Vụ tai nạn giao thông làm tê liệt thành phố 18 triệu dân
Chính phủ Bangladesh hôm 6-8 cam kết cân nhắc án tử đối với hành vi lái xe ẩu gây tai nạn chết người nhằm xoa dịu đám đông biểu tình liên quan đến vụ việc 2 học sinh bị xe buýt chạy ẩu tông chết.
Trước đó, vào ngày 29-7 tại thủ đô Dhaka, một chiếc xe buýt chạy ẩu đã làm 2 học sinh, 1 nam 1 nữ, thiệt mạng. Theo BBC, tài xế xe buýt nhiều khả năng bị mất lái trong lúc "đua" với một chiếc xe buýt khác để đón hành khách.
Vụ việc này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội trước khi các cuộc biểu tình của hàng chục ngàn học sinh – sinh viên nổ ra, khiến thành phố 18 triệu dân nói trên bị tê liệt suốt 9 ngày qua. Mục đích ban đầu của các cuộc biểu tình là kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp cải thiện an toàn giao thông đường bộ.
Cuộc biểu tình thu hút hàng chục ngàn học sinh - sinh viên tham gia, khiến thủ đô Dhaka tê liệt suốt 9 ngày qua. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ôn hòa nhanh chóng chuyển sang bạo lực. Kể từ ngày 29-7, đám đông biểu tình đã đốt 8 chiếc xe buýt. Cảnh sát khẳng định họ buộc phải trấn áp mạnh tay vì sự quá khích của những người biểu tình.
Trong các cuộc đụng độ diễn ra vào ngày 6-8 ở khu vực Rampura thuộc thủ đô Dhaka, cảnh sát đã xịt khí cay để giải tán hàng trăm sinh viên đến từ một trường đại học tư nhân. Cảnh sát trưởng địa phương Rafiqul Islam giải thích "nhóm sinh viên này muốn đốt một trại cảnh sát vì thế, chúng tôi buộc phải xịt hơi cay".
Trong khi đó, nhiều sinh viên khẳng định cảnh sát bắn đạn cao su vào đám đông biểu tình ở một khu vực có 2 trường đại học tư nhân tọa lạc. Cũng theo những sinh viên này, tổ chức sinh viên Bangladesh Chhatra League (BCL), trung thành với đảng cầm quyền Awami League, đã tấn công người biểu tình bằng gậy và gạch đá.
Đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Ảnh: EPA
"Tình huống rất tồi tệ. Chúng tôi phải đưa ít nhất 3 sinh viên đến bệnh viện Apollo gần đó" – một sinh viên tên Z. Mallick cho biết.
Hôm 4-8, xe chở đại sứ Mỹ Marcia Bernicat đã bị một nhóm vũ trang tấn công nhưng may mắn là vị này thoát được và không bị thương, theo Đại sứ quán Mỹ.
Đến ngày 5-8, hàng chục người biểu tình bị tấn công bởi những người có vũ trang được cho là theo lệnh của đảng cầm quyền. Vụ việc khiến hàng chục người bị thương, trong đó có 6 phóng viên ảnh.
Đám đông biểu tình chặn các tuyến đường. Ảnh: EPA
Theo sinh viên và các bác sĩ, kể từ khi cuộc biểu tình chuyển sang bạo lực vào ngày 4-8 ở thủ đô Dhaka, hơn 100 người đã bị thương. Việc sử dụng bạo lực nhắm vào đám đông biểu tình đã bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các nhóm nhân quyền chỉ trích. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi chính phủ Bangladesh ngưng việc "đàn áp bạo lực" nhắm vào "những học sinh – sinh viên ôn hòa".
Chính phủ Bangladesh đã cam kết cân nhắc cải cách an toàn giao thông đường bộ nhằm giải quyết những nỗi bất an của học sinh – sinh viên.
Tuy nhiên, họ khẳng định họ muốn các cuộc biểu tình chấm dứt ngay lập tức. Thủ tướng Sheikh Hasina đã kêu gọi đám đông biểu tình về nhà.
Theo Cao Lực
Người Lao Động