Bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam đạt doanh thu gần 50 tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú chia sẻ về lợi nhuận trong việc khai thác bản quyền truyền hình V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong các mùa giải gần đây.
Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024 được tổ chức tại Hà Nội sáng 17/10, nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về thể thao, chuyên gia thể thao, diễn giả quốc tế và đại diện các tổ chức thể thao lớn trong và ngoài nước tham gia.
Trong phiên thảo luận của mình, Phó chủ tịch VFF kiêm chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc gia, Siêu Cúp Quốc gia) muốn vận hành phải có một nguồn lực tài chính lớn.
Theo ông Trần Anh Tú, bản quyền truyền hình là nguồn thu lớn của các giải đấu. Trước năm 2023, nguồn thu bản quyền truyền hình của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không nhiều. Từ năm 2023, với nhiều thay đổi đột phá, VPF đã bán được 2 triệu USD (gần 50 tỷ đồng) một mùa giải tiền bản quyền truyền hình.
Ông Trần Anh Tú chia sẻ: "Muốn bán được bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giá cao hơn nữa thì phải tiếp tục nâng chất lượng giải đấu. V-League và các giải khác phải thu hút được nhiều hơn người hâm mộ quan tâm.
Chất lượng chuyên môn của các cầu thủ và trận đấu phải được nâng cao. Thời gian bóng chết, cầu thủ nằm sân câu giờ phải triệt để khắc phục và triệt tiêu bạo lực sân cỏ.
Thời gian qua VPF đã yêu cầu các đội bóng chỉnh trang, nâng cấp mặt sân cỏ. Hiện tại các sân Hàng Đẫy, Lạch Tray, Thống Nhất, Bình Dương mặt sân rất đẹp. VPF cũng phối hợp với VFF để đầu tư hệ thống VAR cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Với sự có mặt của công nghệ VAR, sự công bằng, minh bạch của giải đấu được nâng cao, qua đó tăng cường chất lượng chuyên môn của giải. Với 4 xe VAR hiện có, VPF hướng đến việc áp dụng công nghệ VAR cho tất cả các trận đấu ở V-League. Ban tổ chức hướng đến tổ chức nhiều trận đấu ở khung giờ 19h15 như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng để phục vụ khán giả tốt hơn".