1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Ai có thể đáp ứng đủ các tiêu chí Phó Chủ tịch tài chính của VFF?

(Dân trí) - VFF vừa chính thức công bố các tiêu chí để trở thành Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ của tổ chức này trong thời gian tới đây. Chiếu theo các tiêu chí đấy, VFF đang có sẵn người.

VFF đang khuyết vị trí Phó Chủ tịch (PCT) tài chính và vận động tài trợ, kể từ thời điểm ông Cấn Văn Nghĩa đột ngột xin từ chức hồi giữa năm ngoái. Trong bối cảnh mà bản thân Liên đoàn bóng đá Việt Nam cảm nhận các khó khăn trong việc ổn định tài chính thời hậu dịch Covid-19, VFF hiểu rằng họ cần bổ khuyết vị trí nói trên.

Chính vì thế, mới đây, VFF đã công bố các tiêu chuẩn để các ứng viên trở thành PCT mới của VFF, phụ trách mảng tài chính và vận động tài trợ.

Chiếu theo các tiêu chuẩn này, ngoài các mục thuộc dạng thủ tục như là công dân Việt Nam từ 25 tuổi trở lên, tham gia các hoạt động bóng đá một cách tự nguyện, hoặc phải được các đơn vị thành viên của VFF giới thiệu, thì 2 tiêu chí quan trọng hàng đầu phải kể đến là có kinh nghiệm quản lý bóng đá, cũng như có khả năng tập hợp và huy động các nguồn lực tài trợ (hay nói cách khác là có tiềm lực tài chính).

Ai có thể đáp ứng đủ các tiêu chí Phó Chủ tịch tài chính của VFF? - 1
VFF công bố các tiêu chí để tìm PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ

Dự theo các tiêu chí đấy, có thể thấy ngay trong nội bộ Ban chấp hành (BCH) VFF hiện tại có sẵn một số ứng cử viên. Đó là các ông Trần Anh Tú (chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Thái Sơn Nam), ông Lê Văn Thành (chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Thể thao Động Lực), và ông Phạm Thanh Hùng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang).

Trong số này, ông Trần Anh Tú là chủ của 2 CLB futsal Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, là chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM, cũng như là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF. Ông Lê Văn Thành là chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, còn ông Phạm Thanh Hùng là chủ tịch CLB bóng đá Than Quảng Ninh. Họ cùng đáp ứng tiêu chí có kinh nghiệm quản lý thể thao.

Ngoài ra, những ứng viên này đều là các doanh nhân trong các lĩnh vực khác nhau, nên tiêu chí có khả năng tập hợp và huy động các nguồn lực tài trợ được kỳ vọng sẽ tốt hơn người tiền nhiệm (ông Cấn Văn Nghĩa trước đây vốn không phải là doanh nhân).

Ngoài các ứng cử viên nói trên, thì một ứng viên khác hiện không nằm trong BCH VFF được nhắc đến nhiều trong khoảng 2 năm qua, là ông Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc công ty Berjaya Việt Nam, đồng thời là chủ tịch CLB FK Sarajevo tại Bosnia & Herzegovina).

Ông Nguyễn Hoài Nam nếu tham gia tranh cử PCT VFF cũng đáp ứng được các tiêu chí quan trọng nhất mà VFF vừa đưa ra.

Vấn đề còn lại của các ứng viên là thuyết phục được đại hội, cũng như thuyết phục được giới bóng đá Việt Nam nói chung, về hiệu quả công việc của mình.

Riêng ông Trần Anh Tú đã xin rút lui, không ra ứng cử vị trí này. Đây cũng không phải là điều khó hiểu, bởi ở lần ứng cử trước, ông Tú vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía bầu Đức, từ đó có thể thấy mối quan hệ giữa ông Tú với một vài ông bầu của bóng đá Việt Nam không tốt.

Ở cương vị chủ tịch VPF hiện tại, ông Trần Anh Tú cũng không ít lần bị phản ứng, từ chính các CLB tham dự V-League, đặc biệt là trong giai đoạn mà VPF đưa ra các phương án tái khởi động giải không sát với thực tế, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường cách nay vài tháng.

Vả lại, chuyện ông Tú vừa giữ ghế chủ tịch, vừa kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc VPF từng bị bầu Đức nhận định là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên nếu tiếp tục tranh cử ghế PCT VFF, sẽ mang tiếng là ôm đồm quá nhiều việc!

Thiện Nhân