“Cái bóng” tượng đài khiến đế chế MU khó vực dậy

(Dân trí) - Sau kỷ nguyên của Sir Matt Busby, MU đã “chìm trong bóng tối” hàng thập kỷ trước khi Sir Alex Ferguson xuất hiện. Giờ đây, CLB đang lâm vào tình cảnh tương tự sau khi “ông già gân” nghỉ hưu.

Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, MU mất đi “linh hồn”

MU là CLB vĩ đại nhất nước Anh (tính theo số danh hiệu Premier League) nhưng có thực tế rằng, hầu hết số danh hiệu của CLB tập trung ở hai triều đại của Sir Matt Busby và Sir Alex Ferguson (18/20 chức vô địch Anh, 3 Champions League và hàng loạt danh hiệu khác).

Sự ra đi của Sir Alex Ferguson khiến MU sụp đổ
Sự ra đi của Sir Alex Ferguson khiến MU sụp đổ

Năm 1969, sau khi Sir Matt Busby nghỉ hưu, MU đã “chìm trong bóng tối’ hàng thập kỷ cho tới khi Sir Alex Ferguson xuất hiện và mở ra kỷ nguyên huy hoàng cho CLB. Trong giai đoạn đó, MU đã phải chờ 26 năm để lên ngôi Vương ở giải đấu cao nhất nước Anh, 31 năm để giành chức vô địch cúp C1/Champions League. Thậm chí, họ từng xuống hạng 1 lần vào mùa giải 1973/74.

Trong 26 năm ấy (kể từ khi Sir Matt Busby chia tay MU tới khi họ giành chức vô địch Premier League màu 1992/93), MU đã thay tới 8 HLV (tính cả Sir Alex Ferguson). Trong đó, Sir Matt Busby đã 1 lần trở lại cứu rỗi “con tàu đắm” MU (mùa 1970/71) nhưng không thành công.

Có thể nói, những HLV như Sir Matt Busby (dẫn dắt MU 13 năm), Sir Alex Ferguson (27 năm) đã trở thành “linh hồn” của CLB. Họ đã xây dựng MU từ “đống đổ nát” trở thành đế chế vĩ đại. Chính họ đã tạo nên bản sắc của CLB sau thời gian dài làm việc ở Old Trafford.

Việc thay thế tượng đài như vậy chưa bao giờ là việc dễ dàng. Một HLV mới (như David Moyes, Van Gaal) chưa chắc đã thấm nhuần tư tưởng cũng như bản sắc MU. Thực tế, đôi khi, một HLV mới cũng không “copy” y nguyên những điều “tượng đài” như Sir Alex Ferguson hay Sir Matt Busby đã xây dựng. Họ muốn bước trên con đường mới, tạo lập sự nghiệp của riêng mình ở Old Trafford. Trong khi đó, đáng ra, MU cần phải xây dựng người kế vị cho Sir Alex Ferguson nhiều năm trước (ví dụ: việc đôn HLV đội trẻ như trường hợp của Barcelona) để duy trì triết lý, bản sắc của Sir Alex Ferguson cũng như CLB.

Dễ thấy rằng, lối chơi của MU dưới thời David Moyes và Van Gaal khác rất nhiều so với khi Sir Alex Ferguson còn dẫn dắt. Bản thân David Moyes thừa nhận rằng về sự tiếc nuối vì BLĐ MU đã sa thải ông quá sớm. Đơn giản, David Moyes cũng cần thời gian để xây dựng đế chế của riêng mình. Bản thân Van Gaal cũng muốn làm điều tương tự sau 2 năm ở MU. Ông đã xây dựng lứa cầu thủ trẻ tài năng để phục vụ tương lai. Thế nhưng, ở thời điểm này, sự kiên nhẫn của CĐV lẫn BLĐ là điều xa xỉ khi khát khao danh hiệu (đặc biệt là chức vô địch Premier League) lên tới tột độ.

Đế chế MU cứ như thể “mớ bòng bong” trong những năm qua là vì thế. Do đó, họ khó lòng có thể xây dựng đế chế vững mạnh như thời Sir Alex Ferguson, Sir Matt Busby, những người từng trải qua rất nhiều thất bại trong giai đoạn đầu ở MU.

Nhìn ra thế giới, không ít CLB đã sụp đổ hoàn toàn sau khi mất đi “linh hồn”. Nottingham Forest, CLB từng giành 2 cúp C1 liên tiếp vào năm 1979, 1980 đã không bao giờ trở lại vị thế của mình sau khi Brian Clough ra đi. Dynamo Kiev cũng rơi vào tình cảnh tương tự sau khi chia tay HLV quá cố Valeriy Lobanovskyi…

Mourinho đứng trước áp lưc cực lớn trong việc vực dậy MU
Mourinho đứng trước áp lưc cực lớn trong việc vực dậy MU

Những áp lực của Mourinho

Cần phải khẳng định, HLV Mourinho (nếu tới dẫn dắt MU) sẽ đối diện với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp khi tới làm việc ở Old Trafford. Nói vậy bởi lẽ, khi xưa, ông tới tiếp quản Chelsea khi CLB “chưa thành công” và được cấp rất nhiều tiền từ ông chủ Abramovich để xây dựng đế chế mới hoàn toàn (khác hẳn với MU, khi cái bóng Sir Alex Ferguson còn rất lớn). Tương tự, ông tới Inter khi CLB đang ngự trên đỉnh cao Serie A và tiếp quản Real Madrid vô cùng mạnh mẽ.

Giờ đây, Mourinho sẽ phải tiếp quản “mớ bòng bong” ở MU. Nhưng đi kèm với đó, sức ép thành công khủng khiếp không kém gì Inter hay Real Madrid năm xưa. Mourinho phải xây dựng lại CLB từ đầu như David Moyes cũng như Van Gaal. Do đó, khả năng thành công của ông là 50-50.

Bên cạnh đó, Mourinho đều đến những CLB trong quá khứ trong tư thế của người chiến thắng (ngoại trừ Inter). Lần này, ông cập bến MU trong bối cảnh vừa bị sa thải ở Chelsea vài tháng trước sau giai đoạn quá bết bát.

Tiếp đến, hãy chú ý tới những đối thủ của Mourinho mùa giải tới. Đó sẽ là những HLV hàng đầu thế giới như Pep Guardiola (Man City), Conte (Chelsea), Jurgen Klopp (Liverpool), Wenger (Arsenal), Pochettino (Tottenham), Ranieri (Leicester City).

Thế nhưng, HLV Mourinho từng chia sẻ: “Tôi chỉ thích những công việc áp lực lớn”. Do đó, việc tới dẫn dắt MU vừa mang tới áp lực nhưng đồng thời là thử thách thú vị với “Người đặc biệt”.

Trong quá khứ, cái tên Mourinho gần như là sự đảm bảo cho thành công. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha đều giành những danh hiệu lớn ở bất kỳ nơi ông đặt chân tới. Những CĐV MU đang đặt trọn niềm tin vào chiến lược gia người Bồ Đào Nha.

H.Long