Arsene Wenger nhất quyết không rời Arsenal: Tình yêu mù quáng?
(Dân trí) - HLV Arsene Wenger khẳng định sẽ làm tất cả để ở lại Arsenal bất chấp sự phản đối không ngớt của CĐV đội bóng. Phải chăng, chiến lược gia người Pháp đã “yêu mù quáng” Arsenal?
“Tôi sẽ làm tất cả để ở lại Arsenal” - HLV Wenger tuyên bố trước báo giới. Đó là câu trả lời đanh thép của “Giáo sư” bất chấp phản đối không ngớt của những người hâm mộ Arsenal trong mùa giải này. Thậm chí, ông thày người Pháp đã chẳng ngần ngại nói rằng: “Tôi sẽ tha thứ cho những kẻ đã chỉ trích mình”.
Quyết định cuối cùng về tương lai của chiến lược gia người Pháp chưa được công bố (câu trả lời sẽ có trong buổi họp Hội đồng quản trị Arsenal vào giữa tuần) nhưng theo báo giới Anh, ông thày người Pháp sẽ tiếp tục được trao hợp đồng 2 năm. Hay nói cách khác, cuộc tình Wenger-Arsenal vẫn chưa thể chấm dứt.
Nhưng vấn đề ở chỗ liệu CĐV Arsenal có hài lòng? E rằng với những người khát khao danh hiệu, việc Wenger ở lại chẳng khác gì thất bại của mùa giải. Họ đã tìm mọi cách (2 lần thuê máy bay mang theo thông điệp kêu gọi ông thày người Pháp ra đi) nhưng… bất thành.
Như thường lệ, HLV Wenger lại “nịnh” những người Arsenal bằng danh hiệu FA Cup và cho rằng đó là thành công mùa giải. Nhưng việc “Pháo thủ” vô địch FA Cup có nghĩa gì khi họ không thể giành vé dự Champions League mùa giải tới?
Lần đầu tiên dưới thời “Giáo sư”, Arsenal đã bay khỏi top 4 Premier League. Đó là minh chứng cho sự “chuyển động” của đối thủ. Trong khi đó, những người Arsenal vẫn đứng im với triết lý của HLV Wenger. Theo quá trình phát triển, sự đứng im có nghĩa là đã tụt lại phía sau. Arsenal đã… tụt lại thật.
Sau khi sử dụng sơ đồ 3-4-3 ở trận gặp Middlesbrough, Wenger từng tự hào: “Đấy! Ở tuổi 70, tôi vẫn có thể thay đổi”. Thế nhưng, sự thay đổi ấy đã quá muộn màng. Nó chẳng giúp gì cho “Pháo thủ” khi tự họ đánh mất lợi thế ở giai đoạn cuối mùa.
Những người Arsenal cần sự thay đổi lớn hơn thế, ở tầm vĩ mô (việc thay đổi sơ đồ chẳng phải bước đột phá bởi HLV luôn phải tìm ra phương án tốt nhất cho CLB với nhân sự vốn có). Họ muốn thấy Arsenal vươn mình mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng, hơn là kẻ “tiết kiệm” và nhìn những bản hợp đồng chất lượng trôi qua đáng tiếc.
E rằng, HLV “cổ hủ” như Wenger khó thay đổi điều đó. Đơn giản, triết lý ấy đã ăn sâu vào máu của”Giáo sư”. Ông vẫn muốn “định giá đúng” về giá trị cầu thủ mà quên mất rằng giờ là thời kim tiền. Hãy cứ nhìn Man City, họ chẳng buồn mặc cả khi chi thẳng 43 triệu bảng để chiêu mộ ngôi sao trẻ Bernardo Silva. Và giả dụ như Arsenal có ý định chiêu mộ những cầu thủ tài năng như vậy, tất cả đã quá muộn.
Chưa dừng ở đó, HLV Wenger vẫn giữ cách làm việc “ôm đồm” như trước. Ông muốn tự quyết định mọi vấn đề ở CLB mà không cần Giám đốc thể thao. Đây chính là minh chứng khác về sự… lỗi thời của “Giáo sư”.
Sở dĩ, MU thất bại dù chi rất nhiều tiền bởi họ đã quen với cách làm thời Sir Alex (HLV kiêm luôn Giám đốc thể thao) nhưng rõ ràng, những người mới tới CLB như Mourinho, Van Gaal chẳng thể hiểu hết truyền thống của CLB. Do đó, mỗi người phát triển một hướng, mạnh ai nấy làm. Sau khi HLV Van Gaal để lại “di sản” là hàng loạt cầu thủ trẻ sáng giá, Mourinho “đập đi” và “xây lại” theo ý của mình.
Giám đốc thể thao là vị trí vô cùng cần thiết, người có tầm nhìn chiến lược và phát triển đội bóng theo kế hoạch lâu dài (bất chấp thay đổi HLV). Man City, Chelsea là hai ví dụ tiêu biểu của cách làm bóng đá này. Dù thay HLV như thay áo nhưng họ vẫn không đi chệch hướng và liên tiếp giành những thành công.
Trở lại với câu chuyện của Wenger. Có lẽ, tầm nhìn chiến lược của ông đã lỗi thời (điển hình như tư duy mua sắm đã đề cập ở trên). Do đó, Arsenal khó có thể tìm được sức bật sau mỗi mùa giải như Man City, Chelsea. Tất nhiên, nếu Wenger ở lại, ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm đồng thời hai vị trí Giám đốc thể thao và HLV trưởng bởi chẳng ai làm Giám đốc thể thao tốt hơn ông.
Nhưng nếu HLV người Pháp ra đi, Arsenal cần phải bổ nhiệm đồng thời hai vị trí ấy nếu không muốn rơi vào tình trạng “không định hướng” như MU bởi Sir Alex đã kiêm nhiệm hai vai trò trong quá nhiều năm.
Suy cho cùng, để phát triển lên tầm mới, Arsenal buộc phải thay đổi tư duy. Trong đó, sự thay đổi đầu tiên có thể từ băng ghế huấn luyện. Vẫn biết, Wenger luôn dành tình cảm lớn cho Arsenal, nơi ông đã gắn bó 21 năm. Nhưng giờ đây, đó lại là tình yêu mù quáng. Đôi khi trong tình yêu, sự buông bỏ lại… tốt cho cả hai.
H.Long