1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bóng đá Thái Lan ngày càng bỏ xa Việt Nam: Hơn nhau ở cách làm?

(Dân trí) - Trên bảng xếp hạng mới nhất vừa được FIFA công bố, Thái Lan đã bỏ xa Việt Nam đến 26 bậc. Đấy là khoảng cách về lý thuyết, còn khoảng cách thực tế có thể xa hơn nữa, khi đội tuyển Thái Lan đang dần tiếp cận trình độ châu lục.

Khoảng cách thực tế còn lớn hơn khoảng cách về lý thuyết

Mà không chỉ có đội tuyển Thái Lan bỏ xa đội tuyển Việt Nam, nhiều khía cạnh khác nói chung, nhất là ở khả năng quản lý CLB và quản lý nền bóng đá, Thái Lan đều vượt hơn so với bóng đá Việt Nam.

Sở dĩ phải nói đến chuyện khoảng cách về lý thuyết và khoảng về trên thực tế giữa 2 nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan là bởi, trên lý thuyết, với việc cách nhau 26 bậc, một đội bóng hạng dưới vẫn có thể chiến thắng đội hạng trên.

Nhưng thực tế, bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây, tầm đội tuyển quốc gia không còn khả năng chiến thắng Thái Lan, nếu đối chiếu lại kết quả của hàng loạt trận đấu ở các giải đấu chính thức giữa 2 đội với nhau.

Cụ thể, gần nhất, đội tuyển Thái Lan thắng đội tuyển Việt Nam ở cả 2 lượt trận vòng loại thứ 2 World Cup 2018 – khu vực châu Á, trong năm 2015, 1 trận thắng 1-0 ở Bangkok và 1 trận thắng 3-0 ngay tại sân Mỹ Đình.

Khoảng cách về trình độ giữa bóng đá Thái Lan và bóng đá Việt Nam trên thực tế còn có thể cao hơn nhiều so với con số 26 bậc trên bảng xếp hạng FIFA (ảnh: Gia Hưng)
Khoảng cách về trình độ giữa bóng đá Thái Lan và bóng đá Việt Nam trên thực tế còn có thể cao hơn nhiều so với con số 26 bậc trên bảng xếp hạng FIFA (ảnh: Gia Hưng)

Đấy đều là những trận thua rõ ràng về mặt đẳng cấp, về trình độ kỹ thuật chơi bóng, về tư duy chơi bóng của đôi bên, chứ không đơn thuần là cái thua của một hay một vài tình huống đơn lẻ.

Rồi cũng từ lâu, đội tuyển Thái Lan không còn coi đội tuyển Việt Nam là đối trọng đáng kể nhất của họ ở các kỳ AFF Cup hoặc SEA Games (đối trọng thực sự của người Thái thường là Malaysia và Singapore).

Thành ra, với dân trong nghề, thì trình độ của bóng đá Thái Lan và bóng đá Việt Nam cách nhau nhiều lắm, chứ không chỉ là 26 bậc như trên bảng xếp hạng của FIFA (Việt Nam hiện đứng 145, Thái Lan đứng 119).

Mà sự chênh lệch rõ ràng về tư duy chơi bóng, về kỹ - chiến thuật của cầu thủ Thái Lan đến từ khâu quản lý và điều hành 2 nền bóng đá, khâu định hướng phát triển bóng đá trẻ giữa 2 nước.

Khác biệt ở khâu định hướng và điều hành

Nói bóng đá Việt Nam không có tiền để phát triển thì không đúng. Thậm chí, có thời, nhất là vào khoảng chục năm từ 2002 – 2012, bóng đá Việt Nam tầm CLB còn được đánh giá là giàu nhất, chi tiền nhiều nhất Đông Nam Á.

Thời đấy, giá trị của cầu thủ Việt Nam bỗng chốc tăng vọt, các CLB trong nước tiêu tốn vài triệu USD mỗi năm. Nhưng ngặt nỗi, tiền chảy vào bóng đá Việt Nam lại không giúp phát triển mô hình quản lý CLB, không giúp phát triển cơ sở vật chất bóng đá tại các CLB, tại các sân bóng, cũng không được đầu tư đúng hướng vào công tác phát triển nguồn cầu thủ trẻ ở các đội bóng.

Tiền đấy chủ yếu chỉ dùng cho việc mua đi bán lại, nhập tịch cầu thủ, để đến khi kinh tế khó khăn, các ông bầu lại thi nhau rút khỏi bóng đá, hoặc đầu tư nhỏ giọt dần, để lại các CLB bóng đá vừa không có khả năng sinh lợi từ chính bóng đá, tức là khả năng tự nuôi sống bản thân thông qua bóng đá, vừa thiếu khả năng cung cấp nguồn cầu thủ cho tương lai.

Hậu quả là thế hệ cầu thủ hiện tại của bóng đá Việt Nam bị đánh giá là kém xa so với thế hệ cầu thủ hiện tại của Thái Lan, sức cạnh tranh của đội tuyển quốc gia và của các CLB trên đấu trường quốc tế cũng kém hẳn.

Tất cả những điểm yếu vừa kể trên của bóng đá Việt Nam đều là những điểm mạnh của bóng đá Thái Lan: Họ có giải vô địch quốc nội khoẻ mạnh nhất, có nguồn cầu thủ dồi dào nhất và có đội tuyển mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á, trở thành nền bóng đá trong khu vực tiếp cận gần nhất với trình độ châu lục... Điều đó chứng minh vai trò điều hành của Liên đoàn bóng đá Thái Lan hơn hẳn những nhà quản lý của bóng đá Việt Nam.

Người ta tự hỏi rằng trong thời điểm mà các ông bầu chi phối mạnh hoạt động của giải quốc nội các năm trước, dễ dàng đến rồi đi khỏi giải vô địch quốc gia, vai trò của cơ quan điều hành nền bóng đá ở đâu? Khi các đội bóng trong nước chỉ lo mua – bán, nhập tịch cầu thủ ồ ạt mà không quan tâm đến sự phát triển mô hình CLB theo đúng hướng chuyên nghiệp, không đầu tư vào các thế hệ cầu thủ kế cận, cơ quan quản lý nền bóng đá đã làm gì để siết chặt việc đấy?

Để giờ, người hâm mộ bóng đá nội cứ nhìn sang Thái Lan mà tiếc cho một thời gian dài chúng ta có nhiều tiền mà không biết xài tiền, để giờ cả nền bóng đá mất phương hướng và bị chính Thái Lan bỏ quá xa về mặt trình độ!

Trọng Vũ

Bóng đá Thái Lan ngày càng bỏ xa Việt Nam: Hơn nhau ở cách làm? - 2