Tản mạn từ chuyện của Văn Quyến

Bi kịch đô thị

(Dân trí) - Có một chú bé nông thôn nọ lạc vào thành phố, loanh quanh mãi mà không sao thoát khỏi đó. Chú quỳ gối, đọc kinh cầu nguyện rồi nhảy xuống sông với hy vọng dòng sông sẽ đưa mình trở về đồng ruộng nhưng cuối cùng, chú đã chết, một cái chết tất yếu, một bi kịch tất yếu không chỉ của riêng chú mà là của chung cho tất cả những ai đã lạc khỏi thế giới của riêng mình…

Để khái quát cuộc đời thơ ca của Êxênhin (nhà thơ trữ tình nổi tiếng người Nga) Gorki đã kể lại câu chuyện đó.

 

Tình cờ, câu chuyện trên lại rất ứng nhiệm với trường hợp của “cậu bé vàng” họ Phạm, người đã từng làm những con tim của các fan BĐVN có những lúc phải nghẹn lại rồi vỡ oà vì sung sướng. Cái tin Quyến đốt lưới Hàn Quốc, đem về trận thắng lịch sử cho BĐVN xuất hiện trên mặt báo vào một buổi sáng năm 2003. Tôi tin chắc rằng khi đó, sau khi vừa tỉnh giấc không ít người VN đón nhận tin này giống như chuyện trong mơ. Làm sao mà tin được, khi mà BĐ Hàn Quốc hơn ta cả một cái đầu, và cách đấy đúng 2 tuần họ còn đánh bại ta tới 0- 5. Thế mà đấy lại là sự thật. Một đường chuyền của Tuấn Phong. Một cú chạm bóng của Quyến. Một cú sút hình quả chuối…tất cả đã làm nên lịch sử!

 

Chỉ riêng cú sút này thôi, chỉ riêng pha bóng ấy, trận đấu ấy, mà không cần nhắc tới bất cứ một chiến công nào khác Quyến đã đủ đưa tên mình vào sổ vàng VFF. Tôi cũng tin chắc rằng sau thời khắc ấy có không ít fan đã đặt trước cái tên Văn Quyến một từ “thần tượng”, có không ít đứa trẻ trong giấc mơ của mình, ít nhiều đã mơ về gương mặt ấy, đôi chân ấy, thần tượng ấy…

 

*

 

Ôi! Thần tượng của tôi! Liệu chăng lời than ấy đã xuất hiện ? Nó xuất hiện cùng với nỗi thất vọng, cùng sự chán chường tới não nề, bi đát khi mà Quyến (chứ chẳng phải ai khác) đã phải cúi mình lẩn trốn trước ống kính phóng viên?  Tôi tin là có, bởi chính tai tôi, ngay trước cổng cơ quan điều tra trên phố Hồ Giám đã nghe thấy những lời nặng nề hơn thế, tệ hại hơn thế rất nhiều.

 

Đốt! Đốt! Và đốt!, tại tiền sảnh C14 cánh phóng viên  cứ đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác để “rình rập” Quyến, chờ đợi những thông tin của Quyến, thậm chí còn coi đó là một thứ “tin độc” trên mặt báo sáng mai.

 

Chửi!Chửi! Và chửi! Những người hâm mộ cứ chửi hết điều nọ đến điều kia như để thoả nỗi tức giận của họ trước sự sụp đổ của một thần tượng.

 

Trốn! Trốn! Và trốn! Nhân vật chính - Phạm Văn Quyến, đích thực là thế không dám ngẩng mặt lên để đối diện với những chiếc máy ảnh chĩa về phía mình. Trong cái cảnh lầm lũi, giấu gương mặt, giấu ánh mắt (và dường như là giấu tất cả những gì có thể) vào một chiếc mũ, có lẽ Văn Quyến lúc ấy không thể biết bầu trời màu xanh hay màu tía?

 

*

 

Thôi, hết thật rồi! Đời bóng đá của Quyến lúc này thật đúng với câu “chỉ mành treo chuông”. Nhưng vấn đề là vì sao? Vì sao mà một tài năng lại xuống dốc nhanh và bi thảm đến thế?  Trong những bài viết đây đó của mình tôi đã ít nhiều đụng chạm tới điều này. Nhưng ở đây có lẽ cần thiết phải đề cập tới một góc nhìn khác, một góc nhìn mà tôi đã chọn làm tựa đề cho bài tản mạn: Bi kịch đô thị.

 

Giữa chú bé lạc vào thành phố trong câu chuyện của Gorki với một Văn Quyến “lạc” từ nông thôn ra đô thị, từ vòng tay ấm áp của mẹ Niềm ra những mối quan hệ giá băng, sắt thép của những cầu thủ đàn anh, đàn chú sao mà giống nhau đến thế? Hiển nhiên chú bé mà Gorki nhắc đến bị “lạc” một cách thật sự, một sự lạc lối đơn thuần về mặt cơ học (từ không gian này tới không gian kia). Còn với Quyến, cậu ta chấp nhận rời quê hương đi đá bóng, chấp nhận xa mẹ để dấn thân vào đội 1 Nghệ An. Bạn sẽ bảo vậy thì không thể gọi là “lạc” được! Đồng ý, thế nhưng trong sự chấp nhận và dấn thân ấy, khi mà chủ thể không chuẩn bị cho mình một hành trang, một sự hiểu biết đủ đầy thì sự chấp nhận và dấn thân sẽ trở thành một hành vi mù quáng, như thế có khác gì lạc lối đâu?

 

Khi nhà thơ Nguyễn Bính rời quê mẹ Hà Nam để đi giang hồ lãng tử, ông đã thốt lên: “Từ bỏ vườn cam bỏ mái gianh – tôi đi dan díu với kinh thành”. Sự “dan díu” thoạt tiên đem đến cho ông nhiều phấn khích, thế nhưng dần dần thi sĩ nhận ra cái tâm hồn thành thị giống như một chiếc áo quá cỡ mà mình không thể mặc vừa.

 

Ông định trở lại cái nôi đã sinh ra mình, trở lại với những vần thơ quê mùa đã từng làm nên tên tuổi mình. Thế nhưng “người ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông”, ông chẳng còn là một hồn quê thuần phát nữa để mà “trở về”, nhưng cũng không thể là kẻ lãng tử đích thực như những gã trai đô thị để mà bước tiếp. Thế là trong cơn vật vã, giằng xéo đó hồn thơ ông chết dần, chết dần, để rồi một ngày ông không còn là ông nữa.

 

Tôi tin là cái hồn thơ ấy chết một cách tự nguyện. Cũng giống như chú bé trong câu chuyện của Gorki đã tự nguyện nhảy xuống sông, tự nguyện chết với hy vọng là dòng sông sẽ đưa mình về với đồng nội thân thương, nghĩa là đưa mình trở lại là mình.

 

Chỗ này thì Quyến không có được. Quyến “chết” một cách bị cưỡng bức, “chết” trong những lời tra hỏi, chất vấn của cơ quan an ninh. Anh ta không thể tự nguyện giống như Nguyễn Bính hay như cậu bé trên vì anh ta thiếu một tầm văn hoá để nhận biết rằng mình đã không còn là mình nữa.

 

Quyến rời mẹ, rời nông thông từ thủa thiếu thời để đi đá bóng, anh chưa kịp tắm mình trong cái nôi văn hoá ấy, hoặc giả chưa đủ lớn để nhận thức ra nó và trưởng thành cùng nó. Ánh đèn đô thị, nụ cười người đẹp, giọt lệ giai nhận… tất cả quyến rũ anh và ám ảnh anh. Nó lớn đến nỗi anh không thể nhận ra rằng sau nó là những cạm bẫy chết người. Hình như đó là tấn bi kịch tích yếu cho những thân phận  tài hoa, đi từ quê lên phố mà trong đầu lại quá thiếu “hành trang”?

 

*

Trách thật nhiều mà cũng thương thật nhiều! Anh cũng chẳng có một người cha tinh thần (kiểu như HLV Calisto với Tài Em) để dạy anh những phẩm giá cơ bản của một người đá bóng. Cái phẩm giá mà nhờ nó người ta biết mình phải học gì, tránh gì trong một môi trường mà hào quang và tội lỗi cứ hoà vào nhau, sống cùng nhau một cách nhá nhem… /

 

Phan Đăng