1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Washington khuyên hàng không Mỹ tuân thủ vùng phòng không Trung Quốc

(Dân trí) - Chính quyền Obama ngày 29/11 đã khuyên các hãng hàng không thương mại tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không mà nước này tự thiết lập ở biển Hoa Đông, dù Washington không công nhận nó.

Tờ

Tờ New York Times đưa tin, chỉ ít giờ sau khi Trung Quốc điều các máy bay chiến đấu để thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh tự lập ra hôm 23/11, chính quyền Obama đã quyết định khuyên các hãng hàng không dân sự tuân theo yêu cầu của Trung Quốc về việc thông báo trước kế hoạch bay.

Trong khi Mỹ vẫn "phớt lờ" Trung Quốc khi điều các máy bay quân sự vào khu vực mà không thông báo trước, giới chức chính phủ cho hay họ khuyên các máy bay dân sự làm vậy vì lo ngại về một sự đối đầu không lường trước được.

Mặc dù giới chức Mỹ nói rõ rằng Washington phải đối tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh về ADIZ, lời khuyên đối với các hãng hàng không dân sự bay qua khu vực có thể được xem là một sự nhượng bộ đối với Trung Quốc.

"Chính phủ mong muốn các hãng hàng không Mỹ hoạt động ở nước ngoài sẽ tuân thủ các yêu cầu thông báo do các quốc gia nước ngoài đưa ra", Bộ ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng "điều đó không có nghĩa là chính phủ Mỹ chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc".

"Vì các lý do an toàn, chúng tôi khuyên họ tuân thủ việc thông báo, điều mà Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng luôn khuyên các hãng hàng không nên làm", một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ nói thêm.

Tuyên bố trên phản ánh lo ngại của Washington rằng sự giằng co giữa hai bên có thể gây ra những hệ quả bất ngờ liên quan tới không chỉ các binh sĩ mà còn cả các dân thường vô tội.

Lời khuyên trên cũng cho thấy sự thay đổi lập trường so với 2 ngày trước, khi Bộ ngoại giao Mỹ khuyến cáo tất cả các hãng hàng không nước này cần áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bay qua biển Hoa Đông, nhưng không nhắc tới chuyện khuyên họ tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc.

Trái với lập trường của Nhật
 
Quyết định trên của Washington trái ngược với tuyên bố của của chính phủ Nhật Bản hồi đầu tuần này, khi Tokyo yêu cầu các hãng hàng không ngừng tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Nhật lo ngại rằng việc tuân thủ các quy định của Bắc Kinh có thể làm gia tăng tính hợp pháp do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bên dưới ADIZ.

Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là JAL và ANA sau đó đã tuyên bố "phớt" các quy định mà Bắc Kinh đưa ra đối với ADIZ.

Hôm nay 30/11, phản ứng về sự nhượng bộ của Mỹ, một quan chức Bộ ngoại giao Nhật nói: "Chúng tôi không bình luận về những điều mà các nước khác đang làm liên quan tới việc thông báo kế hoạch bay".

Hiện chưa rõ liệu chính quyền Obama có thông báo trước cho Nhật Bản, một đồng minh thân thiết trong khu vực, về quyết định của mình hay không.

Quyết định của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ một số quan chức. Stephen Yates, một cựu cố vấn về châu Á cho Dick Cheney thời ông này còn làm Phó tổng thống Mỹ, cho hay việc Mỹ có lập trường khác là một "động thái tồi tệ", có thể ảnh hưởng tới các đồng minh trong khu vực.

"Chúng ta nên hành động phù hợp với cách tiếp cận của họ", ông Yates nói.

Nhưng Strobe Talbott, cựu Thứ trưởng ngoại giao dưới thời Bill Clinton và giờ là chủ tịch Viện Brookings, cho rằng điều quan trọng là phải tránh rủi ro, trong khi vẫn giữ lập trường cứng rắn. "Cái chính là cần phải làm rõ ràng các tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết thông qua ngoại giao, chứ không phải hành động đơn phương", ông nói.

Do các máy bay bay quá nhanh và ở cự ly gần, chính quyền Mỹ ngày càng lo ngại rằng một tai nạn hoặc một cuộc đối đầu không lường trước được có thể khiến tình hình ở nên vượt ra khỏi sự kiểm soát.

Một vụ va chạm trên không giữa một máy bay chiến đấu Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc hồi năm 2001 đã khiến một phi công máy bay chiến đấu Trung Quốc thiệt mạng, và buộc máy bay do thám Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Vụ việc đã gây ra một vụ căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước cho tới khi Bắc Kinh thả các phi công Mỹ và gửi trả lại chiếc máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh.

An Bình
Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm