Vụ không kích Syria nhìn từ lợi ích địa chiến lược của Mỹ
(Dân trí) - Theo giới phân tích, cuộc khích Syria của chính quyền Biden cho thấy các mục tiêu lợi ích địa chiến lược của Mỹ trong khu vực là không thay đổi.
Vì sao ông Biden ra lệnh không kích Syria?
Ngày 25/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho quân đội Mỹ không kích vào miền Đông Syria, nơi được cho là cơ sở của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, với lý do trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa trước đó nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, động thái mới của Tổng thống Mỹ ở Syria đã gửi đi một thông điệp quan trọng.
Giải thích về mục tiêu của cuộc không kích Syria, một quan chức Mỹ cho biết đây là động thái nhằm gửi đi thông điệp rằng, Mỹ muốn trừng phạt các tay súng dân quân do Iran hỗ trợ nhưng không muốn tình hình khu vực leo thang. Vì thế, cuộc không kích được tính toán kỹ càng để hạn chế quy mô chiến sự.
Người phát ngôn quân đội Mỹ nhấn mạnh: "Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các nhân viên Mỹ và liên minh quân sự. Đồng thời, chúng tôi đã hành động một cách có chủ ý nhằm làm giảm leo thang tình hình chung ở cả miền Đông Syria và Iraq".
Các cuộc không kích được cho là đã phá hủy nhiều cơ sở tại một trạm kiểm soát biên giới được nhóm tay súng do Iran hậu thuẫn sử dụng bao gồm: Hezbollah và Kata'ib Sayyid al-Shuhada.
Theo ông Mulroy, quyết định tấn công ở Syria thay vì Iraq có khả năng tránh gây ra các vấn đề cho chính phủ Iraq, một đối tác quan trọng trong các nỗ lực chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo đài ABC News, cuộc không kích nhằm trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa vào ngày 15/2 nhằm vào một căn cứ của Mỹ ở thành phố Erbil (Bắc Iraq), làm chết một số nhà thầu Mỹ, liên minh quân sự và một quân nhân Mỹ bị thương. Tuy nhiên, giới phân tích cũng đặt câu hỏi. Vì sao, quyết định của ông Biden lại tấn công ở Syria chứ không phải ở Iraq, trong khi Mỹ điều tra về cuộc tấn công chưa có kết quả?
Lợi ích địa chiến lược của Mỹ
Theo giới phân tích, cho dù chính sách đối với Trung Đông của Mỹ có sự điều chỉnh qua các thời kỳ: Obama, Trump và nay là Biden, song yếu tố bất biến vẫn là lợi ích địa-chiến lược: dầu mỏ. Nói cụ thể hơn, Mỹ có thể giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Đông, thậm chí không coi khu vực này là một trong những trọng tâm chiến lược toàn cầu, nhưng không vì thế mà tham vọng lợi ích địa chiến lược của Washington bị thay đổi.
Vì thế, việc tìm kiếm phương thức hữu hiệu để bảo vệ và tăng cường lợi ích chiến lược là cần thiết. Ông Biden ra lệnh cho quân đội Mỹ không kích Syria vừa qua cũng là một sự lựa chọn.
Theo giới quan sát, bất chấp những hậu quả của Mùa Xuân Ả Rập, nguy cơ của phiên bản 2.0, chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông vẫn sẽ phát triển theo xu hướng "tối đa hóa lợi ích của Washington". Vì thế, chính quyền tiền nhiệm của ông Biden còn mong muốn "nhân bản" thêm các Thỏa thuận Abraham (bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE).
Việc các quốc gia Arab bắt tay với Israel cũng khiến Washington và Tel Aviv có lợi thế hơn trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông. Để mở rộng thêm nhiều phiên bản của Thỏa thuận Abraham, Mỹ đã sử dụng tối đa con bài lợi ích với các quốc gia Arab. Với UAE là hợp đồng bán vũ khí tối tân, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35.
Với "chủ nghĩa hiện thực, tự kiểm soát và tôn trọng", Mỹ trở thành một hình mẫu trung gian hòa giải giữa các quốc gia Arab và Israel, Mỹ có thể chứng minh rằng họ hoàn toàn có khả năng đi đầu trong việc thiết lập lại một trật tự an ninh mới tại khu vực, phục vụ cho các lợi ích của Washington. Vì thế, ông Biden không thể không thừa kế những thành quả để lại của người tiền nhiệm Donald Trump.
Chính sách ủy nhiệm của Mỹ
Theo giới phân tích, chiến tranh ủy nhiệm được coi là truyền thống trong chính sách đối ngoại quân sự của Mỹ. Dưới thời ông Trump, thuyết này còn được cụ thể hóa bằng cách khơi dậy vai trò xung kích của đồng minh Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Arab tại khu vực.
Với Israel, Mỹ đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển sứ quán đến thành phố này, đưa ra kế hoạch hòa bình hay còn gọi là "Thỏa thuận thế kỷ". Như vậy, chính quyền Mỹ nghiêng hẳn về phía Israel, không tính đến lợi ích đầy đủ của người Palestine.
Theo giới quan sát, trong các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, Washington thường quan tâm hơn tới Israel, bởi tiềm lực kinh tế-quân sự và vai trò xung kích của nước này trong khu vực. Bởi vậy, những động thái trên được coi là "bảo trợ ngầm" cho chính quyền Thủ tướng Netanyahu và vực dậy tiềm năng xung kích của người đồng minh chí cốt này.
Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh NATO của Mỹ tại khu vực. Chính quyền Mỹ của ông Trump từng đe dọa sẽ trừng phạt Ankara. Tuy nhiên, Mỹ vẫn bỏ qua những hoạt động quân sự thái quá của Ankara trong việc kiểm soát khu vực, tấn công lực lượng người Kurd, chiếm đóng lãnh thổ Syria...
Những động thái nêu trên hàm ý Mỹ ủng hộ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò cường quốc và là đội quân xung kích khu vực, nên việc đe dọa trừng phạt Ankara thực chất chỉ là để "làm phép", khiến nguy cơ chuyển hóa cuộc nội chiến tại đây thành chiến tranh giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ là không loại trừ.
Đối với các đồng minh Ả rập, ngay từ hồi tháng 5/2017, trong chuyến thăm của ông Trump tới Ả rập Xê út, Mỹ đã hối thúc việc thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông mới (MESA), hay còn gọi là "NATO Ả rập" bao gồm: các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Jordan và Mỹ.
Mỹ hy vọng một cấu trúc an ninh mạnh của khối Ả rập tại Trung Đông sẽ giúp Mỹ giải quyết những thách thức, giúp Mỹ giảm (tiến tới chấm dứt) sự hiện diện quân sự trực tiếp tại đây, đồng thời vẫn duy trì được vị thế chủ đạo và ngăn chặn được các đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.
Như vậy, toàn bộ những động thái của Mỹ ở Trung Đông qua các thời kỳ cho thấy, sự đổi mới trong chính sách đối ngoại khu vực là khơi dậy vai trò xung kích của các nước đồng minh trong khu vực, nhằm rút quân Mỹ khỏi chức năng chiến đấu trực tiếp, nhưng vẫn giữ được vai trò lãnh đạo bằng sức mạnh toàn diện và tuyệt đối của Washington.
Giới phân tích dự báo chính sách của Tổng thống Biden đối với khu vực có thể có những điều chỉnh cần thiết nhằm loại bỏ những yếu tố thái quá của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, lợi ích địa chiến lược và chính sách ủy nhiệm của Mỹ cho đồng minh khu vực là không thay đổi. Vì thế, việc ra lệnh không kích Syria của Tổng thống Biden là thông điệp đầu tiên về chính sách đối ngoại quân sự của ông ở khu vực này.