1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ phóng tên lửa thành công có ý nghĩa gì với Ấn Độ?

(Dân trí) - Sự kiện Ấn Độ hôm nay phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V, có thể vươn tới mọi vị trí trong lãnh thổ Trung Quốc, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho nước này cả về khoa học, quốc phòng cũng như sức mạnh răn đe.

 

Vụ phóng tên lửa thành công có ý nghĩa gì với Ấn Độ?
Ảnh do Bộ Quốc phòng Ấn Độ phát hành cho thấy tên lửa Agni-V được phóng đi từ đảo Wheeler của bang Odisha ở Đông bộ Ấn Độ, thẳng vào mục tiêu của nó trong vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương, ngày 19/4/2012.



Như Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết trong tuyên bố sau khi vụ phóng tên lửa được thực hiện: “Tôi chúc mừng tất cả các nhà khoa học và các nhân viên kỹ thuật của DRDO (Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ) và các tổ chức khác, những người đã làm việc không biết mệt mỏi để nỗ lực củng cố sự phòng thủ và an ninh của đất nước chúng ta. Vụ phóng thử thành công Agni-V ngày hôm nay đã tạo ra một cột mốc quan trọng nữa trong công cuộc củng cố lòng tin đối với cơ quan an ninh và tính sẵn sàng của chúng ta và khám phá không ngừng các mặt trận khoa học. Đất nước cùng sát cánh để vinh danh cộng đồng khoa học”.

 

Không cần phải nghi ngờ, tên lửa Agni-V đã tạo ra bước đột phá lớn về công nghệ cho các nhà khoa học tên lửa Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng sẽ phải cần nhiều vụ thử nữa trước khi Agni-V có thể được xem là vũ khí phòng thủ tin cậy. Giờ đây khi những lời chúc mừng, ca tụng về thành công của vụ phóng tên lửa tầm xa nhất của Ấn Độ Agni-V đã qua, thông điệp chúc mừng của Thủ tướng đã được chuyển, các nhà khoa học và cơ quan chiến lược Ấn Độ phải tập trung vào bước tiếp theo đó là hoàn thiện phát triển và vận hành tài sản phòng thủ chiến lược này.

 

Được phát triển với chi phí lên tới 480 triệu USD, tên lửa Agni-V cao 17,5m, nặng 50 tấn và có 3 tầng, được đẩy đi bằng nhiên liệu cứng. Nó có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân nặng tới hơn 1 tấn. Các nhà phân tích cho rằng gia đình tên lửa Agni (có nghĩa là lửa trong tiếng Hindi và Sanskrit) sẽ là trụ cột trong kho vũ khí hạt nhân dựa vào tên lửa của Ấn Độ. Năm 2010, Ấn Độ đã thử thành công Agni-II, tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm xa 2.000km.

 

Mặc dù Agni-V phải mất ít nhất 4 năm nữa mới có thể gia nhập chính thức vào các lực lượng vũ trang, song vụ phóng thành công đã gửi một thông điệp tới châu Á và rộng hơn nữa là thế giới rằng Ấn Độ giờ đây đã có khả năng sản xuất và phóng một hệ thống có tính phức tạp cao mà mới chỉ có 5 nước khác (Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc) sở hữu. Còn tại châu Á, chỉ có Trung Quốc có khả năng và có kho vũ khí vượt trội Ấn Độ.
 

Agni-V cũng cho phép Ấn Độ sở hữu một tài sản răn đe, vì nước này bị chi  phối bởi chính sách “không ưu tiên sử dụng”, khi nói tới vũ khí hạt nhân.

 

Một nhà phân tích chiến lược tại Quỹ Hàng hải Quốc gia ở New Dehli, ông Uday Bhaskar, giải thích rằng Agni-V kết hợp nhiều công nghệ tinh vi. “Tên lửa Agni-V có tầm bắn vượt quá 5000 km. Quan trọng hơn nữa, nó có khả năng gọi là MIRV, nghĩa là khả năng mang hơn một đầu đạn hạt nhân, và có khả năng bắn trúng nhiều mục tiêu khác nhau", ông cho hay.

 

Các nhà phân tích chiến lược ở New Dehli nói Agni-V sẽ đem lại cho Ấn Độ một mức độ ngang hàng có tính chiến lược trong một khu vực Trung Quốc đã trỗi dậy như một cường quốc quân sự. Họ nói ngày càng có nhiều lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nước láng giềng phương bắc của Ấn Độ.
 
Người Trung Quốc nói gì?

  

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc, ấn bản hôm nay đã có phản ứng trước vụ phóng. Tờ báo đã có dòng tít lớn trên trang tin tức của mình rằng: “Ấn Độ đang bị ảo giác tên lửa quét qua” và bình luận tiếp: “Ấn Độ không nên đánh giá quá cao sức mạnh của mình. Thậm chí nếu nước này có tên lửa có thể vươn tới hầu hết mọi khu vực của Trung Quốc, điều đó cũng không có nghĩa là Ấn Độ sẽ đạt được điều gì đó trong các tranh chấp với Trung Quốc chỉ nhờ sự kiêu ngạo của mình. Ấn Độ nên hiểu rõ rằng sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc là mạnh hơn và tin cậy hơn. Và Ấn Độ không có bất cứ cơ may nào trong một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện với Trung Quốc”.

 

Bài báo nói hai nước nên phát triển một mối quan hệ hữu nghị.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân hôm nay cũng cho biết nước ông không bị đe dọa bởi vụ phóng. “Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đang phát triển lớn. Chúng tôi không phải là những đối thủ cạnh tranh nhau mà là đối tác”, người phát ngôn khẳng định. “Chúng tôi tin rằng cả hai bên nên trân trọng quan hệ tốt đẹp phải rất vất vả mới đạt được giữa hai nước hiện nay và phải nỗ lực giữ vững hợp tác chiến lược thân thiện để khuyến khích cùng phát triển và có những đóng góp tích cực vào gìn giữa hòa bình và ổn định khu vực”.

 

Trước đó, đài truyền hình trung ương Trung Quốc, do nhà nước sở hữu, cho rằng vụ phóng là “thời khắc lịch sử cho Ấn Độ và nó cho thấy Ấn Độ đã gia nhập câu lạc bộ các nước có tên lửa đạn đạo tự chế”.

 

Song CCTV đã liệt kê một số nhược điểm của tên lửa Ấn Độ và khẳng định tên lửa “thực chất không tạo ra đe dọa gì”.

 

Cũng theo giới phân tích, mặc dù Agni-V về mặt lý thuyết cho phép Ấn Độ bắn được đầu đạn tên lửa tới Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng thực tế hôm nay cho thấy tên lửa chỉ được phóng đi khi các nhà chức trách chắc chắn điều kiện thời tiết hỗ trợ tốt nhất. Vì vậy vụ phóng phần lớn được xem là một cuộc phô diễn hơn là một cuộc bắn thử thực sự, nhằm chứng tỏ với các đối thủ của Ấn Độ rằng Ấn Độ đã có khả năng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

 

Ông Uday Bhaskar nói rằng Ấn Độ muốn được trang bị để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa có thể phát xuất từ Trung Quốc. "Tôi nghĩ Ấn Độ mưu tìm một thế “có qua có lại” nào đó, không nhất thiết phải tương đương, mà là khả năng để báo hiệu rằng sức răn đe của chính Ấn Độ tương đối mạnh mẽ. Và đó là cách tôi đánh giá cuộc phóng thử nghiệm Agni hôm nay như cuộc biểu diễn về mặt công nghệ."

 

Với một nền kinh tế đang tăng trưởng, Ấn Độ đang chi nhiều tỉ đôla vào việc nâng cấp quân đội của mình, và đã trỗi dậy là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

 

Phan Anh

Theo NDTV, AFP, BBC