Bạo lực sân cỏ: Chẳng phải “bầu” nào cũng giống bầu Đức
(Dân trí) - Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bạo lực sân cỏ không dứt ở V-League, từ chuyện trọng tài không chắc tay và không đủ bản lĩnh xử lý, chuyện ý thức của các cầu thủ, đến việc nuông chiều cầu thủ có phần quá đà của các ông bầu.
Chủ tịch CLB bóng đá Than Quảng Ninh, ông Phạm Thanh Hùng, hiến kế, rằng với những cầu thủ thi đấu bạo lực, xem thường sức khoẻ và “nồi cơm” của các đồng nghiệp, một trong những phương án hữu hiện là đánh thẳng vào vấn đề kinh tế.
Tức là bản thân từng CLB có quy định phạt tiền đối với những người hành xử bạo lực trên sân bóng, với thông điệp là nói không với bạo lực.
Ông Hùng nói: “Khi xảy ra sự cố, có CLB làm mạnh tay như trừ lương, cắt thưởng, đình chỉ thi đấu, nhưng cũng có CLB làm xuê xoa, thậm chí nộp phạt thay cho cầu thủ, đó là điều không nên”.
Cần hiểu rằng đá bóng quyết liệt khác và đá để triệt hạ đối thủ lại khác, vào bóng quyết liệt khác hẳn với “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” trên sân. Hành xử bạo lực không chỉ làm xấu đi hình ảnh của các cầu thủ, mà còn làm xấu đi hình ảnh của các CLB chủ quản. Mà đã là làm xấu hình ảnh của đội bóng chủ quản thì cần đưa vào quy định xử phạt. Tiếc rằng thực tế là vẫn có đội bóng dung túng cho bạo lực.
Cựu HLV Đoàn Minh Xương hiến kế: “Cầu thủ chuyên nghiệp hưởng lương, thưởng rất cao. Vậy tại sao CLB lại làm thay việc đóng phạt cho cầu thủ? Đó cũng là cách dung dưỡng thói xấu có điều kiện phát triển, trong khi lẽ ra sai phạm của cầu thủ phải bị CLB chế tài thật nghiêm”.
“Nếu ông bầu nào ở V-League cũng nghiêm khắc với sai phạm của cầu thủ, nói không với bạo lực như bầu Đức qua việc phạt nặng cầu thủ Tăng Tiến, tôi tin rằng lối chơi bạo lực khó xuất hiện” – vẫn là lời cựu HLV Đoàn Minh Xương.
Bầu Đức là một trong những ông bầu kiên quyết nói không với bạo lực sân cỏ
Quay trở lại với trường hợp của cầu thủ Tăng Tiến và bầu Đức, năm ngoái, khi Tăng Tiến đạp thô bạo Duy Mạnh (CLB Hà Nội) ở lượt đi V-League, chưa cần Ban kỷ luật VFF vào cuộc, bầu Đức quyết định không cho Tăng Tiến thi đấu đến hết lượt đi V-League 2018, trong màu áo CLB HA Gia Lai của ông Đức.
Lý luận của bầu Đức khi đó là hành động của Tăng Tiến làm ảnh hưởng đến hình ảnh của CLB HA Gia Lai, ảnh hưởng đến tình cảm mà người hâm mộ cả nước dành cho đội bóng phố núi. Cho dù CLB Hà Nội có là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với HA Gia Lai ở V-League và cúp quốc gia năm ngoái đi chăng nữa, thì giữa đối thủ vẫn cần có sự tôn trọng lẫn nhau.
Hành động và lập trường của bầu Đức biến HA Gia Lai trở thành một trong những đội bóng đẹp nhất, ít tai tiếng nhất bóng đá nội.
Trái lại, nhiều ông bầu khác, hay nhiều người giữ vai trò quản lý ở các đội bóng trong nước lại không có được lập trường như thế. Một số người cứ ở trong cái vòng lẩn quẩn, không dám xử phạt khi cầu thủ vi phạm, có hành vi xấu, vì sợ thiếu quân để đá.
Tâm lý đấy của một số ông bầu, hay một số vị làm công tác quản lý ở các đội bóng nội tạo điều kiện cho bạo lực được dung dưỡng, tạo điều kiện cho một bộ phận cầu thủ tự tung tự tác!
Kim Điền