Vụ kiện xâm phạm đời tư làm xôn xao dư luận nước Mỹ
Luật sư Robert Stainbuch, người cùng làm việc với Jessica đã đâm đơn kiện cô này vì Jessica đã công bố những chi tiết có thật trong cuộc sống riêng tư của ông, khiến ông cảm thấy bị hạ nhục.
Vụ việc bắt đầu từ một năm trước, khi một nữ trợ lý 24 tuổi của hạ nghị sĩ Michael Devine là cô Jessica Katler công bố trên mạng “Internet” cuốn nhật ký kể lại những mối quan hệ tình dục với một loạt quan chức của Quốc hội Mỹ, kể cả một quan chức cao cấp mà cô gọi tắt là “F”.
Theo lời kể của Jessica (cô ta lấy biệt danh trên mạng là “Washingtonienne”, có nghĩa là “Cô gái Washington” ) thì “F” đã có vợ, đang lãnh đạo bộ máy tại một cơ quan Liên bang do Tổng thống Bush bổ nhiệm “và ông ta trả thù lao cho mối quan hệ tình dục với tôi”.
Cũng theo lời kể của Jessica thì F trả cho cô mỗi lần là 400 dollars. Cô ta cho biết thêm: “Phần lớn những khoản chi tiêu của tôi là do một số quan chức đứng tuổi và hào phóng chi trả. Tôi tin chắc rằng tôi không phải là người phụ nữ duy nhất kiếm tiền thêm bằng cách đó”. Bởi lẽ, theo lời cô ta, “Làm sao có thể sống nổi với số lương 25 nghìn dollars một năm?”. Ngoài nhân vật F, Jessica còn nêu tên tắt của một loạt nhân vật khác như AJ, J, MD, MK, R, RS, W.
Cuốn nhật ký trên mạng của Jessica Katler lập tức thu hút sự chú ý của hàng triệu người sử dụng “ Internet” cũng như của các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ. Mặc dù sau đó bị sa thải, nhưng Jessica đã tận dụng được triệt để bầu không khí huyên náo này.
Cô ta liên tiếp trả lời phỏng vấn các loại báo in, báo điện tử và trực tuyến, chụp hình trên tờ “Playboy”. Thậm chí cô ta còn nhận được tiền ứng trước 300 nghìn dollars cho cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản kể về những cuộc phiêu lưu tình ái của cô ta trên đồi Capitol.
Vụ việc mau chóng bùng lên thành một vụ scandale và lan truyền vô số những lời bàn tán và phỏng đoán về những nhân vật có tên viết tắt kia. Và mới đây, một trong những nhân vật đó do không chịu nổi hơn nữa những lời cạnh khóe nên đã đệ đơn kiện Jessica. Nhân vật đó là luật sư Robert Stainbuch, người cùng làm việc với Jessica trong văn phòng của nghị sĩ Devine.
Stainbuch cho rằng về thực chất thì Jessica đã chỉ đích danh ông ta mặc dù cô ta chỉ nêu tên viết tắt. Ông ta quả quyết rằng trong lời kể trên mạng của Jessica có đủ thông tin để mọi người nhận ra ông ta, chẳng hạn, nơi làm việc và hình dáng bề ngoài của ông ta.
Trên cơ sở đó, ông ta cho rằng mình là nạn nhân của một sự bất công thật sự. “Khi người tình thao túng bạn và lợi dụng bạn thì đó là một chuyện. Nhưng khi bạn bị đem ra bêu riếu một cách độc ác trước bàn dân thiên hạ thì đó lại là chuyện khác hẳn” - ông ta viết trong đơn như vậy.
Và ông ta đòi Jessica phải công khai xin lỗi và bồi thường danh dự. Tuy nhiên, luật pháp dường như chống lại ông ta bởi vì ông ta không thể khẳng định rằng những điều kể về ông ta là dối trá.
Theo luật pháp thì những lời vu khống dối trá gây phương hại cho danh dự người khác có thể bị quy vào tội danh “làm mất thanh danh người khác”. Nhưng thực chất đơn kiện của Stainbuch lại là: “Tôi bị người ta hạ nhục bằng cách công bố những chi tiết có thật trong cuộc sống riêng tư của tôi”.
Việc luật sư Robert Stainbuch đệ đơn kiện không những làm xôn xao dư luận Mỹ mà còn gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trong giới luật gia nước này. Bởi lẽ, sự việc có liên quan đến một vấn đề pháp lý đã xuất hiện từ lâu – đó là những vụ khiếu nại về “tội” can thiệp vào cuộc sống riêng tư của người khác và tiết lộ những chi tiết trong cuộc sống cá nhân khiến “nạn nhân” cảm thấy bị hạ nhục.
Về lý thuyết thì đơn kiện của Robert Stainbuch là có lý bởi vì trường hợp của ông ta đúng là rơi vào phạm trù này. Nhưng trong thực tế thì các tòa án ở Mỹ, kể cả Tòa án tối cao, thường có thái độ tiêu cực đối với các đơn kiện loại như vậy vì sợ vi phạm quyền tự do ngôn luận, nhất là thông tin bị tiết lộ lại phù hợp với sự thật.
Rất có thể đơn kiện của Robert Stainbuch sẽ đặt viên gạch mở đầu cho một cuộc đấu tranh mới giữa quyền bất khả xâm phạm của đời sống cá nhân với quyền tự do ngôn luận và dẫn đến những hệ lụy quan trọng trong lĩnh vực pháp luật ở Mỹ.
Theo Ngọc Thoa
Tiền phong