Thể thao Việt Nam vẫn đủ sức cạnh tranh tốp 3 ở SEA Games 27

(Dân trí) - Đó chính là đánh giá của ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, sau phiên họp Liên đoàn thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Nay Pyi Taw (Myanmar) ngày 29/1.

Được biết, đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp lần này ngoài ông Giang, còn có Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Trần Đức Phấn. Cả hai vị quan chức ngành thể thao trước giờ lên đường đều xác định, việc thuyết phục chủ nhà Myanmar thay đổi quyết định loại Thể dục dụng cụ (TDDC) là rất khó. Tuy nhiên, những cuộc họp ở sân chơi khu vực, luôn như những vụ “mặc cả”, nên VN vẫn hy vọng sẽ giữ lại được nhiều nội dung thế mạnh của mình.
 
Bắn súng Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang về nhiều HCV ở SEA Games 27

Bắn súng Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang về nhiều HCV ở SEA Games 27

Tuy nhiên, dù vấp phải sự phản đối từ phía Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, nhưng cuối cùng Myanmar vẫn loại TDDC, giữ lại 4 môn: bóng bàn, cầu lông, hockey trên cỏ, quần vợt.

Với việc loại TDDC và nhiều bộ huy chương ở các môn khác, chủ nhà Myanmar đưa vào đại hội nhiều môn mạnh của họ như: cờ Myanmar, cờ tiêu chuẩn Đông Nam Á, đua thuyền truyền thống Myanmar... Theo tính toán, với việc loại bỏ các môn Olympic và đưa môn mạnh của mình vào SEA Games 27, Myanmar có thể sẽ đứng trong tốp 2 của đại hội, thậm chí là dẫn đầu với hơn 100 HCV. Dù vậy, khả năng lọt vào tốp 3 của Việt Nam vẫn rộng cửa bởi chúng ta có nhiều mũi nhọn ở sân chơi SEA Games.

Theo ông Giang tính toán, khả năng Myanmar sẽ đứng đầu trong bảng tống sắp huy chương, tiếp đó là Thái Lan. Ở vị trí thứ 3, sẽ là cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam và Indonesia. “Chúng ta mất TDDC, tức là mất khoảng 10 HCV. Thế nhưng Indonesia cũng mất thế mạnh là tarung, nên vị trí thứ 3 sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Việt Nam và Indonesia”, ông Giang đánh giá.

Kể về cuộc làm việc ở phiên họp này, những tiết lộ của ông Giang khiến nhiều người không khỏi cảm thấy ngao ngán cho sân chơi “ao làng”. Nước chủ nhà và các bên đã phải “mặc cả” nhau để làm sao có nhiều môn thế mạnh nhất của mình tham dự.

“Chúng ta đã đề xuất đưa vào một số môn nhưng không được chủ nhà chấp nhận, trong đó có môn lặn. Môn cử tạ, Myanmar cũng không đồng ý đề xuất tổ chức hạng cân trên 75 kg của Việt Nam. Như vậy là cùng với TDDC, Việt Nam mất đáng kể HCV”, ông Giang nói.

Tuy nhiên rất may, Myanmar đã không cắt giảm hàng loạt bộ huy chương ở những môn thế mạnh của Việt Nam như tuyên bố trước đó. Cụ thể: hockey, bóng bàn (giữ nguyên 5 bộ huy chương), cầu lông ( 7 bộ), bóng nước, Judo, karatedo, bắn cung vẫn có trong chương trình thi đấu. Đặc biệt ở môn điền kinh, Myanmar vẫn giữ nguyên 46 bộ huy chương. Đây cũng sẽ là mỏ vàng của Việt Nam tại SEA Games năm nay.

Để lọt vào tốp 3 toàn đoàn, Việt Nam sẽ phải đoạt trên 70 HCV. Còn nhớ tại SEA Games 26, Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào tốp 3 với 70 HCV, nhưng cuối cùng đã vượt chỉ tiêu tới 26 HCV. Ở lần tham dự này, Việt Nam vẫn còn rất nhiều các môn thế mạnh như: các môn võ, bắn súng, cờ, thể hình, quyền Anh.

33 môn dự kiến sẽ được tổ chức tại SEA Games 27 bao gồm: thể thao dưới nước (Bơi, Nhảy cầu, Bóng nước....), Bắn cung, Điền kinh, Xe đạp (BMX, Băng đồng, Đổ đèo và Đường trường), Đua Ngựa, Bóng đá, Futsal nam nữ, Cầu lông, Bóng rổ, Billiards-snooker, Thể hình, Quyền Anh, Canoeing, Cờ (Cờ vua và Cờ truyền thống của Châu Á), Golf, Judo, Karatedo, Muay, Pencak Silat, Rowing, Thuyền buồm, Cầu mây, Chinlone, Wushu, Vovinam, Cử tạ, Vật, Bắn súng, Bóng bàn, Taekwondo, Quần vợt, Đua thuyền truyền thống, Bóng chuyền.

An An