(Dân trí) - Trò chuyện cũng võ sư Đăng Văn tại đền Quán Thánh đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về Nam Hồng Sơn cũng những câu chuyện xung quanh môn phái.
Chúng tôi tìm đến ngôi đền Quán Thánh trong một buổi chiều cuối đông, nơi đây những câu chuyện về một võ phái lâu đời và thành danh bậc nhất làng võ cổ truyền Việt Nam dần được hé mở, qua lời kể của một trong những môn sinh ưu tú nhất của môn phái, thầy Bùi Đăng Văn - Chủ nhiệm của tổng đường Quán Thánh.
Võ sư Bùi Đăng Văn
- Chủ nhiệm tổng đường Quán Thánh, 1 trong 6 tổng đường chính của Nam Hồng Sơn
- Thành viên của hội võ thuật Hà Nội, phó ban chuyên môn
- Nằm trong Ban chuyên môn của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam
Môn phái Nam Hồng Sơn hình thành từ năm 1920 do cố đại võ sư Nguyễn Nguyên Tộ (biệt danh Sáu Tộ) sáng lập. Lớp võ đầu tiên được tập luyện ở khu nhà 7 gian tại làng Thể Giao (nay thuộc công viên Thống Nhất).
Nam Hồng Sơn là sự kết hợp giữa hai dòng võ Việt Nam và Thiếu Lâm Hồng Gia, mang dáng dấp uy nghi như một ngọn núi. Môn phái này có những cung bậc phát triển theo từng thời kỳ lịch sử của đất nước.
Thời gian đầu, đi cùng với sự khó khăn thời chiến, Nam Hồng Sơn cũng không thực sự có được sự phát triển ổn định, có những thời điểm hàng loạt các võ sư thế hệ đầu như cụ Mười Đen, cụ Nhâm Đen, cụ Ba Hồ, cụ Sửu… phần lớn đi theo cách mạng và hoạt động trong quân đội dẫn tới sự thiếu hụt các nhân tố chính.
Giai đoạn 1960-1962, dù tuổi đã cao nhưng võ sư Nguyễn Tộ lui về giảng dạy lớp võ thuật do Bộ Giáo dục triệu tập chung cho toàn miền Bắc. Đến năm 1964, lời hiệu triệu khôi phục lại nền thể thao mang tính dân tộc được đưa ra, các lò võ bắt đầu hoạt động trở lại.
Đây là thời điểm nở rộ sau 1 thời gian dài bị hạn chế, tuy nhiên điều thiệt thòi lúc đó là các võ sư lão luyện đã không còn.
"Sự phát triển lúc đó rất mạnh về cả phong trào, lượng người tập đam mê, phần nào đó đã lấy lại được nét riêng của từng môn, và Nam Hồng Sơn cũng nằm trong dòng chảy đó." Võ sư Văn cho hay.
Năm 1984, thầy Nguyễn Tỵ mở lớp đầu tiên ở Quán Thánh, lớp tiếp theo là ở Vân Hồ. Đầu những năm 90, sự lan tỏa được tiếp tục khi những thế hệ võ sinh của Nam Hồng Sơn (từ năm 1984-1989) có đủ khả năng, độ chín, họ đã mở nhiều lớp và chiêu mộ môn sinh ở khắp các nơi.
Sự phát triển nở rộ nhất của Nam Hồng Sơn rơi vào khoảng thời gian từ 1990-1996, con số có lúc rơi tới vài nghìn môn sinh. Riêng Quán Thánh, 1 tháng có thể rơi vào hơn 1000 môn sinh.
"Thực tế võ tôi tập cũng từ lâu, trước đó đã tập của một số cụ, từ năm 10-11 tuổi tôi đã đi tập, tuy nhiên thời gian đó do kinh tế thiếu thốn và cường độ tập luyện chưa khoa học", thầy Văn mở đầu câu chuyện khi được hỏi về cơ duyên tới với võ thuật.
Năm 1986, tôi bị một chấn thương cột sống, đã đi chưa trị nhiều nhưng không khỏi. Chân bắt đầu teo lại, người cũng lệch lạc, với mọi người tuổi 17 là độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu" nhưng với tôi đó là thời gian tôi đau đớn nhất. Tôi cao 1m77-78 nhưng chỉ nặng hơn 40kg.
Năm 1988 tôi đi làm với người bạn, trong suy nghĩ bệnh tật không chữa được nên kiếm được đồng nào tiêu pha ăn uống đồng đó. Chúng tôi tình cờ đi ngang qua đền Quán Thánh thì bạn tôi vào xin học cho tôi và bắt tôi đi tập.
Thời điểm đó, tôi cảm thấy tự ti do thân hình ko bình thường so với người khác. Tôi được gặp thầy Tỵ, thầy động viên: "Nếu yếu thì nên tập từ từ chứ đừng cố". Sau thời gian vận động, có thời kỳ tôi rất đau đớn, nhiều lúc cắn răng cố gắng để trụ lại, thế nhưng khi vào lớp tập có sự ganh đua nên phần nào giúp tôi hồi phục trở lại.
Sau kỳ thi nâng đai đầu, tôi là một trong hai người đứng đầu lớp thi, điều đó phần nào khiến thầy Tỵ đưa tôi về nhà kèm riêng suốt 7 năm, sáng nào cũng như sáng nào từ 7h30-11h, ko có ngày nghỉ trừ mưa bão to. Sau thời gian đó cơ thể dần tốt hơn và cũng hấp thụ được tương đối tốt.
Cho tới thời điểm tôi lấy vợ thì xin nghỉ nhà thầy để tập trung cho gia đình, tới năm 1998 thì nghỉ hẳn để tập trung cho công việc. Năm 2000, tôi chính thức được thầy Tỵ bàn giao võ đường Quán Thánh cho mình quản lý.
Hạn chế thời điểm này nằm ở vấn đề đầu ra khi sân chơi chung không có nhiều. Mỗi năm thường có một kỳ hội diễn của võ thuật Hà Nội nên rất ít cơ hội để các VĐV thi đấu.
Từ năm 1990 trở lại đây, ở Hà Nội mở rộng sân chơi hơn một chút, Giám đốc Sở TDTTHN lúc bấy giờ là thầy Hoàng Vĩnh Giang (giờ là Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam) đưa các bộ môn Pencak Silat, Tán thủ về Thủ đô. Võ thuật Thủ đô có thêm những sân chơi mới, Nam Hồng Sơn và các môn phái khác cũng bắt đầu hội nhập và thu được những kết quả khả quan, đặc biệt ở Pencak Silat.
Nam Hồng Sơn nổi lên hai võ đường và được thầy Chưởng môn giao nhiệm vụ làm những môn võ mang tính thi đấu quốc tế (Võ đường Thanh Lê và Huy Đông). Với bộ môn Silat lúc bấy giờ, nong cốt đội tuyển quốc gia có sự đóng góp của môn sinh Nam Hồng Sơn tương đối đông so với các môn phái khác.
Năm 2001, thầy Hoàng Vĩnh Giang có ý tưởng thành lập đội tuyển Hà Nội với Võ cổ truyền và Vovinam nhằm mục đích tham gia Đại hội Toàn quốc 2002, tôi may mắn được chọn dù lúc đó độ tuổi đã ngoài 30 và đã có gia đình.
Vì một số lý do mà giai đoạn từ năm 2002-2006 bị gián đoạn. Cho tới năm 2006 khi thầy Hoàng Vĩnh Giang muốn Hà Nội có một đội tham dự võ cổ truyền toàn quốc và tôi được nhận trọng trách.
Cơ duyên khác khi thầy Kim Giao, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Hà Nội muốn cử người học lớp HLV và trọng tài: "Nhìn ở Hà Nội không có ai ngoài cậu có khả năng, cậu có đi được không? - Vâng, cháu sẽ cố gắng", tôi nhớ như in câu nói đó.
Sau đó tôi có gặp thầy Hoàng Vĩnh Giang và được thầy dặn: "Đi là để học hỏi và phát triển cho võ thuật Hà Nội". Và từ đó Hà Nội có sân chơi khác là võ cổ truyền Việt Nam đúng nghĩa của mình, tôi được giao là HLV trưởng phụ trách mảng hội thi quyền. Chúng tôi bắt đầu tham gia các giải đấu.
Khi mình nhận nhiệm vụ dẫn một đội đi thi cấp quốc gia, trong đầu tôi gặp phải nhiều cái trăn trở, mình là thủ đô, đầu tàu đất nước về văn hóa, kinh tế… Tôi cũng hừng hực khí thế đẫn đội đi thi giải phía Bắc.
Năm đó (2017) ở phía Bắc, giải đấu gồm 29 tỉnh thành tính từ Huế trở ra, với lực lương 21 đơn vị tham gia mà khi đó Hà Nội đứng thứ 11. Tôi không ngủ được và suy nghĩ: "Tại sao một đơn vị thủ đô, võ thủ đô phát triển rất đông mà tại sao kết quả lại như vậy?". Cần phải rà soát lại từ phương pháp huấn luyện, cập nhật những cái mới, tôi cũng tự hứa để sang năm 2008 Hà Nội phải có thứ hạng.
Với việc thiếu thốn nơi tập luyện, chủ yếu ở sân đền, đầu năm 2008, bên Sở đứng ra thuê địa điểm phòng tập bên bộ môn Aikido, có thảm nhưng thảm vật chứ không phải thi đấu, cường độ ngày 2 buổi có quạt mát, nước uống. Năm đó Hà Nội đi thi đã phải tranh chấp nhất nhì đoàn với Hà Tây.
Năm 2009, chúng tôi tham gia giải cũng đạt được một số thành tích ở giải phía Bắc (nhất toàn đoàn), giải vô địch cũng giành huy chương nhưng chưa có vàng.
Thời điểm sáp nhập bộ môn năm 2019, khi hội nhập lại, đã có những cái chưa khớp với nhau nên tôi xin rút. Dù dừng lại nhưng tôi vẫn tham gia làm công tác trọng tài trong các hệ thống giải của trong nước và quốc tế.
Ở Nam Hồng Sơn, có hai điều mà tôi luôn cảm thấy tự hào. Đầu tiên, môn phái có bề dày lịch sử và có sự cống hiến cho đất nước. Thứ hai, anh em trong phái rất đoàn kết, đặc biệt những môn sinh môn phái theo tập gắn với đam mê thì sau này trưởng thành với nghiệp thể thao đều có danh phận, đều thành đạt. Đó là những thứ tôi vô cùng trân quý.
Thời điểm mà thầy Hoàng Vĩnh Giang lên làm Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam có một ý tưởng, thầy muốn ở Hà Nội có một số bài tiêu biểu đại diện cho thủ đô ở phía Bắc đưa vào hệ thống các bài thi đấu quốc và bài thi đấu quốc tế. Tôi một lần nữa được để ý và nhận trách nhiệm biên soạn Song Tuyết Kiếm.
Sau 3 tháng có biên soạn và chỉnh sửa để phụ hợp với khả năng thi đấu thể thao mà vẫn giữ được nét đẹp cùng nét đặc trưng của bài kiếm, tôi trình bộ tài liệu lên và được ban chuyên môn và thầy Hoàng Vĩnh Giang chấp thuận, bài đó đã được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức quốc gia và quốc tế từ năm 2016.
Một bài đáng chú ý nữa là Phong hoa đao bên Hoa quyền, của nguyên cố đại lão võ sư Hoàng Thanh Vân, sau này anh con trai cả của cụ là Hoàng Trường Giang (kế nhiệm Chưởng môn nhân tiếp theo) đưa ra bài đó. Hai anh em tôi làm việc với nhau nhiều, với suy nghĩ đây cũng là bộ mặt thủ đô và cũng là vinh dự của nền võ thuật nước nhà nói chung, chúng tôi đã thành công đưa được hai bài đại diện Hà Nội vào trong hệ thống thi đấu quốc gia, trở thành những bài chuẩn của quốc gia.
Thực thế ở phía Bắc, Nam Hồng Sơn đang phổ biến ở 5-6 tỉnh, chưa thực sự là nhiều. Ở nước ngoài cũng phát triển ở các nước như Tiệp Khắc, Romania, Ba Lan, Đức, giờ chỉ còn ở Đức, ở Thụy Sĩ đang có 1 nhóm đang tập và nếu để hình thành thì phải cần có thời gian.
Những cái tên thành danh đi lên từ cái nôi Nam Hồng Sơn
- Phan Quốc Vinh đang là HLV Trưởng đội tuyển Tán thủ quốc gia
- Nguyễn Thị Thu Hương, hiện là Trưởng bộ môn Pencak Silat Hà Nội
- Lê Ngọc Sơn, cựu VĐV Silat Việt Nam, hiện nay là Phó Giám đốc trung tâm Thể thao Bộ Công an
- Mai Thế Lâm, Trưởng phòng thể thao Bộ Công an
- Nguyễn Hồng Hải, Vụ thể thao Quần chúng
- Lưu Trọng Tuấn, Vụ thể thao Quần chúng
- Lê Bá Huy, phụ trách Vovinam Tổng cục thể dục thể thao
Tôi có một người bạn là Phạm Quang Long, thời điểm năm 1994 anh ta ở Đức về và chúng tôi cùng tập với nhau trên sân Quần Ngựa. Với tôi cậu ta là người rất thông minh, ý tưởng của cậu ta muốn xây dựng môt mô hình cascadeur cho các phim hành động võ thuật, thời đó phim võ thuật đang dần được nở nộ và đã khiến tôi bắt đầu tham gia.
Chiến dịch lớn đầu tiên khởi nguồn là bộ phim đề tài chiến tranh "Bông sen quả chà là", phim nhựa của cố đạo diễn Trần Đắc. Đây cũng là phim đầu tay của chúng tôi. Sau đó chúng tôi cũng nhận 1 số phim: Người Hà Nội (vừa đóng thế vừa đóng vai và chỉ đạo 1 số pha đánh trong phim); Phim ngắn Cảnh sát hình sự…
Nghỉ một thời gian tới đầu năm 2000, chúng tôi tiếp tục với "Đằng sau tội ác" của hãng phim truyền hình Việt Nam. Ở bộ phim này, tôi chịu trách nhiệm toàn bộ về kỹ thuật đánh, bối cảnh đánh và chịu trách nhiệm đóng thế cho nam diễn viên chính. Có thể nói tôi tác chiến độc lập ở phim đó, gây được tiếng vang khá tốt cho phim truyền hình ở miền Bắc thời điểm đó. Đây là bộ phim mà tôi cảm thấy đáng nhớ nhất.
Tính tới nay, tôi đã tham gia nhiều phim với vai trò đóng thế, khoảng 60-70 phim. Tôi không bao gọi mình là diễn viên, có có thể coi đây là không gian thứ 7 để hạ bớt căng thẳng trong lúc tập luyện. Nó cũng là cái duyên, chúng tôi cũng là những người đầu tiên đưa võ thuật vào phim ở miền Bắc.