“Vua của các loại bom” thời Liên Xô
Thiếu tá Andrei Durnovtsev, một phi công thời Xô viết và là chỉ huy của một chiếc máy bay ném bom Tu - 95 Bear, đã nắm giữ một vinh dự trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.
Một quả bom hạt nhân thời Liên Xô
Durnovtsev đã điều khiển chiếc máy bay thả quả bom hạt nhân có uy lực lớn nhất từ trước tới nay trong một vụ thử nghiệm. Quả bom này có sức công phá tương đương 50 megaton (50 triệu tấn thuốc nổ), gấp 3.000 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Trong những năm qua, các nhà sử học đã đặt nhiều cái tên cho quả bom thử nghiệm này. Andrei Sakharov, một trong những nhà vật lý góp phần thiết kế quả bom trên, đã gọi nó là "Big Bomb" (Bom khổng lồ), trong khi Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev gọi nó là "mẹ của Kuzka", một câu nói cổ của Nga có nghĩa là bạn muốn dạy ai đó một bài học nghiêm khắc, khó quên. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thì định danh quả bom thử nghiệm trên là "Joe 111". Nhưng có một cái tên được sử dụng rộng rãi và là niềm tự hào của Nga, đó là “Tsar Bomba” hay "Vua của các loại bom”.
Alex Wellerstein, nhà sử học tại Viện Công nghệ Stevens, nói: "Thuật ngữ này chưa xuất hiện cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trước đó, nó chỉ được gọi là quả bom 50 megaton hay 100 megaton. Tôi nghĩ hiện nay chúng ta đã tạo ra nhiều ‘Tsar Bomba’ hơn bất cứ thời điểm nào ngay sau giai đoạn nó được thử nghiệm. Người Mỹ thích coi đó là một ví dụ về việc Chiến tranh Lạnh đã diễn ra ‘điên khùng’ như thế nào, trong khi người Nga tự hào về nó".
Ngày 30/10/1961, chiếc máy bay chở Durnovtsev và phi hành đoàn của ông đã cất cánh từ một sân bay trên bán đảo Kola và bay đến khu vực thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô trên Vòng Bắc cực tại Vịnh Mityushikha, thuộc quần đảo Novaya Zemlya.
Đồ họa giả tưởng một vụ nổ bom hạt nhân trong thành phố
Các nhà khoa học thuộc chương trình thử nghiệm này đã sơn chiếc máy bay ném bom Tu - 95 Bear màu trắng để hạn chế thiệt hại do nhiệt từ xung nhiệt của quả bom. Quả bom cũng được gắn một chiếc dù để làm giảm tốc độ rơi, giúp cho máy bay có thời gian thoát ra khỏi vị trí thả bom khoảng 50km trước khi vụ nổ hạt nhân xảy ra. Điều này giúp cho Durnovtsev và phi hành đoàn an toàn trong vụ thử nghiệm.
Khi máy bay tới vị trí được xác định trước, ở độ cao khoảng 10km, Durnovtsev ra lệnh thả bom. Vụ nổ đã tạo ra một quả cầu lửa rộng khoảng 8km. Xung lực của nó khiến cho Tu - 95 Bear hạ thấp độ cao gần 1km trước khi Durnovtsev kiểm soát lại được chiếc máy bay của mình.
Vụ nổ đã phá vỡ các cửa sổ cách xa hơn 800km. Các nhân chứng nhìn thấy một tia sáng xuyên qua đám mây đen bao phủ khoảng 1km từ vị trí vụ nổ. Xung nhiệt của vụ nổ đốt cháy lớp sơn của chiếc máy bay ném bom. Và đó chỉ là phần nhỏ so với kế hoạch ban đầu của Liên Xô.
Các nhà thiết kế ban đầu dự định thử quả bom có công suất 100 megaton. Nhưng những lo ngại về bụi phóng xạ khiến các nhà khoa học Nga quyết định giảm công suất của quả bom xuống một nửa. Điều thú vị là, “Tsar Bomba” là một trong những vũ khí hạt nhân "sạch nhất" từng phát nổ, vì thiết kế của quả bom đã loại bỏ 97% bụi phóng xạ tiềm năng.
Ngoài ra, kích thước của quả bom này cũng rất “khủng”. Nó dài 8m, có đường kính khoảng 2m và nặng hơn 60.000 kg - một kích thước quá lớn, thậm chí rất khó để đặt nó vào khoang chứa bom của máy bay Tu - 95 Bear.
“Tsar Bomba” là quả bom khổng lồ, nên người ta phỏng đoán rằng nó không bao giờ có thể trở thành thứ vũ khí thực tế được triển khai trên một máy bay ném bom của Liên Xô trong cuộc đối đầu với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Bởi vì với khoảng cách từ Liên Xô sang Mỹ, việc loại bỏ các thùng nhiên liệu trên thân máy bay để chứa bom cùng với trọng lượng rất lớn của quả bom đồng nghĩa với việc Tu - 95 Bear sẽ không đủ nhiên liệu để thực hiện sứ mệnh của mình, ngay cả khi được tiếp nhiên liệu trên không. Tuy nhiên, CIA cũng đã điều tra xem liệu Liên Xô có lên kế hoạch đặt đầu đạn hạt nhân tương tự trên một tên lửa đạn đạo liên lục địa siêu mạnh mà có thể tấn công các thành phố của Mỹ hay không.
Vào cuối những năm 1950 và đầu 1960, Mỹ đã triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung như Thor ở Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, và tên lửa John&Matador Honest ở Tây Đức hướng vào Liên Xô. Khoảng cách bay ngắn hơn đối với những tên lửa trên có nghĩa là chúng có nhiều cơ hội trong việc mang đầu đạn hạt nhân tấn công hiệu quả các mục tiêu. Trong khi đó, các vũ khí hạt nhân của Nga ở cách xa mục tiêu hơn, vì vậy cơ hội đánh trúng mục tiêu thấp hơn.
Trong khi đó, hãy tưởng tượng thiệt hại mà một quả “Tsar Bomba” 100 megaton có thể gây ra đối với thành phố Los Angeles (Mỹ), nếu nó phát nổ ngay phía trên toàn nhà Bank Tower, tòa nhà cao nhất ở phía tây sông Mississippi. Một vụ nổ ở độ cao hơn 4 km so với mặt đất sẽ tạo ra một quả cầu lửa hạt nhân rộng hơn 3 km2, với sức nóng lớn hơn nhiệt độ bề mặt của mặt trời, biến bê tông và thép của tòa nhà chọc trời trên thành tro bụi.
Trong phạm vi 8 km2 dưới mặt đất, tất cả những người không bị chết bởi vụ nổ và nhiệt cũng có thể bị giết vì bức xạ năng lượng cao. Ở phạm vi hơn 32km, xung lực sẽ phá hủy tất cả các tòa nhà. Tóm lại, một đầu đạn “Tsar Bomba” sẽ phá hủy hoàn toàn thành phố Los Angeles.
Năm 1963, Thủ tướng Khrushchev cho biết Liên Xô đã sở hữu một quả bom 100 megaton và nó được triển khai tới Đông Đức. Đối với Sakharov, kinh nghiệm chế tạo và thử nghiệm “Tsar Bomba” đã thay đổi cuộc sống của ông, khiến ông phải từ bỏ nghiên cứu về các loại vũ khí. Nhưng ngay sau khi thả thành công một quả bom “Tsar Bomba” thử nghiệm, Không quân Liên Xô đã phong cho ông cấp hàm trung tá. Ngoài ra, ông đã nhận được Huy chương Anh hùng Liên Xô, vinh dự cao nhất do Nhà nước trao tặng.