Bệ đỡ cho những linh hồn ác quỷ
(Dân trí) - Những chuyện hậu SEA Games của ĐT U23 QG hoá ra phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta vẫn tưởng. Sau vụ “đòi tiền thưởng” lại là những nghi can bán độ, mà tên của một bộ tứ ma quỷ (Quyến, Lâm, Trương, Hiếu) cứ trở đi trở lại. Nhiều người hẳn đang nhìn vào những đối tượng bị tình nghi với ánh mắt căm giận tột cùng.
Thế nhưng sẽ là chưa đủ nếu chỉ dừng lại ở đó. Sẽ là chưa đủ nếu chưa chỉ ra được những góc tốt thâm sâu, để biết xem đằng sau những linh hồn quỷ là ai? Và cái gì đã tẩm ngấm, đã nuôi dưỡng, thậm chí trở thành một bệ đỡ, giúp cho phần quỷ lấn át phần người?
1. Thực ra chẳng phải đến bây giờ, ngay sau trận thắng nhọc nhằn Mymar 1-0 người ta đã bắt đầu nghi kỵ. Và ngay ở thời điểm đó, chúng tôi đã từng nhận xét rằng vấn đề của các cầu thủ nằm ở cái đầu chứ không phải đôi chân (Bài “7 ngày định mệnh”). Những chuyện này BHL biết không? Ông Riedl biết không? Và người phụ trách an ninh của ĐT biết không? Hình ảnh ông Riedl ngồi câm lặng trên cabin huấn luyện đã nói lên tất cả. Và ngay cả việc các cầu thủ được thoải mái sử dụng điện thoại (khác hẳn với luật “omerta” thời Tavares) chứng tỏ rằng cái bẫy đã được giăng ra, để nhử những con mồi vào bẫy.
Y như rằng, những cú điện thoại đường dài tới tấp được thực hiện, trong đó có cả những cú điện “chết người” mà chủ nhân của nó không thể biết rằng tất cả đã nằm trong một sự kiểm soát mật. Đây sẽ là những chi tiết mà sau này, khi đối chất các cầu thủ “nhúng chàm” (giả dụ thế) sẽ không thể giở trò: “bằng chứng đâu?”. Chuyện về những nghi can bán độ hãy tạm dừng lại ở đây.
Xin được trở lại với vụ đòi tiền thưởng. Đã nói thì cần phải nói cho hết nhẽ: các cầu thủ đúng là đã sai khi “đòi hỏi” vào một thời điểm không thích hợp để đòi hỏi. Nhưng bản thân VFF, những người lấy tiền ra để dụ cầu thủ có đáng trách không? Bạn hãy đặt mình vào một tình huống sau: khi bạn học lớp 11, bố mẹ bạn hứa rằng nếu bạn lên được lớp 12 sẽ thưởng ngay một chiếc xe đạp, đỗ đại học sẽ thưởng thêm 1 chiếc xe máy. Nhưng khi bạn lên lớp 12 rồi, xe đạp chẳng thấy đâu, hỏi bố mẹ, thì câu trả lời bạn nhận được là: “Cứ đợi đi! Cứ đỗ Đại học đi rồi nhận luôn xe máy một thể”, lúc đó bạn có thấy ấm ức không?
Chẳng ai học vì những phần thưởng cả, nhưng một khi đã lấy phần thưởng ra để kích thích sự học thì cũng cần phải thực hiện nó một cách sòng phẳng, rõ ràng. Nó cũng giống như việc 6 tỉ cho chức vô địch SEA Games phải là 6 tỉ, tiền thưởng cho mỗi trận thắng phải là tiền thưởng của mỗi trận thắng, chứ không thể gộp hai khoản thành một khoản, cái điều mà “ông tài chính” của VFF cứ nhắc đến một cách mập mờ. Bởi thế, ở một khía cạnh nào đó, cũng phải thừa nhận rằng: chính cách làm không giống ai của “người lớn” đã khiến những “đứa trẻ” bị ức chế, nên đã phát huy tính quỷ cao hơn tính người.
2. Chúng tôi không bênh cầu thủ, nhưng rõ ràng họ chỉ là một bộ phận trong một guồng máy, cái đã được tạo ra, được định hình và trở thành một vòng quay nghiệt ngã mà ai muốn tồn tại trong nó buộc phải quay theo vòng của nó. Thử nhớ lại xem: Chúng ta có một Văn Quyến trong sáng ở tuổi 16 để rồi phải chứng kiến một Văn Quyến bất cần, khệnh khạng, thậm chí là tự tôn thái quá ở tuổi 20!
Hình ảnh Văn Quyến tại giải U16 châu Á năm 2000 sao mà ấn tượng thế! Một Văn Quyến tài hoa trên sân cỏ với những cú lắc bóng, đảo người quái kiệt, một Văn Quyến vô tư, trong trẻo trước ống kính phóng viên với nụ cười đẹp tựa thiên thần. Chúng tôi đã nghe được những câu chuyện thật cảm động về “thằng béo” khi còn ở đội trẻ Nghệ An.
Hồi ấy cái nghèo bao trùm lên cuộc sống của tất cả các cầu thủ trong đội. Sau giờ tập vất vả, tất cả chỉ có thể “giải khát” bằng những ly trà đá, rồi cả tụi gom tiền lại mua những ổ bánh mỳ. Ký ức về “trà đá, bánh mì” giờ vẫn còn sống động trong không ít những đồng đội của Quyến và họ giữ nó giống như giữ những điều quý giá, thiêng liêng nhất của tình bạn…
Thế nhưng Quyến lên đội 1, và cái đội 1 ấy đã dạy cho anh những gì? SL.NA lúc ấy vẫn còn là một thế lực của BĐVN. Nhưng sau này, khi mà những chuyện “hậu cung” của đội bóng vỡ lở thì mọi người mới thấy rằng giữa các thành viên hoá ra đã có chuyện "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Chủ nghĩa bè phái xuất hiện, và Quyến sẽ không tồn tại nếu đứng trung dung. Đây chính là nhát cắt đầu tiên, cắt thẳng vào niềm tin và sự trong sáng của một đứa trẻ.
Trong BĐVN, để tồn tại được đôi khi các đội bóng buộc phải thuộc “lệ” hơn là “luật”. Cái lệ mà SL.NA đã rất hiểu khi “nhường” chức vô địch cho CSG năm 2002 sau hai mùa vô địch liên tiếp. Cái lệ mà ông Nguyễn Thành Vinh (cựu HLV trưởng SL) đã từng nói thẳng trên mặt báo: chúng tôi phải “bồi dưỡng” trọng tài để mùa sau trọng tài không thổi ép.
Có một câu nói của Chánh Thanh Tra Tô Hiền (mùa giải 1995-96) mà đến bây giờ nghe lại người yêu BĐ vẫn còn thấy xót xa: Tất cả các đội bóng đều tiêu cực! Trong một môi trường như thế, một môi trường mà đồng tiền cùng những mối quan hệ có thể quyết định tất cả, quyết định chiếc ghế của ông giám đốc Sở, quyết định sự lên xuống hạng của một đội bóng, quyết định chiếc vương miện cho kẻ quán quân thử hỏi các cầu thủ trẻ sẽ học được gì? Tính trung thực hay sự gian dối? Sự ngay thẳng hay những trò “mèo”?
Trong sự hình thành nhân cách một con người, bên cạnh yếu tố khách thể còn cả yếu tố chủ thể. Nhưng với những cầu thủ bóng đá, những người thường là không được trang bị một nền học vấn đầy đủ, một cái phông văn hoá tử tế thì rõ ràng là quá trình bị tác động bởi môi trường với họ diễn ra nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Chẳng thế mà có lần HLV Nguyễn Văn Vinh đã tâm sự với nhà báo Hồng Ngọc rằng: Bóng đá Việt Nam không phải là môi trường tốt trong việc rèn giũa nhân cách các cầu thủ trẻ.
Quyến lún vào cái môi trường ấy, cái guồng quay ấy để rồi đánh mất đi sự trong trẻo, thẳng thắn của tuổi 16, và trở thành một kẻ bất cần, tự tôn ở tuổi 20.
Phân tích kỹ trường hợp của Quyến cũng là để thấy rõ hơn những trường hợp của Văn Trương, Bật Hiếu, Hải Lâm. 4 người này tuy ở những CLB khác nhau, nhưng họ cùng chìm nổi chung trong một môi trường BĐVN, cái môi trường mà họ thừa hiểu với nó họ đã “được” gì và đánh mất gì.
3. Bây giờ thì cả 4 người đã được người ta gọi là một bộ tứ ma quỷ và đang đứng trước những đòi hỏi phải lên “đoạn đầu đài”. Nếu đúng là họ có tội thì chắc chắn sẽ phải đền tội. Song vấn đề đặt ra là: Ngay cả khi cái tội ấy đã được “đền” (chẳng hạn vậy), ngay cả khi sự ma mãnh của những linh hồn quỷ bị thiêu trụi bởi ánh sáng của công lý thì BĐVN liệu có thực sự “sáng” lên không?
Chúng ta chỉ có được một ngày mai tươi sáng nếu chúng ta tiêu diệt được những bệ đỡ, những cái đã tạo nên linh hồn quỷ, thay vì tiêu diệt những con quỷ đơn thuần.
Cơ quan điều tra đang làm việc mạnh tay. VFF đang quyết tâm hơn bao giờ hết. Đó có phải là những cơ sở cho phép chúng ta tin vào điều ấy?
Phan Lệ Quỳnh Đăng