Vì sao Triều Tiên phát triển vắc xin dù "sạch bóng" Covid-19?
(Dân trí) - Triều Tiên đang tham gia cuộc đua phát triển vắc xin phòng chống Covid-19 toàn cầu dù nước này chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào.
Triều Tiên cho biết nước này đang tham gia phát triển vắc xin Covid-19, một cuộc đua toàn cầu quy tụ những nhà khoa học hàng đầu thế giới và tiêu tốn hàng tỷ USD.
Nếu thông báo của Ủy ban Khoa học và Công nghệ Triều Tiên về việc phát triển vắc xin Covid-19 là chính xác, điều đó đồng nghĩa với việc nước này đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng những loại vắc xin được bào chế nội địa. Hiện vẫn còn tranh luận về việc Triều Tiên sẽ tiến hành giai đoạn thứ ba, liên quan tới thử nghiệm vắc xin trên người, như thế nào.
Theo Yonhap, việc bào chế vắc xin do một viện nghiên cứu về y sinh thuộc Viện Y học Triều Tiên dẫn đầu. Triều Tiên đã xác nhận khả năng miễn dịch và độ an toàn của vắc xin trên thông qua các cuộc thử nghiệm trên động vật.
Tuy nhiên, các nước dường như vẫn hoài nghi về tuyên bố phát triển vắc xin Covid-19 của Triều Tiên.
Cuộc đua phát triển vắc xin để phòng chống đại dịch khiến hơn 600.000 người thiệt mạng và 14,5 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu cho đến nay vẫn là một trong những thách thức khoa học công nghệ lớn nhất và cấp bách nhất mà thế giới phải đối mặt.
Cuộc đua này chắc chắn sẽ tiêu tốn lượng tiền khổng lồ và các quốc gia phải đầu tư mạnh tay để giành được thứ sẽ trở thành niềm tự hào dân tộc cũng như ưu thế khoa học.
Trong khi đó, Triều Tiên được cho là một trong những nước có hệ thống chăm sóc y tế gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều thập niên, Triều Tiên phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cung cấp vắc xin cho người dân. Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa công bố bất kỳ ca mắc Covid-19 nào tại nước này.
Tại sao một đất nước không có người nhiễm virus corona và đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn lại sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc và nguồn lực để phát triển vắc xin?
Theo CNN, câu trả lời không hề đơn giản. Nhưng đó có thể là sự kết hợp giữa nỗi sợ thực sự về đại dịch Covid-19 và nỗ lực nhằm thuyết phục người Triều Tiên rằng ông Kim Jong-un sẵn sàng đương đầu với thách thức và bảo vệ người dân của mình.
Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên coi Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng, với lý do chính đáng: Hầu hết các chuyên gia tin rằng hệ thống y tế của Triều Tiên sẽ nhanh chóng bị quá tải nếu dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều cơ sở y tế tại Triều Tiên được cho là chưa có nguồn điện hoặc nguồn nước ổn định. Thuốc men và thiết bị y tế cũng thường bị thiếu.
Năng lực xét nghiệm cũng là một vấn đề cần xem xét. Theo Edwin Salvador, đại diện của WHO tại Triều Tiên, tính đến đầu tháng 7, mới có 922 người trong tổng số 25 triệu dân Triều Tiên được xét nghiệm Covid-19.
Ông Salvador cho biết vào thời điểm khi dịch bắt đầu bùng phát, 25.551 người tại Triều Tiên đã được cách ly. 255 người, tất cả đều là công dân Triều Tiên, bị cách ly tính đến ngày 3/7.
Nhiều chuyên gia y tế vẫn tỏ ra hoài nghi khi Triều Tiên tuyên bố không có bất kỳ người nào mắc Covid-19, trong khi thế giới đã ghi nhận hơn 14,8 triệu ca nhiễm và hơn 613.000 ca tử vong. Covid-19 có khả năng lây lan rất mạnh và có thể dễ dàng xâm nhập vào Triều Tiên mà không bị phát hiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Triều Tiên dễ dàng ngăn chặn các ổ dịch lây lan, vì nước này có thể nhanh chóng áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mà các nước khác không thể làm được. Số lượng người nước ngoài, bao gồm khách du lịch, nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ, nhập cảnh vào Triều Tiên cũng chiếm số lượng ít, trong khi không nhiều người Triều Tiên xuất cảnh ra nước ngoài.
Theo nhiều nguồn tin, đại dịch Covid-19 dường như đã được kiểm soát tại Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi đầu tháng này nói rằng nỗ lực của Triều Tiên trong việc chống dịch đã đạt được “thành công rực rỡ”. Tuy nhiên, ông Kim cũng cảnh báo các quan chức Triều Tiên không được tự mãn vì cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu vẫn chưa suy giảm.
Ý nghĩa tuyên truyền
Hiện chưa rõ vắc xin được sản xuất trong nước sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược chống dịch của Triều Tiên - một quốc gia kín tiếng và bí ẩn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng thừa nhận rằng họ đang ở phía sau trong cuộc đua vắc xin toàn cầu.
Theo thống kê của WHO, tính đến ngày 15/7, hơn 140 vắc xin thử nghiệm được đánh giá tiền lâm sàng và 23 vắc xin đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Một số công ty dược phẩm lớn đứng sau các dự án nghiên cứu vắc xin Covid-19 thậm chí có giá trị cao hơn nền kinh tế Triều Tiên. Vì vậy xét về mặt tài chính, Triều Tiên sẽ gặp khó khăn nếu phát triển vắc xin.
Tuy nhiên, xét trên ý nghĩa tuyên truyền, bức tranh tổng thể sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Trong suốt nhiều thập niên, Triều Tiên từng là nơi có nền công nghiệp phát triển và công nghệ cao trên bán đảo Triều Tiên nhờ di sản của thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Hầu hết tài nguyên Nhật Bản muốn khai thác trên bán đảo Triều Tiên đều nằm ở phía bắc, đó là lý do họ xây nhiều nhà máy tại đây. Trong khi đó, cho tới chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nền kinh tế Hàn Quốc phía nam vẫn chủ yếu tập trung phát triển nông nghiệp.
Ngày nay truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn luôn xây dựng hình ảnh đất nước là cường quốc công nghệ toàn cầu nhờ sự lãnh đạo của gia đình Chủ tịch Kim và hệ tư tưởng tự lực tự cường Juche.
"Tài năng, khoa học và công nghệ là tài sản và vũ khí chiến lược của chúng ta", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết hồi tháng 6, đồng thời khẳng định những tài năng này khiến cả thế giới phải “ngưỡng mộ”.
Trong giai đoạn căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy hệ tư tưởng của Triều Tiên. Triều Tiên là một trong 8 quốc gia trên thế giới từng thử vũ khí hạt nhân.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng có xu hướng tập trung vào những lĩnh vực mà Triều Tiên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là an ninh năng lượng và thực phẩm.
Tuần trước, KCNA đưa tin các nhà khoa học Triều Tiên đã phát triển giống khoai tây mới và nhân giống 10 loại rau mới "ngon" và "năng suất cao". Hồi tháng 6, KCNA cũng đưa tin về đập thuỷ điện "hàng đầu thế giới" của Triều Tiên, những tiến bộ mới trong việc nuôi cá hồi cầu vồng, nhân giống loài cá vàng mới, phát triển công nghệ mới tại nhà máy bia Taedonggang và sản xuất loại đèn cực tím mới tốt hơn so với hàng nhập khẩu.
Tất nhiên, việc bào chế vắc xin Covid-19 có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với bất kỳ lĩnh vực nào kể trên. Cho đến chiều 20/7, KCNA vẫn chưa thông báo chính thức về các nỗ lực phát triển vắc xin của Triều Tiên, mà chỉ có một tuyên bố duy nhất thông báo về kế hoạch này đăng trên một trang web của chính phủ.
Triển vọng phát triển vắc xin Covid-19 được cho là công cụ tuyên truyền hiệu quả để giới chức Triều Tiên có thể chứng minh được năng lực của mình trong việc bảo vệ người dân.