1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO xác nhận Triều Tiên hoàn toàn "sạch bóng" Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Triều Tiên đã làm xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 26.000 người và đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm nào, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận.

WHO xác nhận Triều Tiên hoàn toàn sạch bóng Covid-19 - 1
Triều Tiên đã cách ly và xét nghiệm hàng chục nghìn người nhưng chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào (Ảnh minh họa: Reuters).

Trong báo cáo tuần về tình hình Covid-19 toàn cầu công bố hôm nay 11/5, dẫn dữ liệu do Triều Tiên cung cấp, WHO cho biết, 751 người Triều Tiên được xét nghiệm Covid-19 trong khoảng thời gian từ 23-29/4, nâng tổng số người xét nghiệm tại nước này lên xấp xỉ 26.000. Đến nay, Triều Tiên chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào.

Trong số 751 trường hợp mới được xét nghiệm, 139 người có các triệu chứng giống như cảm cúm nhưng tất cả đều có kết quả âm tính và được xác định chỉ mắc bệnh hô hấp thông thường.

Trước đó, Triều Tiên nhiều lần khẳng định vẫn "sạch bóng" Covid-19 dù có đường biên giới chung với Trung Quốc - nơi bùng dịch đầu tiên trên thế giới. Bình Nhưỡng cho biết, ngay khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc, nước này đã có các biện pháp ứng phó nhanh chóng và nghiêm ngặt như kiểm soát chặt biên giới từ đầu năm ngoái, cách ly hàng chục nghìn người khi có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19. Đến nay, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi việc Triều Tiên chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào.

Tuy chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, nhưng việc đóng cửa biên giới cùng với các biện pháp phòng dịch khác được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của Triều Tiên do hoạt động giao thương với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng - bị gián đoạn.

Đầu tháng này, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cảnh báo mặc dù Triều Tiên chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, nhưng do tình hình dịch trên thế giới vẫn rất ảm đạm, người dân cần tiếp tục cảnh giác, thích nghi với thực tế dịch bệnh kéo dài bởi vắc xin không phải giải pháp triệt để.

Theo kế hoạch ban đầu, trong nửa đầu năm nay, Triều Tiên dự kiến tiếp nhận gần 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ chương trình chia sẻ vắc xin COVAX do Liên Hợp Quốc đứng đầu. Tuy nhiên, tháng trước, Edwin Salvador, đại diện của WHO về Triều Tiên, cho biết lô vắc xin này sẽ bị bàn giao chậm hơn do nguồn cung thiếu hụt.

Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019 và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Thế giới hiện ghi nhận gần 160 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 3,3 triệu người đã tử vong.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước ở khu vực châu Á, đang đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng, chủ yếu do sự xuất hiện của các biến chủng dễ lây lan hơn. Hiện WHO xếp 4 biến chủng vào diện "đáng lo ngại" gồm biến chủng từ Anh, biến chủng từ Nam Phi, biến chủng từ Brazil và biến chủng từ Ấn Độ. Các biến chủng đáng lo ngại là những biến chủng có khả năng lây lan cao hơn, độc lực cao hơn hoặc kháng vắc xin mạnh hơn.