1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vũ khí Trung Quốc thất thế trong cuộc đua với Mỹ và Nga

(Dân trí) - Với hơn 900 mẫu vũ khí sẽ được trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải, Trung Quốc đang hy vọng có thể giành thêm thị phần trên thị trường buôn bán vũ khí với Nga và Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng chất lượng không đảm bảo đang khiến vũ khí của Trung Quốc thất thế trước vũ khí Nga và Mỹ.

Chiến đấu cơ JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất. (Ảnh: SCMP)
Chiến đấu cơ JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất. (Ảnh: SCMP)

Tình trạng "ế ẩm"

Triển lãm Hàng không Chu Hải, sẽ diễn ra từ ngày 2/11 tới, được kỳ vọng là nơi Trung Quốc có thể giới thiệu được những mẫu vũ khí hiện đại do nước này sản xuất tới những khách hàng tiềm năng ở châu Á và châu Phi. Hơn 900 loại vũ khí của Trung Quốc sẽ được đưa ra trưng bày tại triển lãm với sự tham dự của 700 đoàn quan khách đến từ hơn 42 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Triển lãm trên diễn ra trong thời điểm nhiều chuyên gia quân sự đánh giá chất lượng của các loại vũ khí giá rẻ của Trung Quốc đã được cải thiện trong thời gian qua song những tập đoàn sản xuất của nước này vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trước sự cạnh tranh quyết liệt của các tập đoàn tới từ Nga và Mỹ. Theo Tạp chí quân sự Hán Hoà, Trung Quốc đã gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm khách hàng ở Triển lãm Hàng không và Quốc phòng châu Phi tại thủ đô Pretoria của Nam Phi hồi tháng trước, kể cả khi Bắc Kinh đã đưa ra gói "cho vay" để hỗ trợ khách hàng trong quá trình chào bán các mẫu máy bay huấn luyện L-15 Falcon hay chiến đấu cơ JF-17.

Lý giải cho sự "ế ẩm" nêu trên của Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không và Quốc phòng châu Phi, ông Andrei Chang, người sáng lập Tạp chí quân sự Hán Hoà, cho rằng có khả năng là do tác động từ thương vụ bán trực thăng Harbin Z-9 giữa Trung Quốc và Cameroon. Theo đó, sau khi nhận được 4 chiếc trực thăng tấn công từ Trung Quốc, 1 trong số những chiếc Z-9 đã gặp tai nạn ngay khi được chuyển giao. Theo ông Chang, Cameroon đang đàm phán với Bắc Kinh về vụ tai nạn này và không có ý định mua thêm bất cứ loại vũ khí nào từ Trung Quốc do những lo ngại về chất lượng.

Trong khi đó, Giáo sư Jonathan Holslag, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại có trụ sở ở thủ đô Brussels của Bỉ, cho rằng những vấn đề tài chính đang gây ra nhiều khó khăn cho các quốc gia, kể cả Nam Phi. Do vậy, những nước này rất cẩn trọng và do dự khi mua các loại vũ khí mới.

Giáo sư Holslag, người cũng cho rằng các khách hàng trước đây của Trung Quốc đang lo ngại về chất lượng vũ khí của nước này, nhận định: "Cuộc đua trên thị trường vũ khí ngày càng khốc liệt và nhiều nước sẵn sàng đưa ra các đề nghị hấp dẫn. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng bảo trì và huấn luyện sử dụng là những phần quan trọng trong các thương vụ bán vũ khí, còn Trung Quốc vẫn cách khá xa mới đáp ứng được những yêu cầu này".

Không chỉ “mất điểm" ở châu Phi, các tập đoàn sản xuất vũ khí của Trung Quốc cũng đang loay hoay trong quá trình tìm kiếm khách hàng ở châu Á, đặc biệt là khi có thông tin cho biết tên lửa chống hạm C-705 đã bắn không trúng mục tiêu trong cuộc tập trận do quân đội Indonesia tiến hành hồi tháng 9. Tạp chí quân sự IHS Jane's cho biết 2 tên lửa C-705 đã không bắn trúng mục tiêu sau khi được phóng đi từ tàu chiến lớp KCR-40 của Hải quân Indonesia trong cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Armada Jaya 2016 hồi tháng 9.

Theo tờ Jakarta Post, Indonesia có thoả thuận với Trung Quốc về việc để công ty nhà nước PT Dirgantara sản xuất tên lửa C-705 trong năm tới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Indonesia có triển khai kế hoạch này sau vụ phóng hỏng nêu trên hay không.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đưa ra những đánh giá "đỡ đòn" cho vụ phóng thất bại này. Ông Zhou Chenming, người từng có thời gian làm việc ở Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Vũ trụ Trung Quốc, cho rằng: "Khi tên lửa được phóng đi, các nhân tố con người đóng vai trò quan trọng trong quá trình trung gian để hỗ trợ tên lửa bắn trúng mục tiêu, bao gồm các dữ liệu tham chiếu như độ cao cần thiết trong giai đoạn đầu tiên và khi nào tên lửa cần đổi hướng".

Một "thất bại" khác của Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí phải nhắc tới là việc Sri Lanka có thể rút khỏi thương vụ mua chiến đấu cơ JF-17. Tháng trước, Tạp chí quân sự Hán Hoà đưa tin Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã đề cập tới khả năng huỷ các giao dịch vũ khí với Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí quân sự Hán Hoà, Tư lệnh Không quân Sri Lanka Kolitha Gunathilake đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã ký hợp đồng mua JF-17 từ Trung Quốc hoặc Pakistan, đồng thời cho biết Sri Lanka không ủng hộ thương vụ này. Tướng Gunathilake, người cũng thừa nhận Sri Lanka cần mua chiến đấu cơ thế hệ mới để thay thế các mẫu đã lạc hậu như J-7 của Trung Quốc hay MiG-27 của Nga và đang cân nhắc mua máy bay F-16 cũ của Mỹ, nói: "Tôi không đưa ra quyết định cuối cùng và cho tới nay, tôi mới chỉ tham dự một buổi trình diễn hoạt động mô phỏng của chiếc JF-17 trên mặt đất. Phải thừa nhận rằng kinh phí là một vấn đề khi mẫu máy bay đó quá đắt".

Chất lượng chưa như kỳ vọng

Báo cáo của "The Military Balance 2016" của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Anh cho biết hơn 2/3 các quốc gia châu Phi đang sử dụng các thiết bị quân sự Trung Quốc. Theo đánh giá, châu Phi đang trở thành thị trường quan trọng cho vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc, với Nigeria, Uganda và Djibouti nằm trong số 10 quốc gia đang trở thành khách hàng “mới nổi” cho hoạt động xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh từ năm 2005.

Tuy nhiên, vũ khí Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% trong thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn năm 2011 - 2015, sau Mỹ và Nga. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết thêm rằng Trung Quốc đã xuất khẩu vũ khí cho 37 quốc gia trong giai đoạn này, với 75% thương vụ tới các nước ở châu Á và châu Đại Dương. Pakistan là quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí Trung Quốc nhất, với 35% các loại vũ khí, sau đó là Bangladesh với 20% và Myanmar 16%.

Và để mở rộng thị trường trong thời gian tới, Trung Quốc được cho là cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Giáo sư Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Nam Á ở Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc ngày càng phát triển nhưng chất lượng sản phẩm chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng của Bắc Kinh.

Giáo sư Rajeev Ranjan Chaturvedy nói: "Tôi nghĩ Trung Quốc chưa xây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí trên thế giới, nhưng trong những năm qua, họ đã tập trung nhiều cho lĩnh vực nghiên cứu và cải tiến. Rõ ràng, công nghệ tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí toàn cầu. Mỹ và một số nước khác đang đi trước Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu quốc phòng và một nhân tố quan trọng khác chính là việc các nước nhập khẩu chưa có niềm tin chính trị với Trung Quốc nên nhiều loại vũ khí của họ không nằm trong danh sách ưu tiên cần mua của các nước".

Trong khi đó, chuyên gia về hải quân Li Jie cho rằng để cạnh tranh được với các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ và Nga, các tập đoàn của Trung Quốc cần phải đưa ra những bảo đảm dài hạn, nâng cao dịch vụ huấn luyện và các dịch vụ hỗ trợ khác sau khi bán sản phẩm. Ông nói: "Trung Quốc đang tập trung nhiều vào “phần cứng”, tức là sản xuất vũ khí. Còn “phần mềm”, tức là những dịch vụ sau khi bán, cần phải được tăng cường với một hệ thống toàn diện. Tạo ra một thương hiệu vũ khí là nhiệm vụ không dễ dàng song đó là mục tiêu cuối cùng và cần thiết cho một quốc gia đang hướng tới quá trình phát triển ngành công nghiệp quốc phòng như Trung Quốc".

Ngọc Anh

Theo SCMP