1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung đột Ukraina: Debaltsevo thất thủ

Ngày 18/2, quân đội Ukraina đã buộc phải rút khỏi thành phố Debaltsevo trước sức ép của lực lượng ly khai. Bộ tứ bảo trợ cho thỏa thuận hòa bình Ukraina đã phải họp bàn khẩn cấp.

Quân đội Ukraina rút lui khỏi Debaltsevo ngày 18/2
Quân đội Ukraina rút lui khỏi Debaltsevo ngày 18/2

Ngày 18/2, đích thân Tổng thống Porochenko, trong bộ quân phục, từ sân bay Kiev đã thông báo việc rút khỏi Debaltsevo, trước khi ông bay đến vùng chiến sự để gặp gỡ những quân nhân đã buộc phải di tản khỏi thành phố này.

Debaltsevo, một thành phố có vị trí chiến lược, là chốt chặn quan trọng nằm giữa hai vùng Donetsk và Lugansk.

Trước đó một ngày, hãng thông tấn Donestk - cơ quan ngôn luận của lực lượng ly khai ở Ukraina, dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donestk (DPR) tự xưng cho hay các lực lượng của họ đã đánh bật quân đội chính phủ ra khỏi Debaltsevo, trung tâm đường sắt chiến lược ở miền đông Ukraina và hiện đang kiểm soát tới 80% khu vực này.

Cùng ngày, chỉ huy đơn vị bán quân sự ủng hộ chính phủ ở Donbass, ông Semen Semenchenko nói: "Hoạt động rút quân khỏi Debaltsevo đang diễn ra theo phương thức có tổ chức và có kế hoạch. Quân địch đang tìm cách cắt các tuyến đường và chặn đường tháo lui của quân đội".

Trong khi đó, Cơ quan báo chí DAN của lực lượng ly khai cho biết hàng trăm binh lính chính phủ đã ra đầu hàng lực lượng ly khai ở Debaltsevo.

Trước tình hình này, một phát ngôn viên chính phủ Pháp thông báo tối 18/2, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Petro Proshenko để thảo luận về tình hình chiến sự tại Debaltsevo.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng ngày đã lên án chiến dịch tấn công của quân ly khai nhằm vào thị trấn chiến lược Debaltsevo là "sự vi phạm rõ ràng" thỏa thuận ngừng bắn do quốc tế bảo trợ.

Trong một phản ứng, phát ngôn viên chính phủ Pháp Stephane Le Foll cho rằng thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tuần trước "chưa thất bại" và nước này sẽ làm "mọi thứ có thể để duy trì thỏa thuận".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày 18/2 cũng đã điện đàm để thảo luận về tình hình thực thi thỏa thuận hòa bình vừa đạt được ở Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraina.

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lavrov đã chỉ ra tầm quan trọng của đối thoại trực tiếp giữa Kiev với Donetsk và Lugansk, trong đó có việc nhanh chóng chấm dứt đụng độ vũ trang ở khu vực Debaltsevo, đồng thời tái khẳng định nghĩa vụ của chính quyền Ukraina là tiến hành cải cách hiến pháp và cung cấp cho Donbass một quy chế đặc biệt.

Sau thất bại ở Debaltsevo, Chính quyền Kiev đã yêu cầu phương Tây có hành động “nghiêm khắc” đối với Moskva. Tối 18/2, khi điện đàm với phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Porochenko đã một lần nữa yêu cầu Washington cung cấp vũ khí sát thương phòng thủ cho Ukraina.

Về phần khối NATO đã yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi Ukraina và ngưng yểm trợ phiến quân ly khai. Trong khi đó, cũng hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi một giải pháp hòa bình cho Ukraina.

Có thể gọi đây là một nghị quyết mang tính tình thế do Hội đồng Bảo an phải chứng tỏ sự tồn tại của họ trên hồ sơ Ukraina và tạo một sức nặng chính trị cho định chế này. Phái đoàn Ukraina thậm chí còn gọi đây là một nghị quyết “vớt vát thể diện”.

Các thành viên Hội đồng Bảo an có thể nói là bắt buộc phải thông qua nghị quyết này vì không có sự chọn lựa nào khác.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an thừa nhận chủ quyền của Ukraina và toàn vẹn lãnh thổ của nước này, nhưng không nhắc đến vùng Crưm. Nghị quyết kêu gọi hai bên tôn trọng các thỏa thuận ở Minsk.

Sau cuộc biểu quyết, hai đại sứ Ukraina và Nga tố cáo lẫn nhau là đã gây xung đột và diễn giải sai các thỏa thuận ở Minsk.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes