Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh:
Xây dựng ASEAN vững mạnh là lợi ích chiến lược của Việt Nam
(Dân trí) - Theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, xây dựng một ASEAN đoàn kết vững mạnh là một lợi ích chiến lược của Việt Nam và Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2015: Quan điểm của các nước ASEAN và Việt Nam” được khai mạc tại Hà Nội sáng ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có cuộc trao đổi với báo giới về quan điểm của Việt Nam trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như thách thức và lợi ích của Việt Nam khi gia nhập cộng đồng này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh (Ảnh Nam Hằng)
Xin thứ trưởng có thể cho biết quan điểm của Việt Nam về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2015?
Chúng ta đều biết rằng xây dựng một ASEAN đoàn kết vững mạnh là một lợi ích chiến lược của Việt Nam và Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho việc này. Chủ trương của Việt Nam là tiếp tục đưa ASEAN phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa không chỉ tới 2015 mà còn ở những thập kỷ sau 2015.
Việt Nam mong muốn ASEAN phải vững mạnh cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội; ASEAN phải đoàn đoàn kết để phát huy được vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển khu vực.
Trong chặng đường hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam cũng phải chuẩn bị để làm sao chúng ta nhận thức rõ hơn về các tiêu chí của ASEAN, về những thuận lợi cũng như thách thức từ nay đến năm 2015 khi xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như tầm nhìn của ASEAN sau năm 2015.
Việt Nam tiếp tục đưa việc thực hiện các tiêu chí xây dựng Cộng đồng ASEAN vào chương trình nghị sự quốc gia. Mặc dù chúng ta là nước có trình độ phát triển kinh tế kém hơn, tham gia ASEAN chậm hơn nhưng chúng ta đã làm việc rất tích cực, theo đánh giá của Ban thư ký ASEAN, chúng ta đã hoàn tất được hơn 84% trong việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế ASEAN.
Theo ông, thách thức lớn nhất của Việt Nam khi ra nhập Cộng đồng ASEAN là gì và lợi ích lớn nhất của Việt Nam trong việc gia nhập này là gì?
Nói một cách cụ thể ASEAN đang hướng đến sự phát triển cao hơn về chất chính là ở 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Để hội nhập được với tiến trình này và để cùng tham gia đóng góp một cách chủ động và tích cực như Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị đã đề ra thì thực sự đây là một thách thức với Việt Nam. Vừa qua chúng ta làm tốt nhưng khi ASEAN phát triển cao hơn và song trùng với lợi ích của ta thì làm sao ta có thể đóng góp được ở mức cao hơn, đó là một thách thức mà tôi vừa nhấn mạnh về năng lực và nhận thức.
Hồi tháng 5 vừa qua, tôi có đọc thông tin tại một cuộc hội thảo người ta nói về tình hình chung của các nước ASEAN mà có lẽ cũng là ở Việt Nam là doanh nghiệp cho rằng việc xây dựng một thị trường thống nhất, Cộng đồng ASEAN, là rất quan trọng, nhưng có đến 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chưa biết rõ hết những lợi ích của cộng đồng ASEAN cũng như thách thức đặt ra.
Có lẽ thuận lợi lớn nhất khi ASEAN hướng tới cộng đồng là môi trường hòa bình ổn định và hợp tác phát triển.
Vai trò của vấn đề an ninh, hòa bình ở Biển Đông đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN là gì thưa ông?
Đặt câu chuyện Biển Đông trong vấn đề chính trị an ninh của ASEAN thì thấy rằng vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, gắn chặt với môi trường hòa bình an ninh ở khu vực Đông Nam Á, khu vực Đông Á và thậm chí ở toàn cầu, cho nên từ lâu nay ASEAN coi đây là mối quan tâm chung và rất nhiều nước ủng hộ điều này.
Biển Đông quan trọng như vậy cho nên lâu nay các nước đã có một cam kết đóng góp cho môi trường hòa bình an ninh ở đây và tranh chấp bằng chủ quyền lãnh thổ phải được giải quyết bằng tranh chấp hòa bình và khuôn khổ quan trọng nhất để giải quyết hòa bình đó là luật pháp quốc tế và công ước luật biển.
ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng hòa bình, an ninh. Một trong những nỗ lực đó mà ASEAN đã dành rất nhiều tâm huyết đó là Biển Đông cho nên mới có bộ quy tắc ứng xử DOC được ký giữa ASEAN và Trung quốc năm 2002 và ASEAN đang cùng các nước và đặc biệt là Trung Quốc, tiến hành đàm phán xây dựng bộ quy tắc ứng xử COC.
Ông có thể cho biết thách thức lớn nhất hiện nay để giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay là gì?
Thách thức lớn nhất là làm sao các quốc gia trong khu vực, các quốc gia có liên quan đến vấn đề Biển Đông thực hiện được một cách trách nhiệm nhất các cam kết đã đề ra đặc biệt là DOC và tuyên bố của cấp cao ASEAN Trung Quốc, kỷ niệm 10 năm tuyên bố DOC, được thông qua 2012 và sắp tới là đạt được bộ quy tắc COC.
Nam Hằng
(Ghi)