1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí đặc biệt Ukraine cần trong trận đánh lớn với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định về loại vũ khí mà Ukraine sẽ rất cần nếu muốn chiến dịch phản công Nga quy mô lớn đạt được hiệu quả như mong muốn.

Vũ khí đặc biệt Ukraine cần trong trận đánh lớn với Nga - 1

Một thiết giáp bắc cầu của quân đội Mỹ (Ảnh: Wikipedia).

Trong thời gian qua, Ukraine nhiều lần đã tuyên bố lên dây cót cho trận phản công lớn nhằm vào quân đội Nga để giành lại lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát. Một trong những thách thức mà Ukraine phải đối mặt là vượt qua các con sông.

Khi ở trong tình thế phòng thủ, một đội quân khi rút sẽ cho nổ bất cứ cây cầu nào mà họ đã đi qua, nhằm làm chậm bước tiến của đối phương. Phía tấn công sẽ rất dễ tổn thương khi phải bắc cầu mới băng qua sông.

Vì vậy, Ukraine đang đối mặt với thách thức khi họ đang muốn chuyển từ phòng ngự sang phản công, rằng họ phải vượt qua những cây cầu mà họ đã cho nổ khi rút. 

Đó là lý do mà giới chuyên gia nhận định, để đảm bảo tốc độ phản công nhanh chóng và hiệu quả, Ukraine sẽ cần có thiết giáp bắc cầu và các phương tiện vượt sông nói chung.

Quỹ Quốc tế cho Ukraine (IFU), tổ chức phương Tây mua vũ khí cho Ukraine, đã mời các nhà cung cấp đấu thầu sản phẩm thiết giáp bắc cầu dài trung bình 31m, tải trọng 70 tấn; các cầu dầm lắp ghép cỡ trung dài 73m, tải trọng tương tự; hay các cây cầu hỗ trợ hậu cần có nhịp dài hơn. Con số 70 tấn là trọng lượng của xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine như Leopard 2 và Challenger 2.

Mỗi loại cầu lại có ưu, nhược điểm riêng. Ví dụ, thiết giáp bắc cầu giúp lực lượng tiền tuyến băng qua các tuyến đường thủy hẹp một cách nhanh chóng trong khi bị hỏa lực tấn công dồn dập. Dòng thiết giáp này thường là một thân xe tăng cũ được gắn một cây cầu kim loại bên trên có thể gập vào và mở ra.

Ngoài thiết giáp bắc cầu từ thời Liên Xô, Ukraine cũng đã có 8 chiếc M-60 mua có nguồn gốc từ Mỹ và 16 chiếc Biber do Đức sản xuất. Ít nhất một thiết giáp bắc cầu đã được sử dụng ở Bakhmut để quân đội Ukraine duy trì tuyến đường huyết mạch cho khu vực chảo lửa vốn đã bị Nga bao vây từ các hướng.

Tuy nhiên, thiết giáp bắc cầu không thể bắc qua được một số con sông rộng hơn 30m. Khi đó, cầu dầm lắp ghép hạng trung sẽ giúp Ukraine vượt qua sông. Một cầu dầm như vậy thường được chia làm 3 phần, mỗi phần nặng không quá 199kg. Khoảng 6 quân nhân có thể khiêng một phần.

Với lực lượng khoảng vài chục kỹ sư, họ có thể bắc cầu dầm lắp ghép trong hơn 10 phút nếu họ khẩn trương và không có hỏa lực nã vào. Nếu họ đang trong khu vực diễn ra tranh chấp, họ sẽ rất dễ bị tổn thương khi lắp các nhịp cầu vì họ cơ bản không được bảo vệ.

Ngoài ra, phương Tây dự kiến viện trợ Ukraine cầu hỗ trợ hậu cần. Loại cầu này có nhịp dài hơn cầu dầm lắp ghép hạng trung, nhưng đòi hỏi số lượng người thi công lâu hơn và cần cả thiết bị hạng nặng như cần cẩu để triển khai trong vòng vài giờ. Nếu Ukraine bắc cầu ở khu vực xảy ra giao tranh, đây sẽ là kịch bản rất rủi ro về mặt nhân lực vì họ có thể bị trúng hỏa lực từ đối phương khi thi công. 

Theo Forbes