1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vũ khí không thuốc súng giúp Nga hạ dàn "sát thủ trên không" của Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Để đối phó với dàn máy bay không người lái (UAV) nguy hiểm từ Ukraine tấn công xe tăng, Nga đã phát triển hệ thống mới nhằm hạ gục các vũ khí này bằng công nghệ tác chiến điện tử.

Vũ khí không thuốc súng giúp Nga hạ dàn sát thủ trên không của Ukraine - 1

Xe tăng Nga được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Triton (Ảnh: RIA).

Trong cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra, UAV sử dụng chế độ xem góc nhìn thứ nhất (FPV) đã được cả 2 bên triển khai nhằm mang theo thuốc nổ tấn công xe bọc thép, công sự, binh sĩ phía còn lại.

Ukraine đang dồn nguồn lực chế tạo các UAV giá thành rẻ, nhưng có sức sát thương cao trong một cuộc chiến bất đối xứng với Nga. Để đối phó với mối đe dọa UAV nhằm vào các xe tăng Nga, Moscow đã phát triển hệ thống tác chiến điện tử (EW).

Hãng tin Ria Novosti ngày 16/8 thông báo hệ thống EW mang tên "Triton" đã được chế tạo thành công để tích hợp lên xe tăng Nga.

Trong triển lãm quân sự Army-2023, một nguyên mẫu của hệ thống phòng thủ điện tử "Triton" tích hợp trên xe tăng T-72B3M.

"Sản phẩm này nhằm mục đích làm gián đoạn các kênh điều khiển và truyền dữ liệu của máy bay không người lái FPV", mô tả viết. Hệ thống hoạt động trên bốn dải tần số: 868, 915, Hz.1300 và 2400M

Ngoài ra, Triton có thể được quản lý thông qua điều khiển từ xa và có thể lấy năng lượng tự động từ pin của chính nó hoặc trên xe tăng.

Sự ra đời của Triton được xem là để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng của UAV trong hoạt động tác chiến tương lai. Ngoài việc gây ra mối nguy hiểm lớn đối với xe tăng, những UAV này còn có khả năng tấn công với độ chính xác cao binh sĩ đối phương.

Máy bay không người lái FPV được vận hành bằng bộ điều khiển từ xa. Người điều khiển được trang bị kính thực tế ảo cho phép quan sát khu vực tấn công một cách rõ nét, hiệu quả, đảm bảo việc tấn công mục tiêu một cách chính xác.

Các UAV này thường được trang bị đầu đạn xuyên giáp được thiết kế để vô hiệu hóa các phương tiện bọc thép hoặc đầu đạn phân mảnh nhằm phá hủy các công sự kiên cố của đối phương.

Ưu điểm của các UAV này là giá rẻ. Ukraine có thể sản xuất được những chiếc máy bay không người lái với giá chỉ 341-462 USD mỗi chiếc, rẻ hơn rất nhiều so với các UAV tự sát của Mỹ, vào khoảng 52.000 USD.

Chúng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các xe tăng trị giá hàng triệu USD của Nga.

Để đối phó với các mục tiêu giá rẻ một cách lâu dài, Nga buộc phải tính đến biện pháp hợp lý, không tốn kém và tác chiến điện tử là câu trả lời hợp lý trong trường hợp này.

Vũ khí tác chiến điện tử không dùng súng hay thuốc nổ để tấn công vì chúng sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.

Báo cáo của RUSI hồi tháng 5 nói rằng Ukraine có thể mất trung bình 10.000 UAV mỗi tháng vì nỗ lực gây nhiễu của Nga. Các thiết bị tác chiến điện tử của Moscow thậm chí còn đánh chặn được cả HIMARS, bom thông minh JDAM, đạn dẫn đường Excalibur của phương Tây.

Bổ sung thêm tính năng EW lên xe tăng, thiết giáp sẽ giúp Nga bảo vệ tốt hơn các mục tiêu quan trọng trước mối đe dọa từ UAV, đặc biệt trước kịch bản các máy bay này tấn công kiểu bầy đàn, ồ ạt vào một mục tiêu. 

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine