Vũ khí hạt nhân là con đường duy nhất của CHDCND Triều Tiên?
Ngày 9-9, Triều Tiên khẳng định thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân lần thứ 5. Hai ngày sau, Hàn Quốc thông tin cho giới truyền thông và dư luận quốc tế: Bình Nhưỡng có thể thử tiếp lần thứ 6.
Cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại trước những vụ thử vũ khí giết người hàng loạt của Triều Tiên và một số nước liên quan đã có phản ứng tức thời. Vì sao CHDCND Triều Tiên lại thử hạt nhân vào thời điểm này? Liệu vũ khí hạt nhân có phải là lựa chọn duy nhất của Bình Nhưỡng và nếu đúng vậy thì vì sao?
Ngày 9-9, Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận quốc gia này đã tiến hành một thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân ở bãi thử phía bắc và đã thành công. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một vụ nổ gây ra cơn địa chấn mạnh tới 5,3 độ richter được phát hiện ở khu vực gần bãi thử Punggye-ri.
Phía CHDCND Triều Tiên cho biết, vụ thử hạt nhân này không có sự rò rỉ vật liệu hạt nhân và không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường. Bản tin trên kênh truyền hình KCNA cũng khẳng định, CHDCND Triều Tiên đã thành công trong việc chuẩn hóa đầu đạn hạt nhân để gắn vào các tên lửa đạn đạo chiến lược. Điều này có nghĩa là CHDCND Triều Tiên có khả năng sản xuất với số lượng như ý loại đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn, nhẹ hơn, đa dạng hơn và có sức tấn công mạnh mẽ hơn. CHDCND Triều Tiên cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực hạt nhân.
Như vậy là bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế, CHDCND Triều Tiên không hề tỏ ra có sự kiềm chế các tham vọng hạt nhân của mình. Vụ thử hôm 9-9 được cho là lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại sau vụ thử hồi tháng 1-2016. Theo đó, hiệu suất vụ thử nghiệm ước tính khoảng 10 kiloton (đơn vị trọng lượng 1.000 tấn), gần gấp đôi vụ thử nghiệm trước đó vào tháng 1 mà CHDCND Triều Tiên khẳng định là thử thành công bom nhiệt hạch.
Phân tích ban đầu về năng lượng được giải phóng từ vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thực hiện hồi tháng 1-2016 ước tính chỉ đạt 4-6 kiloton. Ba lần thử hạt nhân trước đó của Bình Nhưỡng diễn ra vào các năm 2006, 2009 và 2013 với năng lượng giải phóng tương ứng là dưới 1 kiloton, 2 kiloton và 6-7 kiloton.
2 ngày sau vụ thử lần thứ 5, hôm 11-9, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này nói rằng, Triều Tiên vẫn còn một đường hầm chưa sử dụng ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng cho lần thử hạt nhân thứ 6.
Theo ông Moon Sang-gyun, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên còn có một đường hầm thứ ba chưa được sử dụng tại khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Và quan trọng hơn thế, quốc gia này đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho một thử nghiệm hạt nhân mới.
Tuy nhiên, ông Moon không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cụ thể về việc gia tăng hoạt động của Triều Tiên ở Punggye-ri, mà chỉ khẳng định theo nguồn tin từ các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ rằng, CHDCND Triều Tiên có khả năng thử nghiệm các thiết bị hạt nhân lần thứ 6 bất cứ lúc nào.
Cũng giống như những lần trước, phản ứng của quốc tế sau vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là rất mạnh mẽ nhưng không đồng nhất. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 10-9 lên án quyết định thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và khẳng định sẽ lập tức bắt tay vào các biện pháp trừng phạt. Mỹ, Anh và Pháp thúc đẩy 15 thành viên của Hội đồng Bảo an về việc đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên.
Ngay sau thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Họ đồng thuận về việc sẽ phối hợp với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng các nước lớn khác để thực thi mạnh mẽ các biện pháp hiện tại cũng như bàn thảo về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên hôm 11-9 thông báo, Mỹ có thể thực hiện các hành động đơn phương chống lại Triều Tiên.
Cùng với những tuyên bố ngoại giao, ngày 13-9, Lầu Năm Góc thông báo đưa máy bay ném bom hạt nhân chiến lược B-1B Lancer đến bán đảo Triều Tiên để trấn an Hàn Quốc và cảnh báo Bình Nhưỡng. B1-Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xòe do Công ty Rockwell Mỹ nghiên cứu chế tạo từ những năm 70.
Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448 km/h, có khả năng mang tên lửa hành trình và tên lửa tấn công tầm ngắn. B1-B là máy bay ném bom chiến lược ưu việt về nhiều mặt như tốc độ, hành trình bay và tải trọng bay cũng như khả năng ném bom tầm thấp chớp nhoáng. B-1B có thể bay ở độ cao gần 6km với khoang bom chứa 35 tấn vũ khí để chờ đợi mệnh lệnh từ các đơn vị mặt đất.
Về phía Hàn Quốc, một đặc sứ về vấn đề hạt nhân của nước này hôm 10-9 đã nói chuyện với người đồng cấp phía Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi các biện pháp đối phó mới với động thái của CHDCND Triều Tiên. Ngày 11-9, hãng tin Renhap của Hàn Quốc trích dẫn nguồn tin quân sự tại Seoul cho biết quân đội nước này đã phát triển một kế hoạch tấn công lớn phủ đầu tiêu diệt thủ đô của CHDCND Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng bắt đầu chuẩn bị một đòn tấn công hạt nhân.
"Từng khu vực của Bình Nhưỡng, đặc biệt là những nơi bố trí ban lãnh đạo Triều Tiên, sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt bởi các tên lửa đạn đạo và bom nổ, chỉ cần miền Bắc cho thấy dấu hiệu nhỏ nhất về sử dụng vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, thủ đô miền Bắc sẽ biến thành tro bụi, bị xóa sạch khỏi bản đồ" - nguồn tin nói với Renhap. Để làm được điều này, theo hãng tin Renhap, Hàn Quốc có thể sử dụng các tên lửa đất đối đất với tầm hoạt động 300, 500 và 1.000 km.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10-9 cho biết, vụ thử này không có lợi cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc Triều Tiên không nên có những hành động làm gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên nước này chưa có bình luận về khả năng có một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên, trong khi Nga cũng thận trọng khi đánh giá về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt để giải quyết khủng hoảng.
"Việc thông qua bất cứ hành động đơn phương nào dựa trên lợi ích của chính mình sẽ không hiệu quả, gây thêm căng thẳng và làm phức tạp vấn đề. Các hành động đơn phương cũng không giúp giải quyết các mối lo ngại an ninh và khiến khó đạt được các mục tiêu hơn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh bình luận về đe dọa trừng phạt đơn phương của Mỹ với Triều Tiên.
Trước sự lên án mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc và thái độ quyết liệt của Mỹ, CHDCND Triều Tiên hôm 11-9 nói rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang bối rối và làm chuyện “nực cười”. “Nhóm của Obama đang chạy loanh quanh và nói về những biện pháp trừng phạt vô nghĩa, mà đến nay là rất nực cười khi chiến lược kiên nhẫn của họ hoàn toàn kiệt quệ và tiến gần tới việc cuốn gói dọn đi”, KCNA trích dẫn phát biểu của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đưa ra hôm 11-9.
“Như chúng tôi đã nói rõ, các biện pháp đẩy mạnh năng lượng hạt nhân quốc gia về số lượng và chất lượng sẽ tiếp tục, nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm và quyền sinh tồn trước các mối đe dọa gia tăng về cuộc chiến tranh hạt nhân từ phía Mỹ”, KCNA dẫn phát biểu của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Về câu hỏi tại sao CHDCND Triều Tiên lại gia tăng các vụ thử tên lửa và bom nguyên tử vào thời điểm này, Phó Giám đốc Chương trình châu Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu, Mathieu Duchâtel nêu lên những yếu tố như sau: Washington và Seoul đang ráo riết thảo luận về dự án thiết lập hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Hệ thống chặn bắt tên lửa THAAD của Mỹ một khi đi vào hoạt động sẽ giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Không muốn radar và tên lửa đánh chặn của Mỹ bị đặt sát cạnh mình, nên CHDCND Triều Tiên “kích hỏa” trước quả bom để dằn mặt cả Seoul lẫn Washington.
Thứ nữa, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào mùa xuân 2013, Bắc Kinh đã thắt chặt quan hệ với Seoul. Trung Quốc không còn là đồng minh gắn bó với Triều Tiên như trong quá khứ. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã không ngần ngại biểu quyết thông qua các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên.
Ý thức được vấn đề an ninh và ổn định ngay tại biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, Bắc Kinh không đứng hẳn về phía phương Tây để mạnh tay trừng phạt chính quyền Kim Jong-un, cho nên Bình Nhưỡng khai thác lá bài “gây chia rẽ cộng đồng quốc tế trên hồ sơ hạt nhân Triều Tiên". Tóm lại, giới phân tích của châu Âu và Mỹ đều nhận thấy rằng, đây là thời điểm để Bình Nhưỡng thị uy và dùng lá bài hạt nhân mặc cả với quốc tế.
Hai ngày sau vụ thử nghiệm nổ hạt nhân lần thứ 5, Bình Nhưỡng kêu gọi Washington công nhận CHDCND Triều Tiên là “quốc gia có vũ khí hạt nhân” và cho biết là “sẽ tiếp tục phát triển lực lượng hạt nhân” để đối phó với Mỹ. Vậy có nên công nhận Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân? Câu trả lời chắc chắn là phủ định, bởi lẽ hiện 5 quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không hề muốn chia sẻ quyền thống trị thế giới cho kẻ khác trừ phi có một cuộc chiến tranh làm đảo lộn trật tự thế giới hiện nay.
Nhưng tại sao từ nhiều năm nay, CHDCND Triều Tiên vẫn luôn bằng mọi giá phải phát triển vũ khí hạt nhân, bất chấp tình hình khó khăn kinh tế trong nước và cấm vận quốc tế? Câu trả lời nằm trong câu hỏi thế tại sao Mỹ và Hàn Quốc cứ hết năm này qua năm khác tập trận đe dọa Triều Tiên, thay vì tìm cách đàm phán với Bình Nhưỡng?
Khúc mắc nằm ở chỗ, Mỹ đòi Triều Tiên “buông vũ khí” trước, tức giải giáp vũ khí hạt nhân trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Bình Nhưỡng đời nào chịu điều kiện “tự sát” kiểu đó. Thế là đôi bên tiếp tục “so găng” suốt từ thập niên 1950 cho đến nay.
Vậy nếu CHDCND Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân trong tay, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ ra sao? Nhiều khả năng là nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ bị Mỹ làm như những gì họ đã làm với lãnh đạo các quốc gia khác không chịu nghe chỉ đạo của Washington như đại tá Muammar Kadhafi của Libya, hay Saddam Hussein của Iraq...
Việc chính quyền Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân trong tay, Mỹ rõ ràng phải thận trọng ngay cả khi họ có khả năng kích động bạo loạn bên trong đất nước Triều Tiên. Bởi lẽ một khi bị dồn vào đường cùng, không biết chính quyền Bình Nhưỡng sẽ làm gì. Washington không thể đặt cược sinh mạng của người dân nước này, cũng như của các đồng minh trong khu vực vào một ván bài mạo hiểm ở Triều Tiên, nhất là khi Bình Nhưỡng mới đây thử nghiệm thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bay tới lục địa Mỹ.
Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho rằng các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dồn dập của Triều Tiên trong thời gian qua cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un không khoanh tay ngồi nhìn, phó mặc số phận của mình cho Mỹ như các ông Saddam Husein hay đại tá Kadhafi ở Iraq và Libya xưa kia. Bình Nhưỡng dùng lá bài hạt nhân để buộc Mỹ phải chọn giải pháp đàm phán.
Trong một bài viết trên New York Times ngày 10-9, các học giả phân tích rằng CHDCND Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác là phải phát triển vũ khí hạt nhân thì mới tồn tại được, họ cho rằng với điều kiện bị o ép và khiêu khích như thế thì CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là hợp lý trong điều kiện của họ.
Theo Mộc Thạch (tổng hợp)
An ninh thế giới