1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vượt mọi biến chủng, Delta vẫn thống trị toàn thế giới

Thanh Thành

(Dân trí) - Giới khoa học cho biết, các biến chủng mới xuất hiện và được cảnh báo "đáng quan tâm" như Mu và Lambda cũng không có khả năng thay thế vị trí thống trị đáng sợ lâu nay của Delta.

Vượt mọi biến chủng, Delta vẫn thống trị toàn thế giới - 1

Biến chủng Delta chiếm 99% các ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ (Ảnh: AAP).

Thế giới đã ghi nhận nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Một số chủng được cảnh báo nguy hiểm và lây lan nhanh, như Delta, dần dần trở thành chủng virus thống trị toàn cầu.

Trong khi chủng Delta làm tăng đáng kể tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều quốc gia, một số biến thể khác hạn chế ở một khu vực nhỏ hơn, không gây ra bất kỳ vụ bùng phát lớn nào.

Báo Wall Street Journal mới đây dẫn lời các nhà khoa học cho biết, các biến chủng mới xuất hiện và được cảnh báo đáng ngại như Mu và Lambda cũng không có khả năng thay thế vị trí thống trị đang sợ lâu nay của Delta.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Nextstrain, một dịch vụ theo dõi mầm bệnh mã nguồn mở, chủng Delta chiếm 99% các ca nhiễm mới ở Mỹ và khoảng 88% trên toàn cầu. Các nhà virus học dự báo, Delta sẽ vượt qua các biến chủng mới bao gồm Lambda và Mu trong "cuộc săn lùng" những người dễ bị lây nhiễm Covid-19.

Các nhà khoa học cảnh báo làn sóng dịch mới có thể do chủng Delta và các biến chủng phụ của nó gây ra chứ không phải là một dòng virus mới. Đó là bởi vì Delta đã phát triển để có thể lây nhiễm nhanh và mạnh đến mức các biến chủng khác không thể theo kịp.

Trevor Bedford, nhà virus học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, cho biết: "Cho đến nay chưa có biến chủng nào có thể cạnh tranh được với Delta". Tiến sĩ Bedford nói rằng, chủng Delta, theo quỹ đạo lây nhiễm hiện tại của nó, đã đạt đến mức lây nhiễm "cố định" - tức là chủng virus thống trị trong vòng gần 1 năm kể từ khi xuất hiện, một sự gia tăng nhanh chóng bất thường. Với virus cúm mùa, các chủng virus thường mất từ 2-3 năm để làm được như vậy.

Một tin tốt là Delta thống trị nhưng dường không gây ra tình trạng nhiễm bệnh nặng hơn so với các biến chủng trước đó và các vắc xin hiện hành vẫn có hiệu quả chống lại nó. "Với sự lây lan của chủng Delta, chúng ta ngày càng xây dựng được khả năng miễn dịch", tiến sĩ Bedford nói.

Hai biến chủng Lambda và Mu xuất hiện lần đầu ở Nam Mỹ, lục địa duy nhất mà Delta không chiếm ưu thế. Chủng Lambda hoành hành ở Peru và có thời điểm chiếm tới 92% ca nhiễm ở nước này trước khi giảm dần. Nhưng Lamda lại không phổ biến ở Mỹ. Các ca nhiễm chủng Mu đầu tiên, còn được gọi là B.1.621, được xác định ở Colombia vào tháng 1 và nhanh chóng thống trị ở quốc gia này. Kể từ đó, Mu đã lan rộng đến gần 50 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và chiếm 0,1% các nhiễm mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định Mu là "biến thể quan tâm" vào ngày 30/8.

Nhưng kể từ khi thống trị ở Colombia, Mu bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Trong 9 tháng qua, Delta chiếm dần hơn 7% ca nhiễm ở Colombia, cạnh tranh với Mu và một biến chủng khác được gọi là Gamma vốn gần như đã biến mất, theo Nextstrain.

Một số nhà virus học tin rằng, chủng Delta đã tiến hóa để tối đa hóa khả năng lây nhiễm và khả năng lây lan nhanh chóng của nó cuối cùng sẽ đạt mức trần khi ngày càng nhiều người trên thế giới được tiêm chủng.

Jeremy Kamil, nhà virus học tại Đại học Y tế Shreveport ở bang Louisiana hiện đang nghiên cứu di truyền của virus corona, cho biết: "Có vẻ như chủng Delta đã đạt đến đỉnh điểm về tốc độ lây nhiễm và vì vậy tôi nghĩ nó không thể lây lan nhanh hơn nữa".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm