám đến nhà bạn gái vì sợ cha mẹ người yêu cấm cản", kỷ lục gia Asean Paga Games tâm sự.
Rồi một tối hẹn hò vào 14 năm trước, anh Nhã cũng định tạm biệt người yêu ở con ngõ cách nhà chị Phương chừng 500m.
"Hôm đó vợ mình quyết tâm lắm, cầm tay dắt mình về nhà bằng được. Cô ấy bảo yêu thật lòng thì sao phải sợ.
Đúng như dự đoán, mẹ người yêu nhìn mình sắc lẹm, nhưng mình hiểu vì đến bản thân mình lúc đó cũng sẽ cấm nếu con gái có người yêu khuyết tật", anh Nhã kể về lần ra mắt nhà vợ đột ngột của mình.
Rồi sau những thử thách, cha mẹ chị Phương dần có thiện cảm, rồi đến yêu quý, coi anh Nhã như con ruột. Ngày cưới mẹ chị Phương còn chia đôi mảnh đất cho vợ chồng anh Nhã một nửa.
Rồi từ những sự dịu dàng, ân cần của vợ, anh Nhã nhận ra rằng "thì ra khoảng cách tưởng tượng bấy lâu nay hình như không tồn tại". Anh dần tự tin hòa nhập đám đông, tự tin giao thiệp với mọi người.
14 năm kể từ lúc cưới, năm nào anh Nhã cũng đạt 5 đến 10 huy chương. Đến nay, tường nhà anh đã treo đầy bằng khen, còn huy chương "chắc chắn trên 100 tấm". Nhưng với lịch thi đấu và huấn luyện dày đặc, thời gian anh Nhã ở nhà mỗi năm chỉ tính bằng ngày.
Nhưng mỗi dịp ở nhà, anh Nhã luôn muốn dành hết mọi việc của vợ. "Tôi vẫn cuốc đất trồng rau, thả lưới bắt cá. Tôi thích tự tay làm mâm cơm gia đình, cho vợ con những bữa cơm ngon lành nhất".
Anh Nhã tâm sự: "Thành công lớn nhất của tôi là vợ tôi. Những thành tích tôi có, tôi xin nhận phần nhỏ công lao, còn phần lớn là của vợ, hậu phương vững chắc để tôi tự tin tham gia các đấu trường.
Vợ đã bắc cầu cho tôi đến gần hơn mọi người, chấp nhận hy sinh sống suốt đời cùng một người khuyết tật. Nói thật lòng, tôi luôn thấy mình nợ vợ cả cuộc đời này".
Nói về cuộc sống gia đình, chị Phương cười bảo: "Anh ấy ít khi ở nhà, nhưng gia đình luôn hạnh phúc, tôi luôn thấy hạnh phúc. Người ta bảo lấy chồng khuyết tật sẽ khổ, nhưng 14 năm rồi tôi luôn thấy mình quyết định đúng.
Lịch của anh ấy dày lắm, những khi anh đi dự giải, tôi luôn cố gắng làm chu toàn mọi thứ để anh an tâm, vững tin thi đấu".
Đến nay, cuộc sống gia đình chỉ mới "đủ ăn cơ bản", nhưng ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Anh Nhã chia sẻ, dự định sau khi giải nghệ của anh là tham gia dạy bơi ở các trường học hoặc câu lạc bộ, tham gia các hoạt động từ thiện, truyền cảm hứng cho người khuyết tật.