1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá Việt Nam cần tìm HLV đội tuyển và người cầm trịch

(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam những ngày cận Tết đối diện với 2 vấn đề lớn, đấy là tìm HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia và trên nữa là tìm người cầm trịch cả nền bóng đá, trong bối cảnh mà đương kim chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có thể sẽ rút khỏi cương vị hiện tại.

Câu chuyện chọn HLV nội dẫn dắt đội tuyển thoạt nghe thì đơn giản là việc HLV cũ ra đi, HLV mới sẽ đến. Tuy nhiên, đấy có thể là mở đầu cho một cách nghĩ khác, cách định hướng khác và một mối quan hệ khác giữa VFF với các HLV nội.

Lâu nay, trong mối quan hệ của mình với HLV ngoại, VFF xem các HLV ngoại là đối tác, họ hầu như không can thiệp cũng như ít phản biện về chuyên môn của các HLV ngoại. Ngược lại, quan hệ giữa VFF và HLV nội chỉ đơn thuần dừng ở mức ông chủ và người làm thuê, thành ra mới có chuyện các HLV nội khi nắm các đội tuyển thường bị can thiệp rất sâu vào chuyên môn.

Bây giờ thì VFF phát ra thông điệp họ cần HLV nội, nên cũng là lúc người ta hy vọng rằng những quan điểm trước đây sẽ được thay đổi, theo hướng các HLV nội cũng có những đặc quyền và cũng có vị thế tương đương với HLV ngoại.

 

VFF đang thiếu người cầm trịch (ảnh: Nguyễn Đình)
VFF đang thiếu người cầm trịch (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Nhưng vấn đề chọn HLV vẫn chưa nan giải bằng vấn đề tìm người cầm trịch cho VFF trong thời gian trước mắt. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã đánh tiếng muốn rút khỏi cương vị hiện tại, khi sức khỏe của ông Dũng hiện không còn tốt như lúc ông mới ngồi vào vị trí lãnh đạo cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Việt Nam hơn 1 năm trước.

Gần đây nhất, ở Hội nghị BCH VFF vào ngày 28/1 ở TPHCM, một hội nghị được đánh giá là rất quan trọng, bàn về nhiều vấn đề nhạy cảm của bóng đá nội và của chính VFF, nhưng ông Dũng không thể tham dự đầy đủ vì lý do sức khỏe.

Người đứng đầu VFF cần thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn, tập trung vào việc chữa bệnh và hồi phục sức khỏe của chính ông. Đấy cũng là lúc mà VFF cần tính đến một lãnh đạo mới. Dù vậy, đây là việc không dễ tìm, bởi người có khả năng và có tiếng nói có trọng lượng thực sự thì không muốn ngồi vào ghế chủ tịch VFF, trong khi người muốn ngồi lại thiếu các yếu tố vừa nêu.

VFF dù chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhưng đấy là tổ chức xã hội có ảnh hưởng thuộc vào loại lớn nhất, quyền lực và khả năng thu hút các nguồn lực xã hội trong một lĩnh vực cụ thể (bóng đá) cũng thuộc vào loại cao nhất.

Người đứng đầu VFF qua nhiều giai đoạn thường phải có địa vị xã hội tốt, có ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ, hoặc phải là những doanh nhân cực kỳ thành đạt. Vì chỉ có những nhân vật cỡ đó mới đủ sức kêu gọi các nguồn lực kinh tế đầu tư cho bóng đá, hoặc có sẵn tiền để trực tiếp đầu tư, để trực tiếp giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách vẫn thường xảy ra trong môn thể thao vua.

Xét trên những tiêu chí ấy, không có ai trong tất cả các ứng cử viên từng được điểm danh trong thời gian gần đây đủ sức ngồi ở ghế chủ tịch VFF, thay ông Lê Hùng Dũng, kể cả 2 doanh nhân nghìn tỷ là các ông Đoàn Nguyên Đức (đương kim phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF) và Võ Quốc Thắng (chủ tịch HĐQT VPF), bởi sau thời gian làm việc trực tiếp ở VFF và VPF, có thể thấy là cả ông Đức lẫn ông Thắng vẫn chưa giải quyết tốt nhiều tồn đọng của bóng đá Việt Nam.

Một số ứng cử viên khác hoặc đã về hưu hay sắp về hưu (tức là lại dễ rơi vào tình trạng của cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ - lúc mới nhận nhiệm vụ thì đang đương chức Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, nhưng làm được nửa nhiệm kỳ đầu thì về hưu), hoặc tình trạng của ông Lê Hùng Dũng (cũng không còn giữ cương vị chủ tịch HĐQT Eximbank không lâu sau khi đắt cử chủ tịch VFF). Tức là sẽ mất đáng kể ảnh hưởng đối với xã hội, cũng như mất đáng kể nguồn lực tài chính.

Công việc tìm người cầm trịch VFF trong thời gian tới chắc chắn không phải là công việc đơn giản, trong khi VFF càng chậm có người cầm trịch mới thì càng dễ mất phương hướng, như chuyện vài ông phó chủ tịch mạnh ai nấy nói và mạnh ai nấy làm trong thời gian vừa rồi.

Kim Điền

 

Bóng đá Việt Nam cần tìm HLV đội tuyển và người cầm trịch - 2

 

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016