1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vùng phòng không ở Biển Đông "quan trọng với Trung Quốc về lâu dài"

(Dân trí) - Việc thiết lập một vùng phòng không thứ 2 - lần này là ở Biển Đông - nằm trong lợi ích lâu dài của Trung Quốc, một nhà nghiên cứu cấp cao của quân đội Trung Quốc ngày 21/2 cho biết.

Các chiến hạm Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông tháng 3/2013.

Các chiến hạm Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông tháng 3/2013.

Đại tá Li Jie, từ Học viện quân sự hải quân Trung Quốc, đã cho biết như vậy khi nói về các bình luận gần đây của một quan chức quân đội Mỹ về kế hoạch của Trung Quốc nhằm lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Ông Li cho hay các bình luận của một quan chức tình báo cấp cao Mỹ hồi tuần trước về ý định của Trung Quốc nhằm tuyên bố ADIZ ở Biển Đông là nhằm ngăn chặn Bắc Kinh thực hiện hành động tương tự.

Đại tá James Fanell, giám đốc các chiến dịch tình báo và thông tin của Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông vào cuối năm 2015.

Hồi năm ngoái Trung Quốc đã tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, nơi nước này vướng vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh yêu cầu tất cả các máy bay đi qua khu vực phải khai báo, nếu không sẽ đối mặt với biện pháp trả đũ.

Một phát ngôn viên Lầu năm góc cho biết những bình luận của ông Fanell là quan điểm cá nhân. Sự bác bỏ này diễn ra khi Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, Tướng Ray Odierno, tới thăm Bắc Kinh, nơi ông có cuộc gặp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy.

Ông Li cho rằng việc Lầu năm góc nói không liên quan tới các bình luận của ông Fanell là mang tính chiến thuật.

"Đó là một chiến lược ngoại giao điển hình của Mỹ. Washington rất lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, vốn có liên quan tới các lợi ích chiến lược của Mỹ", ông Li nói.

"Việc thiết lập một ADIZ khác ở Biển Đông là cần thiết cho các lợi ích quốc gia lâu dài của Trung Quốc", ông Li nói thêm.

Ông Li nói còn quá sớm để dự đoán rằng khi nào ADIZ ở Biển Đông sẽ được công bố. Các chuyên gia quan hệ quốc tế cho hay Trung Quốc không có ý chọc giận các quốc gia láng giềng bằng một ADIZ khác. Nhưng các căng thẳng ở Biển Đông sẽ không lắng dịu. Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Emmanuel Bautista ngày 20/2 đã cam kết bảo vệ các ngư dân nước này khỏi bất kỳ "sự hăm họa hay bắt nạt" nào của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Fanell cho hay Trung Quốc đã luyện tập về một cuộc “tấn công chớp nhoáng” chống lại Nhật Bản trên biển Hoa Đông nhằm chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

"Chúng tôi đã theo dõi cuộc diễn tập tấn công và đổ bộ lớn của Trung Quốc mang tên Sứ mệnh hành động 2013 và kết luận rằng quân đội Trung Quốc đã được giao một nhiệm vụ mới: có thể thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng tiêu diệt lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên biển Hoa Đông", ông Fanell nói.

Một cuộc chiến như vậy có thể dẫn tới việc đánh chiếm quần đảo đang tranh chấp, Đại tá Fanell nói thêm.

Nhưng chuyên gia quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải thanh minh rằng cuộc diễn tập không cho thấy Trung Quốc có bất kỳ kế hoạch nào nằm giành lại Senkaku/Điếu Ngư bằng vũ lực.

"Cả quân đội Trung Quốc và lực lượng phòng vệ Nhật đều có các kế hoạch giành lại đảo khác nhau, vốn chỉ là các cuộc diễn tập thông thường", ông Ni nói.

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm