Yếu tố Triều Tiên và Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc
Ngày 9-5 tới, người dân Hàn Quốc sẽ đi bầu tổng thống mới, thay cho bà Park Geun-hye bị phế truất và đang phải ngồi tù.
Vào lúc này, cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống đang tập trung vào vấn đề Triều Tiên, quan hệ giữa nhà nước và các tập đoàn công nghiệp, cũng như là việc triển khai hệ thống tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Sau khi Tổng thống Park Geun-hye (người theo đường lối bảo thủ thực sự) bị phế truất, lực lượng bảo thủ trên chính trường Hàn Quốc gần như “thối chí” nhưng từ cuối tháng 3 vừa qua, những người này đã bắt đầu đứng dậy để đặt cược vào ứng cử viên “ít khó chịu” nhất đối với họ.
Giới quan sát nhận định, dù ai trở thành Tổng thống Hàn Quốc sắp tới đi chăng nữa, quan hệ với Mỹ sẽ gặp thử thách: hai ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Tổng thống Hàn Quốc đều có quan điểm ít cứng rắn với vấn đề Triều Tiên hơn chính quyền Mỹ hiện nay.
Do không muốn bị người dân “giận cá chém thớt” vì bà Park Geun-hye, hai ứng cử viên bảo thủ, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-ahn đã từ chối tham gia tranh cử. Lực lượng bảo thủ ở Hàn Quốc hiện nay đã quay sang ủng hộ ứng viên tổng thống Moon Jae-in, đại diện chính của phe cánh tả, người từng thất bại trước bà Park Geun-hye vào năm 2012.
Tuy nhiên, thực tế chính trị tại Hàn Quốc trước giờ thường diễn biến trái ngược với mọi dự đoán. Mức tín nhiệm đối với lãnh đạo đảng Nhân dân trung tả Ahn Cheol-soo đã nhích lên từ giữa tháng 3 để thực sự “bứt phá” chỉ trong 3 tuần gần đây từ 7% lên 37,3%, gần bằng mức của ứng cử viên Moon Jae-in (38,5%).
Ông Ahn Cheol-soo là một doanh nhân và từng là bác sĩ y khoa, nhà phát triển phần mềm chống virus trong y khoa, đã thực sự tạo ấn tượng trong cuộc đua vào Nhà Xanh nhờ tập hợp được các cử tri bảo thủ vốn bị mất tinh thần nghiêm trọng sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất.
Vấn đề Triều Tiên đóng một vai trò lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm nay sau những tuyên bố hiếu chiến của Mỹ và việc bắn tiếng cử hàng không mẫu hạm Carl Vinson tới vùng biển Triều Tiên để răn đe Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 4 (mặc dù theo những tin tức mới nhất, đây chỉ là đòn hù dọa của Mỹ vì thực chất tàu Carl Vinson chưa bao giờ tới vùng biển Triều Tiên kể từ sau tuyên bố của Nhà Trắng).
Phần lớn người Hàn Quốc xưa nay vẫn phản đối chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên khi Washington không tham vấn Seoul mỗi khi có động thái với Bình Nhưỡng. Sau khi báo chí Mỹ ngày 19-4 tiết lộ tàu Carl Vinson còn cách bán đảo Triều Tiên hàng nghìn km và thậm chí đi hướng ngược lại để ra Ấn Độ Dương, dư luận Hàn Quốc trở nên phẫn nộ vì cho rằng bị đồng minh Mỹ lừa dối và thao túng.
Theo truyền thống, lực lượng cánh tả ở Hàn Quốc (trong đó có hai ứng cử viên hàng đầu hiện nay) có quan điểm khá mềm dẻo đối với Triều Tiên. Theo giới quan sát, chính điều này sẽ tạo ra một sự xung khắc mới giữa chính quyền Seoul tương lai và Washington.
Người Mỹ và giới bảo thủ ở Hàn Quốc coi hệ thống phòng thủ THAAD mà Mỹ muốn đặt ở Hàn Quốc là một yếu tố răn đe đối với Bình Nhưỡng. Nhưng Nga, Trung Quốc và cả lực lượng cánh tả ở Hàn Quốc đều phản đối kế hoạch này.
Tuy nhiên, các vụ thử tên lửa không ngừng nghỉ của Triều Tiên và sự quan tâm ngày càng nhiều của người dân Hàn Quốc với hệ thống THAAD (60% dân Hàn Quốc chấp thuận THAAD) đã khiến các ứng cử viên phải xem xét lại quan điểm trước đây.
Ứng cử viên Ahn Cheol-soo, sau khi giành được sự ủng hộ của giới bảo thủ, đã thay đổi quan điểm khi tuyên bố chấp nhận THAAD vì “việc tôn trọng các thỏa thuận của chính phủ tiền nhiệm là một thông lệ quốc tế”.
Ứng cử viên Moon Jae-in thì có vẻ cẩn trọng hơn khi từ chối bày tỏ quan điểm và chỉ nói rằng chính phủ tương lai sẽ quyết định số phận của THAAD.
Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc, ngoài 5 ứng cử viên nổi bật nhất của các đảng có đại diện tại quốc hội, tới nay đã có thêm 10 người chính thức đăng ký ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Sáng 17-4, cuộc vận động tranh cử chính thức bắt đầu.
Nhìn chung, tất cả những ứng viên Tổng thống Hàn Quốc đều khẳng định đòn không kích phủ đầu Triều Tiên của Mỹ sẽ gây ra chiến tranh diện rộng ở bán đảo Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng đã cảnh báo sẽ quyết liệt đáp trả. Mỗi người đều ra sức thuyết phục cử tri rằng, họ mới là người có khả năng duy trì hòa bình trên bán đảo.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời nhiều phụ tá gần gũi của ứng cử Moon Jae-in ngày 20-4 nói ông Moon không chấp nhận công khai gọi Triều Tiên là kẻ thù chính của Hàn Quốc, không phải vì ông không cho là như vậy mà vì việc này sẽ không có lợi cho Hàn Quốc.
Một phụ tá hàng đầu của ông Moon nhấn mạnh: “Một người nếu thắng cử có thể là người sẽ phải trực tiếp đàm phán với Triều Tiên để tạo lập hòa bình giữa hai bên và cũng phải nỗ lực thống nhất hai miền một cách hòa bình”.
Trước đó, vào hôm 17-4, hãng thông tấn Yonhap đưa tin, kế hoạch triển khai Hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ được lùi lại tới điểm chưa xác định, sau cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Hồi tháng 7-2016, Seoul và Washington nhất trí lắp đặt hệ thống THAAD ở Đông Nam Hàn Quốc trong năm 2017.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19-4, Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Lời kêu gọi của Hàn Quốc đưa ra sau khi báo Rodong Simun của Triều Tiên trong một bài xã luận gần đây cho rằng, khối bảo thủ tại Hàn Quốc không nên được phép tiếp tục nắm quyền.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên đang tìm cách đánh vào tâm lí của các cử tri Hàn Quốc, thể hiện ý định muốn can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 9-5 tới.
Vào lúc này, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng cao. Ngày 20-4, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn ra lệnh cho quân đội sẵn sàng phản ứng "lập tức" với bất cứ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên.
"Tôi kêu gọi lực lượng quân đội theo dõi chặt chẽ khả năng Triều Tiên khiêu khích và củng cố tư thế sẵn sàng để có phản ứng lập tức", Yonhap dẫn lời ông Hwang Kyo-ahn nói trong cuộc họp thường kỳ với nội các.
Tuyên bố của ông Hwang được đưa ra trong bối cảnh các mối lo ngại đang gia tăng trước việc Bình Nhưỡng có thể thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhằm đánh dấu lễ kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội Triều Tiên vào ngày 25-4 tới đây.
Theo Mộc Thạch (tổng hợp)
An ninh thế giới