1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xe tăng kỳ dị của Nga tái xuất, đột phá vị trí ở Krasnohorivka

Ngọc Huy

(Dân trí) - Sự nổi tiếng của xe tăng "rùa" trên các nền tảng mạng xã hội đã biến nó trở thành mục tiêu nhắm tới của Quân đội Ukraine.

Xe tăng kỳ dị của Nga tái xuất, đột phá vị trí ở Krasnohorivka - 1

Hình ảnh về chiếc xe tăng Nga có lớp bảo vệ kỳ lạ (Ảnh: Telegram).

Không khó để nhận ra từ thực tế chiến trường Ukraine, các loại UAV tự sát đang là đối thủ nguy hiểm nhất đối với các phương tiện thiết giáp của Quân đội Nga, kể cả những chiếc xe tăng tiên tiến nhất.

Gần đây, một chiếc T-72 của Quân đội Nga thậm chí được trang bị lớp bảo vệ đặc biệt che kín gần như toàn bộ tháp pháo cùng phần thân trên, nó được gọi là xe tăng kiểu "con rùa".

Dù phải hy sinh khả năng quan sát cũng như cơ động của tháp pháo, nhưng lại giúp phương tiện có khả năng sống sót cao hơn trước các loại UAV tự sát, đặc biệt là FPV.

Trong ngày hôm qua, 16/4, nó lại một lần nữa xuất hiện trong trận tấn công của nhóm cơ giới Nga ở thành phố Krasnohorivka gần thủ phủ Donetsk.

Trước hỏa lực dày đặc của Ukraine, phương tiện kỳ dị này đi tiên phong dẫn nhóm quân Nga thọc sâu tấn công vào khu vực do đối phương kiểm soát rồi quay trở lại an toàn.

Rõ ràng, những giải pháp kỹ thuật dù có kỳ quái tới đâu, nhưng nếu chúng chứng minh được hiệu quả thực tế thì nó tự nhiên sẽ được áp dụng. Còn những sáng kiến thiếu hiệu quả, tốn kém sẽ tự nhiên bị loại thải theo quy luật "mâu - thuẫn" trong phát triển vũ khí.

Xe tăng "rùa" của Nga đột phá vào Krasnogorovka (Nguồn: Telegram).

Truyền thống lâu đời

Tại Ukraine một lần nữa chứng minh, so với Mỹ - phương Tây, khả năng linh hoạt, sáng tạo trong thay đổi cấu hình trang bị phù hợp với môi trường tác chiến của Nga và trước đây là Liên Xô luôn đạt được hiệu quả cao hơn.

Truyền thống này trong quá khứ đã từng được thể hiện rõ ràng trong Thế chiến 2 với mẫu xe tăng huyền thoại T-34. Nó không phải là loại tăng tốt nhất tại thời điểm xuất hiện, nhưng đã liên tục được nâng cấp để trở nên bền bỉ, có sức sống mãnh liệt tới mức phát xít Đức phải đặt biệt danh cho chúng là "con gián".

Chiến tranh thế giới thứ 2 cũng tạo ra một truyền thống khá thú vị là việc các kỹ sư thiết kế của nhà máy trực tiếp có mặt tại tiền tuyến.

Họ không chỉ tham gia vào quá trình sửa chữa các phương tiện mà còn nâng cấp, cải tiến tại thực địa, giúp đạt hiệu quả cao nhất.

Một giải pháp kỹ thuật khác cũng rất đáng chú ý để nâng cao khả năng sống sót của phương tiện tăng thiết giáp Liên Xô (Nga sau này) chính là hệ thống giáp phản ứng nổ (ERA).

Dù Israel mới là quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ này, nhưng Liên Xô đã biến nó trở thành cách đơn giản, chi phí rẻ nhưng hiệu quả hơn hẳn kiểu giáp hộp của phương Tây, để đối phó với thời đại của tên lửa hay vũ khí chống tăng vác vai sử dụng đầu đạn nổ lõm.

Những ví dụ trên dù chỉ là những lát cắt nhỏ, tuy nhiên chúng là ví dụ rất cụ thể về cách người Nga tư duy phát triển vũ khí.

Xe tăng kỳ dị của Nga tái xuất, đột phá vị trí ở Krasnohorivka - 2

Xe tăng Nga lắp "chuồng gà" để bảo vệ tháp pháo trước hỏa lực của Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Từ chiếc "chuồng gà" tới sửa đổi vũ khí phù hợp môi trường

Trong giai đoạn đầu xung đột, lực lượng Kiev được viện trợ rất nhiều tên lửa chống tăng đột nóc, UAV tự sát, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng cơ giới của Moscow. Ngay lập tức, những chiếc "chuồng gà" đã xuất hiện trên những chiếc xe tăng Nga tham chiến.

Bỏ qua những lời chê bai của giới chuyên gia quân sự phương Tây về giải pháp có phần chắp vá này, thực tế đã chứng minh nó hoàn toàn hợp lý cả về mặt kỹ thuật lẫn hiệu quả bảo vệ.

Có thể hình dung, trong điều kiện dã chiến, việc áp dụng các trang bị công nghệ phức tạp là rất khó khăn. Trong khi đó, việc tạo ra "chuồng gà" vô cùng đơn giản từ những ống sắt hộp cùng lưới chống đạn được hàn liên kết với nhau.

Việc sử dụng "giáp lưới" để bảo vệ phương tiện quân sự đã phổ biến trong quá khứ. Chúng được sử dụng để bảo vệ phương tiện khỏi các loại đầu đạn chống tăng. Kết cấu này giúp che kín các yếu điểm ở phần tháp pháo và nóc xe vốn mỏng, dễ tổn thương trước tên lửa chống tăng hay UAV tự sát.

Topwar đánh giá, sự khác biệt chính giữa UAV tự sát với tên lửa chống tăng có điều khiển hoặc đạn RPG là tốc độ thấp. Nếu tên lửa hoặc RPG bay khoảng 600-900km/h, thì UAV tự sát hiếm khi vượt quá 150-200km/h. Ngoài ra, UAV tự sát có kết cấu thường được chế tạo từ vật liệu nhẹ hoặc nhựa nên lưới kim loại với độ bền cao tỏ ra rất hiệu quả khi ngăn chặn chúng.

Thực tế đối kháng đã chứng minh giải pháp của người Nga rất hiệu quả. Chính Ukraine cũng đã phải học điều này để chống lại UAV tự sát có số lượng vượt trội của đối phương. Sau này, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), một trong những quân đội hiện đại hàng đầu thế giới theo chuẩn phương Tây cũng áp dụng "chuồng gà" để bảo vệ xe tăng trước mối nguy cơ bất đối xứng từ UAV tự sát.

Thực tế, UAV tự sát cùng chiến thuật sử dụng chúng đang tạo ra những chiến lệ hoàn toàn mới trên chiến trường hiện đại. Tuy nhiên, giống như bao loại vũ khí trong quá khứ, rồi chúng sẽ bị khắc chế, sau đó lại tiếp tục tiến hóa trong dòng chảy lịch sử phát triển của chiến tranh cũng như công nghệ quân sự của nhân loại.

Thực tế này đã được chứng minh với chính chiếc tăng "rùa" được ứng dụng trên một chiếc xe tăng của Quân đội Nga với kết cấu giáp bảo vệ bao trùm toàn bộ bán cầu phía trên của xe. Chiếc T-72 đã hy sinh khả năng quay tháp pháo và cơ động để đổi lấy khả năng bảo vệ chống lại UAV tự sát tại mặt trận gần Krasnohorivka.

Tuy nhiên, sự nổi tiếng của "tăng rùa" trên các nền tảng mạng xã hội đã biến nó trở thành mục tiêu nhắm tới của Quân đội Ukraine.