Anh Khôi lần thứ hai đoạt HCV giải cờ vua trẻ thế giới
(Dân trí) - Nhờ nỗ lực của bản thân cùng với sự may mắn trong ván cuối, tài năng trẻ Nguyễn Anh Khôi đã một lần nữa lập nên kỳ tích khi đoạt HCV lứa tuổi U12 giải cờ vua trẻ thế giới. Đây là chiếc HCV thứ hai của Anh Khôi sau 3 lần tham dự giải.
Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới 2014 được tổ chức tại thành phố Durban (Nam Phi) từ ngày 20/9 đến 29/9 với sự tham dự của 998 VĐV đến từ 93 Quốc gia. Các VĐV tranh tài ở 12 bảng (nam, nữ) bao gồm các nhóm tuổi: U8, U10, U12, U14, U16 và U18.
Đoàn Việt Nam tham dự giải này do ông Nguyễn Minh Thắng làm trưởng đoàn, gồm các em Võ Phạm Thiên Phúc, Lưu Hà Bích Ngọc (U8), Nguyễn Huỳnh Minh Thiên, Ngô Đức Trí, Phạm Trần Gia Thư (U10), Nguyễn Anh Khôi, Bạch Ngọc Thùy Dương (U12) và Đoàn Thị Hồng Nhung (U18).
Trải qua 11 vòng thi đấu, chỉ có Nguyễn Anh Khôi và Lưu Hà Bích Ngọc là đạt thành tích tốt. Trong khi Anh Khôi lách qua khe cửa hẹp ở ván cuối để giành HCV thì Bích Ngọc lại để thua ván cuối và chỉ nhận HCB. Trường hợp của Bích Ngọc (Q08, HCM) tương tự như Mai Khanh năm 2012. Cả hai cũng đều chắc suất có HCB trước vòng cuối và tràn trề hy vọng đoạt HCV nhưng tâm lý thi đấu không ổn định (có lẽ lần đầu đánh giải quốc tế) nên trong ván quyết định đã thất bại làm các em lỡ cơ hội đoạt vàng.
Việc hai lần đoạt HCV ở giải trẻ thế giới của Anh Khôi thật sự là một điều kỳ diệu. Từ trước đến giờ, cờ vua Việt Nam mới chỉ có 5 kỳ thủ vinh dự đoạt 1 HCV ở giải trẻ thế giới. Đoạt 1 HCV đã khó nói gì đến việc hai lần đoạt HCV mà Anh Khôi đã làm được như thế này.
Chiếc HCV giải lần này xem ra không dễ dàng như chiếc HCV mà Anh Khôi đã từng đoạt cách đây hai năm. Nhưng nó lại cho chúng ta thấy một Anh Khôi bản lĩnh và lạc quan về niềm tin chiến thắng của mình. Xếp hạng giống số 5 với mức Elo 2208, Anh Khôi luôn trong nhóm dẫn đầu sau 6 vòng đầu. Thế rồi ở ván 7, em đã để thua kỳ thủ Teclaf Pawel (Elo 1992, Ba Lan) trong khai cuộc phòng thủ Sicilian, biến Najdorf. Trận này phải nói đối thủ chuẩn bị khai cuộc rất tốt và Khôi đã thua chóng vánh.
Vừa mất điểm ván 7 rồi lại để cho Sargsyan Shant (Elo 2077, Armenia) cầm hòa ở ván 8 khiến cho Anh Khôi bị đẩy xuống hạng 16 và bị nhóm đầu giữ khoảng cách 1 điểm. Lúc này hệ số phụ của Anh Khôi rất thấp và chỉ còn 3 vòng đấu nữa là kết thúc. Bằng quyết tâm của mình, Anh Khôi đã làm một lèo 3 trận thắng, trong đó trận cuối Khôi đã hạ hạt giống số 2 của giải Andrey Esipenko (Elo 2315, Nga). Thú vị là Esipenko cũng là đối thủ mà Khôi đã thắng trong ván cuối ở giải năm 2012.
Việc Anh Khôi có đoạt được HCV hay không còn phụ thuộc vào kết quả của 3 cặp đấu còn lại. Và rất may cho Anh Khôi, người duy nhất hơn Khôi đúng 0.5 điểm là David T Peng (Mỹ) lại thất thủ ở bàn 1 nên chung cuộc Khôi có cùng 8.5 điểm với 3 kỳ thủ khác nhưng do hơn hệ số phụ nên Khôi đoạt HCV cùng việc tích lũy thêm 30 Elo sau giải.
Thành tích hai lần đoạt HCV ở giải trẻ thế giới mà Anh Khôi đạt được thực ra đã có rất nhiều kỳ thủ trên thế giới làm được điều này. Đơn cử như Étienne Bacrot (Pháp) vô địch U10 năm 1993 và U12 năm 1995; nữ kỳ thủ Judit Polgár (Hungary) vô địch U12 năm 1998 và U14 bảng mở rộng năm 1990. Ở châu Á thì có nữ kỳ thủ Tan Zhongyi (Trung Quốc) đã 3 lần vô địch lứa U10 vào các năm 2000, 2001, 2002 hay Ivana Maria Furtado (Ấn Độ) đã vô địch U8 trong hai năm 2006, 2007.
Cũng qua giải đấu này ta thấy sức cờ của Khôi đã tiến bộ hơn nhiều so với cách đây hai năm. Nhờ sự chỉ dạy của các HLV Nguyễn Thanh Sơn, ĐKT Đào Thiện Hải và HLV Lâm Minh Châu mà em đã cải thiện được nhiều nhược điểm. Để có được chiếc HCV này, trong năm 2014 các thầy đã mạnh dạn đăng ký cho em đánh vượt cấp ở các giải Quốc gia cũng như quốc tế. Và thực tế là Khôi liên tiếp gặt hái được những thành công như ở giải trẻ Đông Nam Á (tháng 6) Khôi đã đạt HCĐ cờ tiêu chuẩn U20, HCB cờ nhanh U12, HCV cờ nhanh U12. Tiếp đó, ở giải trẻ châu Á thì Khôi đã giành 2 HCV (cờ tiêu chuẩn, cờ chớp) lứa U12. Và trung tuần tháng 7 năm nay, Khôi đã lên ngôi vô địch nội dung cờ tiêu chuẩn lứa U20 Quốc gia.
Vô địch giải trẻ chỉ là tiền đề cho sự phát triển. Khoảng cách từ giải trẻ đến đẳng cấp thế giới là một khoảng cách lớn và nếu kỳ thủ đó không có sự đam mê, khổ luyện và sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo có liên quan thì tài năng đó sẽ bị mài mòn theo thời gian. Trên thế giới, trường hợp của Fabiano Caruana là một ví dụ điển hình. Dù không đánh giải trẻ thế giới nào nhưng do được thọ giáo nhiều HLV ở nhiều Quốc gia suốt từ năm 6 – 14 tuổi nên giờ Caruana hiện đang là người thách thức vị trí số 1 của Magnus Carlsen.
Văn Tới