Washington tố Nga và Trung Quốc định diệt vệ tinh quân sự Mỹ
(Dân trí) - Một tướng Không quân Mỹ cho rằng, Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch tấn công các vệ tinh quân sự của Mỹ bằng tên lửa, tàu vũ trụ và thậm chí là tia laser.
Thông tin trên được ông John Hyten, người đứng đầu Trung tâm chỉ huy Không gian Không quân Mỹ, đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy quân Quân lực Hạ viện ngày 16/3.
Trang tin Washington Free Beacon dẫn phát biểu của ông Hyten cho biết, các nước như Nga, Trung Quốc muốn kiểm soát hệ thống không gian của Mỹ và mối đe dọa giờ hiện đã lên mức đỉnh điểm.
“Họ đang phát triển những loại vũ khí và công cụ không gian mới để tấn công và phá hủy khả năng ngoài không gian của chúng ta. Họ biết rằng Mỹ phụ thuộc lớn vào không gian, và họ cũng hiểu được những lợi thế cạnh tranh mà chúng ta có được từ đó”, ông Hyten nói.
Viên tướng này cũng cho biết thêm, một trung tâm chỉ huy quân sự mới của Mỹ đang giám sát các mối đe dọa đối với vệ tinh của nước này trước các cuộc tấn công bằng tên lửa, hay từ các vệ tinh bí mật hoặc các súng laser mặt đất.
Phát biểu tại phiên điều trần, Trung tướng David Buck cũng cho rằng Nga và Trung Quốc hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh không gian của Mỹ.
Thực tế, đợt thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh năm 2007 và đầu năm 2013 của Trung Quốc đã cho thấy Bắc Kinh có thể tấn công các vệ tinh ở tầng thấp bằng tên lửa.
Ông Buck cho rằng, Trung Quốc đang phát triển hàng loạt công nghệ tấn công không gian có thể tấn công phá hủy vệ tinh, hay tạo ra thiết bị làm nhiễu sóng liên lạc, và dùng laser để gây mù, vô hiệu hóa các vệ tinh. “Hơn nữa, họ tiếp tục hiện đại hóa các chương trình không gian để hỗ trợ việc theo dõi vật thể theo thời gian thực và củng cố năng lực tấn công chính xác tầm xa”, ông Buck nói.
Những bình luận này xuất hiện giữa lúc Mỹ đang phác thảo các kế hoạch nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai nhằm vào các vệ tinh của Mỹ.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm về chính sách không gian, ông Douglas Loverro, cho rằng bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào vệ tinh của Mỹ sẽ bị đáp trả bằng các cuộc tấn công hoặc trên mặt đất hoặc trong không gian mạng. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết về kế hoạch này.
Vệ tinh có vai trò đặc biệt quan trọng với Mỹ trong việc xác định mục tiêu, đưa ra cảnh báo tên lửa hay thu thập thông tin về khí tượng cho quân đội Mỹ.
Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ hiện có ít nhất 500 vệ tinh, chiếm một nửa số vệ tinh của cả thế giới. Trong đó, ít nhất 100 vệ tinh ưu tiên phục vụ mục đích quân sự.
Trong quỹ đạo hiện nay, ngoài các vệ tinh thông thường còn rất nhiều vệ tinh “ẩn mình” sẵn sàng chờ lệnh để tấn công, phá hủy vệ tinh khác.
Minh Phương
Theo Dailymail