Washington D.C – "Thủ đô tội ác" mới của nước Mỹ
Washington D.C - trái tim của “miền đất hứa” Hoa Kỳ không hoàn toàn bình yên như người ta vẫn tưởng.
Tờ nhật báo uy tín The Washington Post vừa đưa ra một “bảng so sánh” đáng buồn, cho thấy thành phố Chicago ở tiểu bang Illinois nổi danh như là “thủ đô tội ác” của nước Mỹ, đã chịu “nhường bước” cho thủ đô Washington về con số các vụ án mạng, nhất là những vụ có liên quan tới ma túy.
Trong cả năm 2015 vừa qua, tại Washington D.C với số dân 672.000 người có 392 vụ án mạng; trong khi Chicago với 2,7 triệu dân có 945 vụ. Như vậy có thể thấy ở Washington có 59,42 người bị giết trên mỗi 100.000 dân.
Tờ Los Angeles Times cho biết thêm: “Tuổi của các hung thủ và nạn nhân xấp xỉ như nhau, đều ở trong lứa trung bình từ 19 đến 31 tuổi. Trong 10 người bị giết, có 8 người là nam giới; còn trong 10 kẻ bị tình nghi là thủ phạm, có tới 9 tên là đàn ông. Trong giới trẻ da màu của thủ đô Mỹ, nạn bạo lực tăng cao tới một tỷ lệ đáng sợ: cứ 10 người bị giết tại Washington D.C trong năm qua, có tới 4 người là dân da màu ở độ tuổi 18 - 29”.
Trong những năm gần đây, sự phân hóa xã hội cùng những thay đổi khác đã làm biến dạng thành phố một thời từng là biểu tượng của “trung tâm quý tộc”.
Điều dị thường trước hết phát sinh từ tầng lớp có thu nhập cao. Họ là những nhà giàu mới di cư tới Washington D.C: các thành viên trong Chính phủ và Quốc hội, giới chính khách cầm đầu các đảng phái, các tỉ phú, cánh lái buôn hùng mạnh, giới ngoại giao, công chức, luật sư, các nhà sản xuất những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ nhất…
Hay nôm na là những người có “mối liên quan mật thiết” đến đời sống chính trị của đất nước, mà trọng tâm là thủ đô Washington D.C.
Điều dị thường thứ 2: Washington là một trong những thành phố lớn ở Mỹ có tỷ lệ người da đen cao nhất, chiếm tới 70% số dân, nhưng mức sống của sắc dân đa số này lại thấp hơn hàng chục lần so với người da trắng. Vì vậy trong thời gian gần đây nổi lên một hiện tượng mới: người da trắng đổ xô về phần tây bắc thành phố, tạo thành một “lãnh địa” khổng lồ riêng của họ, với những chuỗi biệt thự mênh mông cùng lực lượng cảnh sát tư. Còn người da màu tha hồ “lộng hành” trong những phần đất còn lại, với những công việc giản đơn cùng mức thu nhập thấp.
Trong bối cảnh như vậy, ma túy cũng là một nguyên nhân nữa làm căng thẳng thêm sự đối kháng - xung đột xã hội. Cocaine, heroin và nhiều loại á phiện khác với chất lượng cùng giá cả khác nhau ngày càng được nhiều người ưa sử dụng: từ các tỉ phú “rửng mỡ” tới những kẻ cùng đinh chán chường. Họ chính là các “khách hàng ổn định” cho nạn buôn lậu thuốc phiện thêm sinh sôi nảy nở.
Một bản sơ đồ công bố trên tờ The Washington Post trong số ra mới đây đã chỉ ra chí ít là 90 điểm trong thành phố - những chỗ đã trở thành các chợ công khai bán đủ mọi loại thuốc phiện khác nhau. Các “khu chợ” kiểu này được bố trí theo cách: quan sát được từng đoàn xe của đám “thực khách” từ xa, đồng thời có thể phát tín hiệu báo động một khi nghi có cảnh sát.
Các chiến dịch rầm rộ của lực lượng Bài trừ ma túy DEA đều “chào thua” các tụ điểm này. Tội ác cũng tăng lên tương ứng với tệ buôn bán thuốc phiện lậu. Nhưng những “ngôi chợ” kiểu trên không có trong khu của người da trắng. Khách hàng nơi này thường “thích” nhận hàng tại nhà hay ở các công sở hơn.
Theo nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Peter Reuter, người chuyên nghiên cứu sự phổ biến ma túy tại Washington D.C dưới con mắt một nhà kinh doanh thuần túy, thì :“Vấn đề chính là ở chỗ: một thị trường bột phát với mức lợi nhuận quá lớn, nhưng lại không tuân thủ luật lệ thương mại chung. Vì vậy sự chém giết - thanh trừng là một trong những phương cách để “điều tiết thị trường”, một lối cạnh tranh tàn khốc nhất. Các băng nhóm thuốc phiện được cầm đầu bởi những kẻ biết khi nào cần phải sử dụng vũ lực. Ví như việc bắn thẳng vào cảnh sát là điều nên hết sức tránh, bởi sẽ “khơi mào” cho những chiến dịch săn lùng ráo riết, làm giảm “sức cung - cầu” trên thị trường”, chuyên viên kinh tế P. Reuter lạnh lùng giải thích.
Còn theo lời ông Reed Tuckson, cố vấn về các vấn đề sức khỏe cộng đồng của Tòa thị chính Washington D.C, trong bài trả lời cuộc phóng vấn gần đây trên Đài truyền hình CBS: “Nạn tội ác gia tăng song hành với tệ buôn bán thuốc phiện, ma túy là những dấu hiệu của một xã hội ốm yếu. Căn bệnh trầm kha là sự thiếu tình thương, mất tính người và tính nhân bản trong cộng đồng. Đây là mặt trái của “tấm gương” Washington D.C - “thủ đô tội ác” mới của nước Mỹ!”.
Theo Q. Phú/The Observer
An ninh thế giới