(Dân trí) - Việc VPF quyết định dừng giải V-League 45 ngày để nhường chỗ đội U20 và U23 Việt Nam tập trung tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Câu hỏi về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam lại được đặt ra.
Bóng đá Việt Nam "một mình một kiểu": Bao giờ mới chuyên nghiệp?
Việc VPF quyết định dừng giải V-League (dù mới trôi qua 4 vòng) trong 45 ngày để nhường chỗ đội U20 và U23 Việt Nam tập trung tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Câu hỏi về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam lại được đặt ra.
Cả V-League "ngồi chơi" vì… đội trẻ
"V-League tạm nghỉ, ca sĩ Lâm nhận các show, mọi người liên hệ quản lý của Lâm nhé" - thủ thành Văn Lâm chia sẻ trên trang Facebook. Tất nhiên, đó chỉ là chia sẻ vui của người gác đền này. Thế nhưng, nhìn nhận sâu xa vấn đề, không ít người cảm thấy câu chuyện ấy đầy chua xót.
Bởi lẽ, một cầu thủ chuyên nghiệp như Văn Lâm không sinh ra để… hát hò. Điều họ cần nhất là thi đấu với nhịp độ liên tục để duy trì phong độ. Nên nhớ rằng, hầu hết tuyển thủ quốc gia Việt Nam thi đấu ở V-League. Có nghĩa rằng, họ sẽ phải "ngồi chơi" như vậy trong suốt 45 ngày (20/2 đến 6/4). Chưa hết, sau khi trở lại, V-League thi đấu thêm 10 ngày, rồi lại nghỉ tới ngày 19/5 (vì SEA Games). Tất nhiên, trong đợt tới, đội tuyển quốc gia Việt Nam sẽ tập trung dịp FIFA Days nhưng họ chỉ hội quân ngắn ngày và không thi đấu.
Nhưng ít nhất, những tuyển thủ Việt Nam vẫn còn… may mắn. Bởi lẽ, hàng trăm cầu thủ khác ở V-League thậm chí còn không có cơ hội lên tuyển. Họ sẽ phải sống trong tình trạng không có bóng đá khi chưa kịp "nóng máy" vì V-League mới trôi qua được 4 vòng đấu.
Cấn nhấn mạnh rằng quãng nghỉ này còn dài hơn các giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới đợt World Cup 2022 diễn ra. Mục tiêu chính của đợt nghỉ dài này là để đội U20 Việt Nam tham dự giải châu Á và đội U23 tập trung chuẩn bị cho SEA Games. Câu hỏi đặt ra là liệu có cần thiết dừng ở giải vô địch quốc gia vì… đội trẻ.
Thực tế, ngay cả khi dồn sức cho đội U20 Việt Nam chinh chiến ở Uzbekistan thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới V-League. Bởi lẽ, chỉ có 10 cầu thủ U20 được đăng ký tham dự V-League mùa giải này. Trong đó, hầu hết các cầu thủ đều chưa được ra sân hoặc có thời gian thi đấu khiêm tốn.
Thước đo của nền bóng đá chính là giải vô địch quốc gia. Việc dừng cả giải V-League để phục vụ cho… đội trẻ là điều hiếm thấy trên thế giới. Chẳng nói đâu xa, trong số 16 đội tham dự giải U20 châu Á, chỉ có duy nhất Việt Nam dừng giải vô địch quốc gia. Ngay cả Indonesia, đội bóng đang dồn sức tham dự giải U20 thế giới được tổ chức trên sân nhà cũng không có động thái tương tự.
Suy cho cùng, câu chuyện dừng giải đấu không chỉ ảnh hưởng tới các cầu thủ, mà còn cả với những CLB. Sau quãng nghỉ dài, nhiều CLB sẽ lại phải bắt nhịp lại từ đầu dù chưa kịp khởi động xong sau 4 vòng đấu. Đó còn là vấn đề tiền bạc. Trong thời gian nghỉ V-League, các CLB vẫn phải gồng mình trả lương cho những cầu thủ dù họ không thi đấu.
Vì lẽ đó, không ít đội bóng đã thể hiện sự bức xúc. HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hải Phòng chia sẻ: "Các CLB chỉ vừa mới bắt nhịp với cường độ thi đấu lại đã phải nghỉ dài ngày. Với tư cách HLV, tôi lại phải giúp họ bắt nhịp lại với mùa giải". Đó cũng là tâm tư của HLV Vũ Hồng Việt của CLB Nam Định: "Giải đấu mới diễn ra được 4 vòng lại phải nghỉ gần 50 ngày. Thời gian đó quá dài. Cầu thủ vừa bắt nhịp lại phải nghỉ, rồi sau đó cố gắng bắt nhịp trở lại. Thực sự giải đấu bị cắt vụn quá nhiều".
Cần nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên, những "tiếng khóc than" xuất hiện vì tình trạng này. Mùa trước, V-League cũng bị "cắt vụn" vì khoảng thời gian nghỉ thi đấu gần 4 tháng để đội U23 Việt Nam tham dự SEA Games và giải U23 châu Á. Nhưng rồi, mọi chuyện lại đâu vào đấy, tạo ra tiền lệ trong nhiều năm.
Cái lý của VPF
Tất nhiên, lịch thi đấu V-League (trong đó có quãng nghỉ 45 ngày) đã được VPF lên lịch từ trước mùa giải. Chia sẻ về quãng nghỉ dài ngày, Tổng Giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: "Các kế hoạch thi đấu của mùa giải 2023 cũng đã có từ đầu tháng 7/2022. Bên cạnh thời gian FIFA Days của đội tuyển quốc gia còn quá trình tập trung của U23 Việt Nam, U20 Việt Nam tham dự các mục tiêu quan trọng.
Chúng tôi cũng tính toán quãng thời gian để các trọng tài tại giải vô địch quốc gia tham dự khóa đào tạo trọng tài VAR. Theo đó, sau khi xin phép và được sự đồng ý của FIFA, khóa học đợt một ở các bước 2a, 2b theo quy trình đào tạo trọng tài đã được bắt đầu từ ngày 20/2.
Dự kiến thời gian khóa học đợt một là liên tục trong 14 ngày. Sau đó, các trọng tài tiếp tục các khoảng thời gian tập huấn các bước tiếp theo. Bởi vậy, để kịp tiến độ cho việc áp dụng VAR tại Việt Nam, thời gian tập huấn trọng tài trong nước là hết sức quan trọng, chúng tôi cần sắp xếp các quãng thời gian sao cho hợp lí để hoàn thiện được nhiều mục tiêu".
Ở đây, có thể thấy VPF cũng có cái lý của mình. Một vấn đề quan trọng là bóng đá Việt Nam vừa trải qua bước ngoặt. HLV Park Hang Seo đã ra đi, nhường vị trí cho Philippe Troussier. Tới thời điểm này, tân HLV người Pháp vẫn chưa sang Việt Nam. Ông cần thời gian thích nghi đủ lâu để làm quen với đội tuyển quốc gia Việt Nam và U23 Việt Nam.
Đó là lý do vì sao đội U23 Việt Nam có quãng tập trung dài đến vậy. Tại giai đoạn một, đội bóng sẽ tập trung từ ngày 1-7/3 với 40 cầu thủ (5 thủ môn). Giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 8-12/3 với quân số được rút ngắn còn 32 cầu thủ (4 thủ môn). Tiếp đó, giai đoạn ba bắt đầu từ ngày 12-17/3 với 27 người (3 thủ môn). Sau giai đoạn này, đội U23 Việt Nam sẽ được huấn luyện với giáo án chuyên sâu hơn và dự kiến sẽ có một vài trận giao hữu. Cuối cùng, giai đoạn 4 diễn ra từ ngày 18-29/3. Dự kiến, trong giai đoạn này, đội bóng sẽ tập huấn ở UAE với đội hình mạnh nhất.
Thực tế, câu chuyện này không mới. Nó vẫn giống như những năm trước khi cơ quan điều hành V-League muốn dồn sức để các đội trẻ Việt Nam tập trung dồn sức chinh phục các giải đấu. Chỉ khác là lần này, họ muốn HLV Philippe Troussier có nhiều thời gian hơn để làm việc với đội U23. Bên cạnh đó, một thay đổi quan trọng là VPF muốn dành thời gian để các trọng tài đào tạo VAR.
Vì vậy, họ nhận không ít sự cảm thông. Cựu Phó Chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm chia sẻ với Dân trí: "Ở đây có lẽ chúng ta phải thông cảm, vì những nhà quản lý giải V-League muốn hướng đến việc tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đội tuyển, không chỉ đội tuyển U20 mà còn cho đội U23 sắp tới đây cũng sẽ tập trung dự cúp bóng đá giao hữu tại Doha (Qatar). Ưu tiên cho việc dành thời gian tối đa để tân HLV Philippe Troussier quan sát và ráp nối các nhân sự, hướng đến SEA Games 32.
Lực lượng U20 có liên quan mật thiết đến lực lượng đội U23 dự SEA Games vào tháng 5, xa hơn nữa là hướng đến việc tranh vé dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2026, nên những nhà quản lý giải trong nước muốn ưu tiên cho các đội này, nhưng chưa khéo léo trong việc tạo ra sự hài hòa giữa quyền lợi giữa các đội tuyển và quyền lợi của các CLB".
Hay HLV Nguyễn Hữu Thắng của CLB Bình Định nêu quan điểm: "Tôi đã nói nhiều về việc này từ năm 2017 nhưng tình hình vẫn tiếp diễn và các CLB buộc phải thích nghi. Chúng ta cần thông cảm cho Ban tổ chức V-League vì có nhiều quãng nghỉ để các đội tuyển tập trung".
Bóng đá Việt Nam học cách lên chuyên nghiệp
Suy cho cùng, những phản ứng gay gắt từ người trong cuộc ở V-League với VPF xuất phát từ góc nhìn của hai phía. Ở đây, không phán xét góc nhìn nào đúng sai. Nhưng có một thực tế rằng việc hoãn V-League để ưu tiên cho đội trẻ dường như đi ngược với sự phát triển chung của thế giới.
Có lẽ, Thái Lan là quốc gia gay gắt nhất trong việc nhả người cho đội tuyển quốc gia. Thậm chí, một vài CLB sẵn sàng không để cầu thủ lên tập trung đội tuyển quốc gia (chứ đừng nói là đội trẻ) nếu không đúng dịp FIFA Days.
CLB Buriram United và Chonburi từng nhất quyết không để cầu thủ lên tập trung đội U23 tham dự giải SEA Games và U23 châu Á. Tương tự, ngay cả ở AFF Cup 2022 vừa qua, Thái Lan mang tới lực lượng đội hình B vì nhiều CLB không nhả người.
Ở Việt Nam, các CLB chưa có tiếng nói như vậy. Nhiều CLB vẫn chấp nhận "lùi bước" trước VPF vì những đợt nghỉ dài. Một vài HLV đã lên tiếng nhưng nó không đủ mạnh mẽ để thay đổi thực trạng ấy. Kết quả, V-League luôn phải nhường cho các đội tuyển quốc gia (kể cả đội U20).
Ở góc nhìn công bằng, việc xây dựng hệ thống chuyên nghiệp phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Trong đó, việc duy trì xuyên suốt của giải vô địch quốc gia là điều mà cả thế giới đang hướng tới. Thái Lan có vẻ như cũng bắt kịp xu thế này.
Thậm chí, giải vô địch bóng đá Thái Lan không thay đổi lịch thi đấu vì SEA Games. Theo lịch, giải đấu này sẽ kết thúc vào ngày 14/5, trong khi SEA Games 2023 diễn ra từ ngày 5-15/5. Ban đầu, Liên đoàn bóng đá Thái Lan đề nghị dời lịch thi đấu giải vô địch quốc gia để phục vụ SEA Games nhưng nhiều CLB đã phản đối.
Chủ tịch CLB Buriram United, Newin Chidcho chia sẻ: "Phá hủy cả hệ thống giải đấu chuyên nghiệp để trở thành nhà vô địch SEA Games là tầm nhìn của những người nghiệp dư, không biết về bóng đá. Chức vô địch SEA Games có ý nghĩa với Liên đoàn bóng đá Thái Lan, tới mức không quan tâm tới giải vô địch chuyên nghiệp, vốn là nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Thái Lan hay sao? Nếu chỉ dừng giấc mơ ở SEA Games thì đừng có nghĩ tới World Cup nữa".
Đó cũng là quan điểm của HLV Mauro Jeronimo của CLB PVF (người từng lăn lộn ở nhiều quốc gia trên thế giới). "Bạn không thể đến World Cup 2022 bằng chức vô địch SEA Games hay thậm chí là AFF Cup. Vô địch Đông Nam Á với bóng đá Việt Nam không phải là điều khó. Nhưng nếu muốn nghĩ tới World Cup thì cần nâng cao chất lượng giải đấu chuyên nghiệp".
Rõ ràng, đã tới lúc những người làm bóng đá Việt Nam nhìn nhận vào thẳng vấn đề và bắt kịp với kiểu làm bóng đá chuyên nghiệp của thế giới. Không phải lúc nào V-League cũng chỉ là "đứa con ghẻ" chỉ để nhường chỗ cho giấc mơ của… bóng đá trẻ.
H.Long