1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung quanh lệnh cấm vận cứng rắn nhất đối với CHDCND Triều Tiên

Ngày 2-3, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên vì vụ thử tên lửa hạt nhân hồi tháng 1 và vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hôm 7-2 của nước này.

Đòn trừng phạt nặng nề nhất trong 20 năm qua liệu có khiến chính quyền Bình Nhưỡng “chùn tay”? Nga và Trung Quốc tính toán gì khi ủng hộ quyết định này?

Thông điệp cứng rắn

Sau vài lần trì hoãn, đêm 2-3, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết do Mỹ đề xuất về mở rộng trừng phạt CHDCND Triều Tiên liên quan tới việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6-1 và phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7-2.

Theo nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên mới của LHQ, tất cả các hàng hoá đến và đi từ CHDCND Triều Tiên đều phải được kiểm tra; trong khi trước đây, các nước chỉ tiến hành kiểm tra những kiện hàng bị nghi ngờ chứa hàng cấm. Biện pháp trừng phạt mới cũng bao gồm lệnh cấm CHDCND Triền Tiên xuất hoặc nhập khẩu vũ khí hạng nhẹ, xuất khẩu than, sắt, vàng, titanium, đất hiếm. Chỉ riêng việc cấm xuất khẩu than cũng sẽ làm thiệt hại của Triều Tiên 1 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài ra, LHQ cũng cấm các tổ chức tài chính được mở chi nhánh và tài khoản tại CHDCND Triều Tiên. 16 cá nhân, trong đó có đại diện thương mại ở một số nước của CHDCND Triều Tiên, cũng đã bị đưa vào danh sách “đen” của LHQ. Các thành viên LHQ được phép trục xuất các quan chức ngoại giao hay công dân Triều Tiên có các hoạt động trái phép.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên tại New York ngày 2-3.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên tại New York ngày 2-3.

Với sự đồng thuận của tất cả thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, Nghị quyết mới với những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào CHDCND Triều Tiên được xem như một thông điệp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế gửi cho CHDCND Triều Tiên rằng, nước này cần phải sớm từ bỏ các chương trình hạt nhân, vốn bị coi là đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Đây là lần thứ 5 Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của quốc gia này vào năm 2006. Nhưng lần này, Nghị quyết có những điểm khác biệt, bao gồm những biện pháp trừng phạt được đánh giá là mạnh tay nhất trong vòng 20 năm qua, nhằm hạn chế tối đa nguồn lực và tài chính phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng sẽ thay đổi?

Phát biểu sau phiên họp trước giới báo chí, Đại sứ Mỹ tại LHQ, Samatha Power ngày 2-3 khẳng định, nghị quyết của LHQ không nhằm vào người dân mà để hạn chế tối đa nguồn tài chính của CHDCND Triều Tiên, qua đó nước này không có cơ hội phát triển các chương trình hạt nhân của mình.

Hiện ở Mỹ, có ý kiến nêu rằng, chưa chắc Bình Nhưỡng đã tuân thủ chế tài mới từ LHQ. Thậm chí, họ còn tiếp tục gây thêm căng thẳng. Bên cạnh đó, có ý kiến khác cho biết, không nên loại trừ trường hợp CHDCND Triều Tiên tìm cách lách các biện pháp chế tài mới của LHQ giống như suốt 1 thập niên qua.

Sự quan ngại của họ không phải không có lý do. Lịch sử đã chứng minh rằng các biện pháp cấm vận chưa bao giờ đem lại kết quả mong muốn. Gần đây nhất là trường hợp của Cuba. Sau hơn nửa thế kỷ cấm vận nhưng cuối cùng Mỹ cũng chẳng thu lại được gì và đành mở lại bang giao với La Habana dưới sức ép của cộng đồng quốc tế.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 7-2.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 7-2.

Đây không phải là lần đầu tiên, Mỹ áp lệnh trừng phạt với CHDCND Triều Tiên. Từ sau chiến tranh Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng đã bị Mỹ bao vây cấm vận. Sau 4 lần thử hạt nhân, CHDCND Triều Tiên càng bị Mỹ siết chặt thòng lọng.

Đặc biệt lần này, với sự “thông đồng” của Trung Quốc, Mỹ đưa ra các biện pháp cứng rắn gấp 4 so với lần gần đây nhất. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp cứng rắn nhất từ trước đến nay với CHDCND Triều Tiên sẽ tác động đến đâu?

Hãy cùng điểm lại những lần trừng phạt trước. Từ năm 2006 đến nay, Liên Hiệp Quốc đã 5 lần áp đặt lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân của nước này vào các năm 2006, 2009 và 2013.

Tuy nhiên, đến tháng 1-2016, CHDCND Triều Tiên tiếp tục thử bom, mà lần này là bom H chứ không phải hạt nhân. Nên biết rằng kỹ thuật phát triển bom H phức tạp hơn rất nhiều so với bom hạt nhân.

Nếu các biện pháp trừng phạt đem lại hiệu quả thì có lẽ CHDCND Triều Tiên đã không có đến 4 vụ thử hạt nhân chỉ trong 10 năm qua. Quốc tế càng cấm vận, mức độ phản ứng của CHDCND Triều Tiên thông qua các chương trình thử nghiệm vũ khí càng tăng.

Chẳng hạn sau vụ thử bom H hôm 6-1-2016, CHDCND Triều Tiên khi bị quốc tế phản ứng liền phóng thử tên lửa mang vệ tinh. Hay chỉ chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi LHQ thông qua biện pháp trừng phạt mạnh mẽ CHDCND Triều Tiên, sáng 3-3-2016, Bình Nhưỡng đã bắn thử hàng loạt tên lửa tầm ngắn vào biển Nhật Bản để phản ứng.

Đến tối cùng ngày, Kênh KCNA của CHDCND Triều Tiên đưa tin lực lượng hạt nhân của nước này đã sẵn sàng chiến đấu để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ tay về phía một tên lửa đạn đạo được phóng từ dưới nước tại bờ biển phía đông bắc nước này (ảnh: DailyMail).
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ tay về phía một tên lửa đạn đạo được phóng từ dưới nước tại bờ biển phía đông bắc nước này (ảnh: DailyMail).

Theo Mike Chinoy, tác giả của cuốn Meltdown: The Inside Story of the North Korean Nuclear Crisis (Sự sụp đổ: Câu chuyện bí mật của khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên), những biện pháp trừng phạt của LHQ trong nhiều năm qua đã tác động tới hành vi của CHDCND Triều Tiên, ngay cả khi chúng gây tổn thất đối với nền kinh tế nước này ở mức độ nào đó. Nhưng chúng lại không thể dẫn tới kết quả mà các nhà lãnh đạo thế giới muốn.

Trừng phạt Bình Nhưỡng không ngăn cản được ông Kim Jong Un chế tạo bom nguyên tử. Vậy thì phải chăng chỉ còn con đường đối thoại? Cho dù không có gì bảo đảm giải pháp đó sẽ mang lại kết quả. Bởi vì, khoanh tay ngồi nhìn CHDCND Triều Tiên chế tạo bom nguyên tử cũng là một giải pháp đầy mạo hiểm. “Đối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất. Tôi nghĩ Triều Tiên cũng muốn vậy”-chuyên gia Chinoy quả quyết.

Lý giải nguyên nhân tại sao quốc tế càng cấm vận, CHDCND Triều Tiên càng thử vũ khí, Alexander Zhebin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Viễn Đông, Nga, nêu ý kiến: “Điều duy nhất mà CHDCND Triều Tiên tìm kiếm là được thương lượng trên cơ sở bình đẳng. Người Triều Tiên nhận thấy người ta không muốn nói chuyện với họ, không muốn tìm kiếm thỏa hiệp như trường hợp Iran. Do đó, Bình Nhưỡng dùng đến những động thái cứng rắn nhằm buộc Mỹ và các đồng minh của Mỹ chấp nhận cuộc đối thoại trên cơ sở bình đẳng. Đây là lập trường nguyên tắc của CHDCND Triều Tiên”.

Trung Quốc sẽ nhận phản ứng ngược?

Điều đặc biệt khác trong nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên lần này là có sự chấp thuận của Trung Quốc. Các cuộc thử nghiệm vũ khí mới đây của CHDCND Triều Tiên đã làm tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc, là nước cung cấp viện trợ và mậu dịch chính cho CHDCND Triều Tiên.

Từ trước đến giờ, Trung Quốc vẫn do dự trong việc ủng hộ các biện pháp chế tài mạnh mẽ hay các biện pháp quân sự có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột và gây bất ổn cho vùng biên giới của Trung Quốc.

Trước giờ Mỹ và phương Tây cho rằng nếu Trung Quốc không “bênh” CHDCND Triều Tiên thì có lẽ những biện pháp trừng phạt của họ đã có hiệu quả.

Được coi là đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc lại không được Bình Nhưỡng thông báo về vụ thử bom hôm 6-1. Vụ thử này giáng một đòn đau vào uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Theo Xie Yanmei, nhà phân tích của International Crisis Group ở Bắc Á, có trụ sở tại Bắc Kinh, thì Trung Quốc, người đối thoại chính của Bình Nhưỡng, “sẽ phải đối mặt với áp lực tăng lên, vừa từ trong nước vừa quốc tế, đòi trừng phạt và kìm hãm lãnh đạo Kim Jong Un, buộc CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Việc Trung Quốc đồng ý trừng phạt CHDCND Triều Tiên cho thấy dường như Bắc Kinh đã bắt đầu mệt mỏi trước thái độ của nước láng giềng “gây khó xử”. Đây được coi là lần đầu tiên Trung Quốc bước qua lằn ranh đỏ trong vấn đề với CHDCND Triều Tiên.

Trước đây, Trung Quốc không muốn gây áp lực mạnh lên nước láng giềng nhỏ bé này vì lo sợ nếu CHDCND Triều Tiên sụp đổ thì sự hiện diện của Mỹ lại trở thành ngay sát biên giới của mình.

Tờ Le Figaro (Pháp) ra ngày 7-1 trong bài viết “Trung Quốc đứng trước thách thức”, cho rằng Washington cần tháo gỡ bằng cách đề nghị một thỏa thuận khu vực. Những hành động của Bình Nhưỡng sẽ cho thấy liệu Bắc Kinh có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng ngoại giao tương xứng với sức mạnh kinh tế, vì hòa bình thế giới hay không.

Tương tự, báo Les Echos nhận xét: “Bắc Kinh lên án nhưng không có lợi lộc gì nếu đồng minh Triều Tiên sụp đổ”. Một nước CHDCND Triều Tiên thống nhất và hàng ngàn lính Mỹ trấn giữ gần biên giới – Washington vốn là đồng minh quân sự chủ chốt của Seoul – là một điều mà không bao giờ Bắc Kinh chấp nhận được.

Việc thay đổi thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên có thể được giải thích bằng 2 lý do.

Thứ nhất, nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục gây hấn thì Mỹ sẽ càng được dịp tăng cường quân sự vào Hàn Quốc. Điển hình là việc hai nước này đang thảo luận việc lắp đặt hệ thống lá chắn đánh chặn tên lửa từ không trung THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) tại Hàn Quốc. Đây thực sự là mối đe dọa không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với Nga.

Thứ 2, không trừng phạt Bình Nhưỡng, uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế sẽ ngày càng giảm sút. Trung Quốc đang ngày càng muốn thể hiện mình là “lãnh đạo” thế giới nên không thể để Triều Tiên “kéo chân”.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc chấp thuận trừng phạt Triều Tiên đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chấp nhận rủi ro từ chính quyền Bình Nhưỡng. Cũng có thể Trung Quốc cho rằng mình sẽ kiểm soát được tình hình tại CHDCND Triều Tiên nên mới đồng ý với Mỹ.

Người dân Hàn Quốc xem tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 7-2.
Người dân Hàn Quốc xem tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 7-2.

Nga bảo vệ thành công lợi ích từ lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 1-3, song phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết, Nga đã đề nghị có 24 giờ đồng hồ để nghiên cứu các nội dung trong dự thảo nghị quyết về việc tăng cường trừng phạt CHDCND Triều Tiên.

Hôm 3-3, Hãng thông tấn Tass dẫn lời đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin cho biết Nga đã bảo vệ lợi ích kinh tế của mình từ những tác động của lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiên. Theo ông, các biện pháp trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến việc xây dựng tuyến đường sắt từ Nga đến cảng Rajin của CHDCND Triều Tiên.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới