1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Yếu tố Mỹ" trong sự phát triển của ngành dệt may Triều Tiên

(Dân trí) - Bất chấp lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt từ Liên Hợp Quốc và Mỹ, những công nhân dệt may Triều Tiên dường như đã coi đó là động lực để làm việc chăm chỉ, nâng cao năng suất lao động.

Các nữ công nhân Triều Tiên trong một nhà máy sản xuất hàng may mặc. (Ảnh: AFP)
Các nữ công nhân Triều Tiên trong một nhà máy sản xuất hàng may mặc. (Ảnh: AFP)

Bên trong nhà máy dệt may lớn nhất Triều Tiên tràn ngập những khẩu hiệu tuyên truyền chống Mỹ. Gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi 2 bên liên tiếp có những động thái công kích lẫn nhau. Trong khi Bình Nhưỡng thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân thì Mỹ và LHQ liên tiếp áp dụng lệnh trừng phạt với Triều Tiên, trong đó có lệnh cấm các nước nhập khẩu sản phẩm may mặc của nước này.

Trong các công xưởng Triều Tiên, các công nhân nhà máy dường như có thêm động lực để lao động chăm chỉ hơn. CNN trích lời công nhân vận hành máy Mun Gang Sun cho biết cô cùng các đồng nghiệp đang chuyển hóa “sự bất bình” với những lệnh trừng phạt trở thành động lực để nâng cao sản lượng sản xuất. Theo cô Mun, các công nhân tại nhà máy làm việc với năng suất bằng 200% so với mức bình thường.

Cô Mun là một trong 8000 công nhân đang lao động tại nhà máy dệt may lớn nhất Triều Tiên nằm ở phía đông Bình Nhưỡng và cô đã được chính quyền lựa chọn “kỹ lưỡng” để trả lời phỏng vấn với báo chí.

Kỹ sư trưởng Ri Yong Gun, người đã làm việc ở nhà máy này 4 năm, cũng là một người được lựa chọn để trả lời phỏng vấn. Ông Ri cho biết nhà máy chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và cung cấp vải cho các nhà sản xuất đồ may mặc và túi xách địa phương.

Theo ông Ri, trước khi lệnh trừng phạt được ban hành, xuất khẩu là lĩnh vực mang lại nguồn doanh thu lớn cho nhà máy, với 20-25% hàng hóa sản xuất được bán sang các đối tác ở Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Sau lệnh trừng phạt, ông Ri thừa nhận nhà máy đã thay đổi chiến lược sản xuất, tuy nhiên vẫn giữ nguyên nhịp độ sản xuất trước kia.

Hầu hết các nguyên liệu thô như sợi vải và thuốc nhuộm vốn được nhập khẩu trước đó, hiện tại đã được tìm được nguồn cung nội địa. Dù có đôi chút bất tiện với nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu nhưng ông Ri cũng cho biết lệnh trừng phạt như “chất xúc tác” khiến các công nhân làm việc chăm chỉ hơn.


Các công nhân may mặc Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Các công nhân may mặc Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Quy mô ngành thương mại dệt may Triều Tiên ước đạt 700 triệu USD năm ngoái và là một trong số ít nguồn thu nhập hợp pháp còn lại của Triều Tiên sau khi bị áp lệnh trừng phạt với các mặt hàng than đá và khoáng sản.

Sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp dệt may của Bình Nhưỡng đã trở thành ngành đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc.

SCMP đưa tin ngày 21/8, dựa vào dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, dệt may đã vượt than đá trở thành mặt hàng Triều Tiên xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc vào quý 2/2017 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.

Tuy chưa rõ lệnh trừng phạt mới nhất với ngành dệt may sẽ ảnh hưởng thế nào tới Triều Tiên, nhưng theo Ngân hàng Hàn Quốc ước tính từ những năm trước, lệnh trừng phạt dường như không gây quá nhiều cản trở tới đà tăng trưởng kinh tế Triều Tiên.

Cô Mun, người gần đây mới được nhận danh hiệu “công nhân danh dự”, luôn thể hiện quyết tâm phục vụ đất nước như những gì cha mẹ cô vẫn làm khi họ còn sống.

Khi được hỏi liệu cô có sợ hãi trước lệnh trừng phạt và ngay cả một cuộc tấn công quân sự từ Mỹ, cô Mun chia sẻ: “Chúng tôi chỉ làm việc để người dân Triều Tiên có cuộc sống tốt hơn, mặc quần áo đẹp hơn và sống trong căn nhà tốt hơn. Động lực làm việc của chúng tôi không có liên quan gì tới tên lửa. Chừng nào chúng tôi vẫn còn có nhà lãnh đạo, và đội quân với sức mạnh của sự đoàn kết, có điều gì mà chúng tôi có thể sợ hãi”?

Đức Hoàng

Tổng hợp