1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Yongbyon và vấn đề bên ngoài một tổ hợp hạt nhân

(Dân trí) - Yongbyon lại một lần nữa làm nóng lên tình hình ở bán đảo Triều Tiên khi ngày hôm qua, nhiều nguồn tin đưa rằng Bình Nhưỡng sẽ cho chuyển nhiên liệu tới đây để tái khởi động lò phản ứng hạt nhân trong tuần tới.

Yongbyon là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân lớn xây từ thời Liên Xô cũ của CHDCND Triều Tiên, nơi vận hành các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước này. Trung tâm Yongbyon tọa lạc tại huyện Yongbyon thuộc tỉnh Bắc Pyongan, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc, được xây trên một khoảng đất quang đãng giữa những dãy núi hiểm trở.

 

Khu tổ hợp gồm một lò phản ứng 5 megawatt (được bắt đầu xây dựng năm 1980), một cơ sở chế tạo nhiên liệu và một nhà máy tái chế pluton (nơi sang chiết vật liệu cấp độ vũ khí từ những thanh nhiên liệu đã dùng rồi).

 

Yongbyon cũng bao gồm một lò phản ứng 50 megawatt đang xây dở thì phải ngừng lại theo thoả thuận hạt nhân năm 1994 với Mỹ. Lò phản ứng này chắc còn lâu mới xây xong.

 

Tháng 2/2005, CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên tháng 10/2006.

 

Tháng 2/2007, các nước tham gia đàm phán sáu bên (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Mỹ và CHDCND Triều Tiên) đã đạt được thỏa thuận, theo đó CHDCND Triều Tiên sẽ đóng cửa và niêm phong cơ sở hạt nhân Yongbyon, bao gồm trang thiết bị tái chế, và mời nhân viên của IAEA trở lại để kiểm tra và giám sát. Đổi lại, CHDCND Triều Tiên sẽ nhận được trợ giúp năng lượng khẩn cấp từ 5 bên tham gia đàm phán dưới dạng 50.000 tấn dầu nhiên liệu nặng.

 

Các thanh sát viên của IAEA đã đến Yongbyon tháng 8/2007 để thảo luận việc bố trí kiểm tra và giám sát việc đóng cửa nhà máy. Quá trình này đã bị trì hoãn từ tháng 4 do một tranh chấp với Mỹ trong cáo buộc “rửa tiền” tại ngân hàng Banco Delta Asia. Cũng trong tháng Tám, IAEA xác nhận  tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon đã đóng cửa.

 

Các quan chức Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên đã sản xuất được khoảng 50kg pluton, mà theo các chuyên gia là có thể đủ để sản xuất từ 6 đến 8 đơn vị vũ khí hạt nhân.

 

Động thái được dư luận đánh giá sẽ giúp tháo gỡ bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là vào tháng 6/2008, Bình Nhưỡng đã nộp bản tuyên bố về các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Theo thoả thuận sáu bên, đáng lẽ CHDCND Triều Tiên đã phải đưa ra tuyên bố này từ cuối năm 2007.

 

Nhưng các nhà phân tích cho rằng đã có những vấn đề vì tuyên bố không đề cập đến các vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hay những nghi ngờ của Mỹ về việc Bình Nhưỡng có chương trình làm giàu urani bí mật cũng như việc nước này giúp Syria xây dựng một dự án lò phản ứng hạt nhân bị tình nghi.

 

Trong báo cáo, CHDCND Triều Tiên khẳng định nước này sản xuất pluton ít hơn số lượng các quan chức Mỹ dự đoán.

 

Cuối tháng 6/2008, CHDCND Triều Tiên đã cho phá huỷ tháp làm lạnh ở Yongbyon và tuyên bố hành động này là một minh chứng cho những cam kết của nước này với thoả thuận sáu bên. Phần đầu tiên trong cam kết 500.000 tấn lương thực của Mỹ đã được chuyển đến CHDCND Triều Tiên ngay sau đó.

 

Ngày 7/8/2008, vòng đàm phán sáu bên tiếp theo diễn ra ở Bắc Kinh. Các đặc phái viên tìm cách kiểm chứng nội dung Bình Nhưỡng đưa ra trong tuyên bố về các chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng bế tắc lại xuất hiện khi chỉ 4 ngày sau đó, Mỹ cho biết sẽ không loại CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và giải thích rằng họ sẽ đợi cho đến khi tuyên bố của Bình Nhưỡng được kiểm chứng đầy đủ.

 

CHDCND Triều Tiên rất tức giận, trong khi lực lượng Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung.

 

Ngày 26/8/2008, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng vô hiệu hoá Yongbyon và cáo buộc Mỹ vi phạm thoả thuận hạt nhân và đến đầu tháng 9 này thì tuyên bố sẽ tái khởi động Yongbyon.

 

Nguyễn Viết

Theo AFP, Reuters, Yonhap

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm