“Cần công khai trước dư luận việc trọng tài có hoàn thành nhiệm vụ hay không”
(Dân trí) - Từng giữ vị trí trưởng Ban trọng tài VFF, nên ông Dương Vũ Lâm nắm khá kỹ hoạt động của ban này. Theo ông Lâm, để giới trọng tài Việt Nam tốt hơn, khâu điều hành trọng tài tốt hơn, thì giới trọng tài không thể khép kín mọi thông tin liên quan đến mình như hiện nay.
Thời gian qua giới trọng tài nội chịu rất nhiều phản ứng từ dư luận trong nước, theo ông thì nguyên nhân của những phản ứng này đến từ đâu?
Đầu tiên, phải công bằng ở chỗ trọng tài trên khắp thế giới đều có sai sót. Sai sót của trọng tài có lẽ cũng là một phần của bóng đá, điều quan trọng là sai sót đấy diễn ra theo hướng nào? Nếu đấy là lỗi nhận định, tôi cho rằng phản ứng của các đội, của dư luận sẽ không lớn, nhưng nếu lỗi nhận định đấy lặp đi lặp lại, theo hướng gây thiệt cho chỉ 1 đội và làm lợi cho đội bên kia thì các đội phản ứng là có lý do. Đấy là vấn đề về mặt niềm tin, khi một số trọng tài nội chưa tạo được niềm tin, thứ nhì là về mặt năng lực.
Bàn về năng lực của trọng tài, có phải từng có trọng tài xin ông không thi lên đẳng cấp FIFA, khi ông còn là trưởng Ban trọng tài, thưa ông?
Có, năm 2012, khi tôi còn là trưởng ban, tôi khá bất ngờ khi có trọng tài nêu ý kiến với tôi về chuyện xin không thi lên đẳng cấp FIFA. Trọng tài đấy sau này đoạt “còi vàng” Việt Nam, nhưng tôi từng thất vọng ở chỗ cậu ta không lẽ chỉ bằng lòng với việc thổi các giải trong nước, mà không muốn nâng cao trình độ của mình bằng chuẩn FIFA và bằng cách tham gia các giải đấu quốc tế.
Sau đấy thì tôi thay đổi quy trình kiểm tra thể lực trọng tài đầu và giữa mỗi mùa giải. Quan điểm của tôi là cứ kiểm tra bằng máy là khách quan nhất, thay vì dùng đồng hồ bấm tay. Không thể để xảy ra tình trạng cùng các bài kiểm tra như nhau, trọng tài vượt qua các đợt sát hạch trong nước, nhưng ra đến quốc tế, kiểm tra phong cấp FIFA thì lại trượt.
Quay lại với các sự cố ở giải trong nước, người ta bảo rằng theo quy định của FIFA, không thể công bố các quyết định liên quan đến trọng tài?
Tùy vào việc công bố những gì nữa. Ví dụ như FIFA không công bố mức án cụ thể đối với từng trọng tài lúc họ vi phạm, nhưng một trong tài điều hành tốt hay không tốt, hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ trong một trận đấu cụ thể thì các đội bóng, dư luận có thể được biết. Trước đây, tôi sẵn sàng công khai thông tin một trọng tài có hoàn thành nhiệm vụ hay không trong các trận đấu nhạy cảm nhất, sau khi đã xem kỹ bằng ghi hình.
Người ta phản ứng trọng tài, mất niềm tin vào giới trọng tài cũng xuất phát phần lớn từ việc khâu trọng tài gần như khép kín, gần như biệt lập hoàn toàn trong môi trường bóng đá nội. Không những không công khai các án phạt liên quan đến trọng tài, người trong cuộc cũng chẳng công khai thông số cụ thể của từng trọng tài đang điều hành V-League. Thế thì lấy gì đánh giá được trọng tài nào tốt, trọng tài nào chưa tốt? Rồi không công khai các thông số thì người khác dựa vào đâu để kiểm tra giới trọng tài? Mọi thứ cứ mù mờ như vậy thì người ta mất niềm tin vào trọng tài cũng phải.
Để thay đổi, thì giới trọng tài cần thực hiện những gì, hoặc nhà quản lý bóng đá cần điều chỉnh những gì trong khâu điều hành trọng tài?
Điều quan trọng nhất là khách quan, minh bạch thông tin về trọng tài, phải có sự kiểm tra chéo giữa các bộ phận khác trong nền bóng đá với giới trọng tài, không nên để Ban trọng tài hoạt động gần như khép kín và tách biệt với toàn bộ nền bóng đá nói chung như hiện nay. Với riêng người điều hành Ban trọng tài, tôi cho rằng tiêu chí quan trọng hàng đầu là khả năng quản trị, chứ không hẳn cứ phải là cựu trọng tài mới ngồi ghế trưởng Ban trọng tài.
Các cựu trọng tài có thể tham gia ở khâu giám sát, tham gia với tư cách chuyên gia, như lên chương trình giảng dạy, bồi dưỡng cho trọng tài từng mùa bóng. Chứ giới trọng tài vừa giám sát, vừa điều hành, vừa phân công trọng tài thì khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nếu các thông số về các trọng tài đều rõ ràng, công khai, thì khâu phân công trọng tài nên trả về cho các phòng chuyên môn của VFF. Khi đó, người ta chỉ cần dựa trên các thông số để điều tiết trọng tài phù hợp cho từng trận. Quan trọng nhất là khả năng quản trị, ở các liên đoàn bóng đá mạnh trên thế giới, người ta cũng làm vậy thôi.
Ngoài khả năng quản lý thì còn điều gì khiến trọng tài Việt Nam chưa tạo được cái uy như trọng tài quốc tế?
Ở các nước, trọng tài chỉ là nghề tay trái. Hầu hết các trọng tài hàng đầu đều thường là các bác sĩ, kỹ sư, luật sư, chuyên gia... nói chung là những người có nguồn thu nhập vốn đã ổn định, lại có trình độ và nhận thức xã hội cao. Thành ra, khi hành nghề trọng tài, họ sẽ ý thức rất cao về hình ảnh của chính mình. Nếu có sơ suất, nhất là những sơ suất dẫn đến điều tiếng, họ sẽ cân nhắc thận trọng vì còn ảnh hưởng đến hình ảnh và công việc của chính họ ngoài xã hội. Rồi cầu thủ nhìn vào đấy, nhìn vào công việc của các trọng tài ở ngoài đời mà cũng nể họ phần nào. Trọng tài Việt Nam không được như vậy, bóng đá Việt Nam chưa chuyên nghiệp, nhưng nghề trọng tài hầu như là nghề tay phải của nhiều người trong giới.
Xin cảm ơn ông!
Trưởng Ban trọng tài UEFA từng công khai sai sót của thuộc cấp tại Euro 2016
Sau trận Croatia – Tây Ban Nha tại vòng bảng Euro 2016, trưởng Ban trọng tài UEFA Colina từng công khai thông tin trọng tài Bjorn Kuipers (người Hà Lan) mắc sai lầm trong tình huống Sergio Ramos bên phía Tây Ban Nha đá phạt 11m. Theo ông Colina, trọng tài Kuipers đã để cho thủ môn bên phía đội Croatia di chuyển lên trên vạch cầu môn trước khi Sergio Ramos sút bóng. Theo luật, quả phạt đền phải được thực hiện lại, nhưng trọng tài Kuipers lại không làm điều ấy, khiến Tây Ban Nha thua chung cuộc.
Trọng Vũ (thực hiện)