1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xung đột tiếp theo tại Biển Đông: Trung Quốc và Indonesia?

Jack Greig, chuyên gia phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, trong những ngày gần đây, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đánh dấu một sự leo thang căng thẳng mới ở khu vực Biển Đông nhằm đáp ứng cơn khát năng lượng của mình và là một tín hiệu cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Ngoại giao "cân bằng động"

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chuyển từ một nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng ròng hàng đầu thế giới. Theo dự báo trong bản Báo cáo năng lượng toàn cầu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) năm 2013, nhu cầu của Trung Quốc sẽ chiếm 31% nhu cầu tăng trưởng năng lượng của toàn thế giới giai đoạn 2011 - 2035. Nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh vào năm 2035 sẽ gấp đôi Mỹ và gấp 3 lần Liên minh châu Âu (EU). Cơn khát ngày càng tăng này của Trung Quốc sẽ ngày càng được hỗ trợ bởi sức mạnh hải quân đang phát triển của nước này. Có nghĩa là, Bắc Kinh sẽ có các lựa chọn trong việc thúc đẩy nguồn dự trữ năng lượng chiến lược ở Biển Đông để bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai của mình.

Đáy biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia được cho là khá giàu khí đốt và nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mơ hồ của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời quần đảo này cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Jakarta từng khẳng định rằng, nước này không có tranh chấp với Trung Quốc vì tuyên bố trên của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Nhưng Trung Quốc đã từ chối trả lời một cách nhất quán hoặc rõ ràng về yêu cầu của Jakarta để làm rõ vấn đề này.

Tàu khu trục của Trung Quốc.

Tàu khu trục của Trung Quốc.

Như vậy, theo ông Jack Greig,ít nhất sẽ có một cuộc xung đột về việc giải thích về Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 và khái niệm pháp lý rằng "đất thống trị biển" giữa Trung Quốc và Indonesia. Những nỗ lực của Jakarta nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong ASEAN về Biển Đông đã dựa chủ yếu vào giải pháp ngoại giao được gọi là "sự cân bằng động" (PDF) - có thể làm dịu bớt đi sự mất cân bằng quyền lực ngày càng tăng lên ở Đông Nam Á. Quan điểm của Indonesia về những lợi ích lâu dài và vai trò của Trung Quốc trong khu vực với chiến lược "cân bằng động" trên được cho là "sự mơ hồ chiến lược".

Sự mơ hồ này cũng lan tỏa ra các mối quan hệ khác và được thúc đẩy một phần bởi lo ngại liên quan đến vấn đề lịch sử. Bắc Kinh và Jakarta đã cắt đứt quan hệ ngoại giao trong vòng 23 năm sau khi Tổng thống Indonesia Suharto lên nắm quyền. Mối quan hệ giữa hai nước được nối lại vào năm 1990, nhưng đã xảy ra một cuộc khủng hoảng giữa họ vào năm 1994 liên quan đến cách đối xử của Indonesia với người Trung Quốc ở Bắc Sumatra (Indonesia). Vào năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang ở mức đỉnh điểm và bạo loạn xảy ra ở Jakarta, người Trung Quốc ở  Indoneisa lại trở thành mục tiêu của các cuộc xung đột một lần nữa, kết quả là hàng ngàn người Trung Quốc phải chạy trốn. Giờ đây, mặc dù cả hai nước đang có những mối quan hệ tốt về kinh tế, nhưng Jakarta không thể không đưa nhân tố gây hấn của Trung Quốc trong khu vực vào tư duy chiến lược của mình.

Đáng chú ý nhất, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Indonesia (TNI), Tướng Moeldoko gần đây thừa nhận “những thách thức chính trong tương lai gần của Indonesia là tranh chấp ở khu vực Biển Đông và an ninh biên giới”. Chuyên gia Scott Bentley (Australia) cũng mới bình luận trên diễn đàn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) rằng có lý do chính đáng để tin rằng có tín hiệu cho thấy về sự thay đổi trong nhữn ưu tiên chiến lược của TNI, ít nhất là trong giới lãnh đạo quân sự.

Thực tế là Bộ Ngoại giao Indonesia và TNI cũng đã quan tâm đến phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Phát biểu sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cảnh báo: "chúng tôi đã kiên quyết nói với phía Trung Quốc, chúng tôi sẽ không chấp nhận một ADIZ tương tự ở Biển Đông”. Trả lời phỏng vấn của tạp chí "Phố Wall" (Mỹ) ngày 20/5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phản bác một số quan điểm từng được Trung Quốc đưa ra để biện minh cho hành động leo thang tại Biển Đông, đồng thời cho biết Indonesia sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng biển Việt Nam.

Kết thúc sự "mơ hồ chiến lược"

Trong hơn hai thập kỷ qua, Indonesia đã định vị mình như một bên trung gian hòa giải trung lập trong các tranh chấp Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Jakarta cho rằng Indonesia và Trung Quốc không có yêu sách chồng lấn tại các đảo trên Biển Đông vì theo UNCLOS, chủ quyền đối với vùng nước xuất phát từ chủ quyền đối với đất liền và Jakarta đã yêu cầu Bắc Kinh phải bảo đảm quan điểm này nhưng rốt cuộc vẫn chưa được chấp nhận”.

Indonesia xem các tranh chấp lãnh thổ như một mối đe dọa lớn đến lợi ích của mình, ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực Đông Nam Á. Trong những năm 1990, Indonesia bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo về Biển Đông để giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp. Sau đó, các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực. Quan trọng hơn, DOC kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không chiếm các hòn đảo không có người ở, các rạn san hô và bãi ngầm ở Biển Đông.

Tàu khu trục của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III (phải) và người đồng nhiệm Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong cuộc họp báo chung tại thủ đô Manila ngày 23/5. Ảnh: THX-TTXVN

Tuy nhiên, DOC thiếu cơ chế thực thi nên Indonesia đã đi đầu trong việc thúc giục các bên đàm phán tiến tới bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý hơn, trong đó có các biện pháp phòng tránh sự leo thang quân sự trên biển. Jakarta từ lâu cũng đã lo ngại âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nhất là đối với chuỗi đảo Natuna – một trong những khu vực có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới.

Sự lo ngại của Indonesia đã tăng lên cùng với việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, ngày càng quyết đoán hơn để khẳng định lợi ích trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa đối với khu vực quần đảo Natuna, các vùng biển xung quanh mà còn sự thiêng liêng của UNCLOS. Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới nhưng năng lực hải quân hạn chế để có thể bảo vệ các hòn đảo xa xôi kéo dài tới 3.000 dặm từ Đông sang Tây, do đó nước này luôn ủng hộ mạnh mẽ UNCLOS.

Do đó, mặc dù cả Trung Quốc và Indonesia đang tận hưởng sự thân thiện trong thời gian dài giữa hai bên, nhưng căng thẳng ở Biển Đông đang tiếp tục như là ngọn lửa âm ỉ trong mối quan hệ song phương này.
           
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những hành động mà theo Indonesia nhận thức là phá hoại UNCLOS, đe dọa đến sự ổn định khu vực. Trước tiên, khi Trung Quốc công bố bản đồ đường chín đoạn vào năm 2009, trong đó có phần đặc khu kinh tế tại khu vực Natuna, Indonesia đã phản đối tuyên bố của Trung Quốc đối với  UNCLOS vào năm 2010 và yêu cầu Trung Quốc làm rõ tuyên bố về bản đồ được vẽ vào năm 1947 bằng cách cung cấp tọa độ chính xác các đường đứt khúc chín đoạn. Giáo sư Ann Marie Murphy nói rằng tuyên bố của Indonesia, thực chất khẳng định mình là một bên tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, đã kết thúc sự mơ hồ chiến lược trong quan hệ hai nước, có khả năng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương.
           
Theo quan điểm của Indonesia, tuyên bố của Trung Quốc không rõ ràng về mặt pháp lý, không phù hợp với UNCLOS. Trung Quốc phản ứng thiếu tích cực trước yêu cầu của Indonesia đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Jakarta rằng nước này không đánh giá cao các hành động (phản đối) của Indonesia. Sau đó, Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong việc theo đuổi tuyên bố trên Biển Đông và có xu hướng sử dụng vũ lực để hiện thực hóa tham vọng của mình, đặc biệt nghiêm trọng hơn, theo quan điểm của Indonesia, Trung Quốc đã tăng cường tập trận hải quân, mở rộng sự hiện diện quân sự từ Bắc xuống phía Nam – khu vực Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trong cuộc đối đầu với các tàu Indonesia. Chẳng hạn như hồi tháng 3/2013, Indonesia đã chặn bắt tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp tại quần đảo Natuna, buộc ngư dân Trung Quốc rời tàu lên bờ làm thủ tục pháp lý nhưng ngay sau đó tàu vũ trang Trung Quốc xuất hiện, đối đầu với tàu Indonesia, yêu cầu thả các ngư dân Trung Quốc.

Indonesia tuyên bố công khai trở thành bên xung đột với Trung Quốc đi kèm kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân tại quần đảo Natuna là sự thay đổi quan trọng trong ván cờ Biển Đông. Indonesia chính thức phản đối tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, "sự mơ hồ chiến lược" từng cho phép Indonesia định vị mình như một trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và ASEAN đã thất bại.


Theo Công Thuận

Báo tin tức