1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xung đột Iran-Ả rập Xê út nguy cơ cản trở nỗ lực tiêu diệt IS

(Dân trí) - Xung đột Iran-Ả rập Xê út đang leo thang sau khi Ả rập Xê út xử tử giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng thân Iran mới đây và điều này sẽ cản trở nỗ lực chung do Mỹ đứng đầu trong việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Trung Đông.

 

Những tín đồ ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr tại Iraq (Ảnh: AFP)
Những tín đồ ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr tại Iraq (Ảnh: AFP)

Giới chức và giới nghiên cứu Mỹ và các nước Trung Đông có chung nhận định như vậy sau khi Ả rập Xê út xử tử giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Sheikh Nimr al-Nimr hôm 2/1, thổi bùng làn sóng bạo lực tại Trung Đông. Theo giới chức Mỹ, xung đột Iran-Ả rập Xê út thậm chí còn ảnh hưởng tới vai trò của Mỹ ở Trung Đông và tiến trình hòa bình cho Syria.

“Một điều chắc chắn rằng sự gia tăng căng thẳng sắc tộc sẽ tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho sự lớn mạnh của IS. Tất cả diễn biến trên hỗ trợ cho lực lượng IS tăng cường xây dựng lực lượng”, Saad al-Hadithi, phát ngôn viên chính phủ Iraq, phát biểu.

Hamid al-Mutlaq, một nhà lập pháp Hồi giáo dòng Sunni tại Iraq, cho rằng gia tăng căng thẳng trong khu vực sẽ không tốt cho cuộc chiến tiêu diệt IS. “Căng thẳng sẽ làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết điều mà chúng ta cần để tiêu diệt IS”, nhà lập pháp Mutlaq phát biểu.

Theo tờ New York Times, chính phủ Iraq đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc xác định lộ trình của IS hoạt động tại nhiều thành phố. Iraq đang gặp thách thức từ xung đột giữa Iran và Ả rập Xê út, điều này có thể sẽ thổi bùng căng thẳng về sắc tộc tôn giáo ra toàn khu vực.

Iraq vừa trải qua nội chiến do tôn giáo nhiều năm qua, thì nay sự thù địch giữa Iran và Ả rập Xê út một lần nữa lại có thể gây phương hại tới hợp tác giữa hai nhóm hồi giáo dòng Sunni-Shiite và tạo mảnh đất cho IS tại quốc gia này lớn mạnh trở lại, theo New York Times.


Vùng màu đỏ là nơi có đa số dân thuộc cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, vùng màu vàng nhạt là cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni, còn vùng có gạch chéo là nơi đang diễn ra căng thẳng về sắc tộc (Đồ họa: theglobeandmail)

Vùng màu đỏ là nơi có đa số dân thuộc cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, vùng màu vàng nhạt là cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni, còn vùng có gạch chéo là nơi đang diễn ra căng thẳng về sắc tộc (Đồ họa: theglobeandmail)

Simon Henderson, chuyên gia về vấn đề Ả rập Xê út thuộc Viện nghiên cứu Washington về Chính sách Cận đông, phân tích: “Sự việc này xảy ra mà không tham vấn với Mỹ. Điều này còn cho thấy phụ thuộc vào nỗ lực của Ả rập Xê út trong việc tăng cường để trở thành lãnh đạo của thế giới Hồi giáo”.

Các quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm Mỹ cho rằng Ả rập Xê út và Mỹ có quá nhiều lợi ích chung từ việc khai thác dầu mỏ, nỗ lực tiêu diệt lực lượng khủng bố al Qaeda và IS cho tới các hợp đồng cung cấp vũ khí lớn.

Ngoài ra, giới chức Mỹ còn thừa nhận rằng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Iran-Ả rập Xê út sẽ làm giảm cơ hội cho tiến trình hòa bình cho Syria, vốn trải qua 5 năm nội chiến. “Rõ ràng tiến trình này đang rất mong manh”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Jan Eliasson, phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, phát biểu hôm thứ Ba (5/1) rằng: “Tôi là người thường giảm nhẹ những khó khăn thách thức nhưng đây là một sự thụt lùi lớn. Đây là sự kết hợp các hậu quả của vấn đề địa chính trị trong khu vực”.

Maria Fantappie, một nhà phân tích về tình hình Iraq thuộc tổ chức International Crisis Group, nhận định: “Xung đột Iran-Ả rập Xê út có khả năng sẽ thách thức Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trong việc phối hợp giữa Mỹ và Iran”.

Tờ Jerusalem Post ngày 5/1 dẫn lời phát ngôn viên quân đội Mỹ tại Iraq cho biết vùng lãnh thổ do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chiếm đóng đã giảm 30% trong năm 2015 do lực lượng quốc tế đẩy mạnh tấn công ở một số thành phố lớn tại Iraq và Syria.

Phát ngôn viên quân đội Mỹ tại Iraq, Đại tá Steve Warren còn cho biết thêm rằng: “Chúng tôi tin rằng lãnh thổ tại Iraq do IS kiểm soát giảm tới 40%, trong khi lãnh thổ tại Syria giảm khoảng 20%. Tổng cộng lãnh thổ do IS chiếm đóng đã giảm khoảng 30%”.

Vũ Duy

Tổng hợp