1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quần áo do Triều Tiên sản xuất bày bán rộng rãi tại Hàn Quốc

(Dân trí) - Hàng chục nghìn mặt hàng quần áo do Triều Tiên sản xuất vẫn đang được bày bán công khai tại Hàn Quốc bất chấp các lệnh trừng phạt của Seoul nhằm vào Bình Nhưỡng trong thời gian qua.

Các công nhân may mặc Triều Tiên (Ảnh: Getty)
Các công nhân may mặc Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Theo nghị sĩ Kim Hyung-kwon thuộc đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc, khoảng 50.000 mặt hàng quần áo do Triều Tiên sản xuất đang được bán tại Hàn Quốc và điều này đã vi phạm các lệnh trừng phạt của chính phủ Hàn Quốc đối với Triều Tiên.

Nghị sĩ Hàn Quốc cho biết mặc dù nhãn mác trên các sản phẩm quần áo này ghi được sản xuất tại Trung Quốc nhưng thực chất xuất xứ là ở Triều Tiên. Nghị sĩ Kim cũng trích dẫn dữ liệu từ Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc (KCG) nói rằng chính những người buôn lậu Hàn Quốc đã tham gia vào quá trình phân phối các sản phẩm này.

Kể từ năm 2010, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành lệnh trừng phạt có tên gọi 24/5, trong đó cấm đưa các sản phẩm do Triều Tiên sản xuất vào thị trường Hàn Quốc. KCG có trách nhiệm phát hiện các đối tượng buôn lậu hàng hóa từ Triều Tiên và Hàn Quốc, song trên thực tế các mặt hàng này vẫn được bày bán tại Hàn Quốc dưới mác Trung Quốc.

Triều Tiên từ lâu đã vận hành các nhà máy dệt ở Trung Quốc để làm nguồn thu ngoại tệ trong bối cảnh nước này phải đối mặt với một loạt biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từng tuyên bố sẽ tìm cách ngăn chặn nguồn kiếm tiền của Bình Nhưỡng, song kết quả vẫn không mấy khả quan.

Năm 2014, chỉ có một đối tượng buôn lậu hàng từ Triều Tiên vào Hàn Quốc bị bắt. Trước đó, KCG đã phát hiện 7 vụ việc liên quan tới 23 đối tượng vi phạm năm 2013 và 12 vụ việc liên quan tới 20 đối tượng vi phạm năm 2012. Các đối tượng buôn lậu phân phối rất nhiều mặt hàng của Triều Tiên như quần áo, các loại thủy hải sản, than đá và đồ thủ công, song tất cả đều được đóng mác của Trung Quốc.

Theo nghị sĩ Kim, bộ phận phụ trách an ninh của KCG hiện vẫn thiếu nhân lực và đây là lý do khiến vấn đề buôn lậu hàng hóa từ Triều Tiên vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

“Xét đến quy mô của hàng hóa buôn lậu, đây có thể xem như một loại tội phạm có tổ chức. KCG nên nhanh chóng xây dựng một hệ thống để phát hiện các đối tượng buôn lậu và giả mạo”, nghị sĩ Kim đề xuất.

Thành Đạt

Theo Korea Times