Bầu Thắng: “Tình có ngay thì lý cũng chẳng ngay”
(Dân trí) - Bầu Thắng trong những ngày qua cố gắng giải thích ông không hề can thiệp trực tiếp vào hai đội ĐT Long An và Kiên Giang. VFF mà đại diện là ông Phạm Ngọc Viễn cũng có cách lý giải như mở đường cho ông Thắng… lách luật.
Ông bầu Võ Quốc Thắng
Điều đó dấy lên dư luận bầu Thắng đang vi phạm quy định không cho phép “1 ông chủ - 2 đội bóng” đá ở cùng 1 hạng đấu. Có thể về mặt cá nhân và về mặt kinh tế, về yêu cầu kinh doanh, ông Thắng không thể từ chối cương vị chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long, vì cương vị này hiện cần cho các kế hoạch làm ăn của ông. Người ta cũng biết trước giờ bầu Thắng là người rất tâm huyết với bóng đá Việt Nam, nhưng đây lại là một câu chuyện khác.
Về mặt tình nghĩa, ông Thắng giải thích rằng sau khi trao lại quyền quản lý đội bóng ĐT Long An cho người em trai Võ Thành Nhiệm, bản thân ông không còn dính sâu vào Gạch nữa. Bên cạnh đó, cũng theo lý giải của bầu Thắng, do Kiên Long chỉ là nhà tài trợ của đội Kiên Giang, nên cũng không can thiệp đến chuyện của đội này nhiều lắm!
Nhưng nói là nói vậy, riêng ông Thắng giải thích theo kiểu nào thì vẫn rất khó thuyết phục người nghe rằng ông không phải đang rơi vào tình trạng “1 ông chủ - 2 đội bóng” mà FIFA và AFC vốn cấm tiệt.
Chẳng lẽ trên cương vị là chủ tịch HĐQT của tập đoàn Đồng Tâm, bầu Thắng không hề có tiếng nói với công ty thành viên của tập đoàn là công ty cổ phần bóng đá Đồng Tâm (vốn đang quản lý đội ĐT Long An)? Và chẳng lẽ một công ty thành viên không có nhiệm vụ báo cáo hoạt động đối với tập đoàn mẹ?
Về phía ngân hàng Kiên Long, thử đặt trường hợp nếu ngân hàng này cắt gói tài trợ 20 tỷ đồng trong năm 2013 (tức 2/3 tổng ngân sách của CLB) cho đội bóng đá Kiên Giang, liệu đội này có còn tồn tại nổi không?
Thế thì khó nói rằng KienlongBank không thể không có tác động đối với đội bóng đang trực tiếp nhận tiền từ họ để sống là đội Kiên Giang, như cách lý giải của bầu Thắng.
VFF vào cuộc để xác minh vấn đề trên, nhưng thông qua cách lý giải của người được VFF ủy quyền để giải quyết sự việc là ông Phạm Ngọc Viễn (phó chủ tịch VFF, đồng thời là TGĐ VPF, nơi bầu Thắng cũng đang là chủ tịch HĐQT), có vẻ như người ta đang nghiêng về khả năng tiếp tục để cho bầu Thắng sở hữu cùng lúc 2 đội bóng theo dạng trên.
Rằng hợp đồng tài trợ giữa KienlongBank với đội Kiên Giang được ký vào tháng 2, trong khi bầu Thắng ngồi ghế chủ tịch HĐQT KienlongBank vào tháng 4, nên ông Thắng nhận cương vị khi việc đã rồi.
Giải thích thế xem ra cũng khó thuyết phục, bởi thường thì một trong những việc làm đầu tiên của các tổ chức tài chính khi thay đổi lãnh đạo cấp cao là báo cáo và bàn giao toàn bộ các hợp đồng kinh tế. 20 tỷ đồng tài trợ cho đội Kiên Giang không phải là khoản tiền nhỏ trong thời điểm hiện tại và khó nói rằng đấy là hợp đồng không có giá trị và không cần báo cáo với tân chủ tịch HĐQT.
Và cũng khó nói rằng vị lãnh đạo mới không có bất cứ tiếng nói hay bất cứ quyền gì về những bản hợp đã có sẵn, sau khi ông ta chính thức bắt tay vào công việc.
Cũng theo như lời ông Phạm Ngọc Viễn thì chuyện quan trọng bây giờ là nếu không muốn để cho bầu Thắng vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp, nếu không để tình trạng “1 ông chủ - 2 đội bóng” xảy ra nơi ông Thắng, thì ắt đội Kiên Giang phải đứng trước nguy cơ phải giải tán vì KienlongBank buộc phải rút khỏi CLB này.
Ông Viễn nói xây dựng 1 đội bóng thì khó, nuôi sống đội bóng ấy càng khó, trong khi để nó chết thì rất dễ, nên cần xem xét trước khi đi đến các quyết định. Nói thế là dựa trên 1 chữ TÌNH. Tuy nhiên, nếu VFF làm vậy, chẳng khác nào các giới chức bóng đá Việt Nam đang vẽ đường cho các ông bầu… lách luật.
Và chẳng lẽ để tạo nên một đội bóng, để giữ một CLB bóng đá tồn tại, người ta có thể làm mọi điều bất chấp luật lệ sao?
Kim Điền