Vũ khí đặc biệt giúp Ukraine lập trận địa phục kích chặn đà tiến của Nga
(Dân trí) - Ukraine đã sử dụng loại mìn có thể rải từ xa RAAM để lập ra trận địa nhằm phục kích các đơn vị của Nga ở Donbass, khiến đà tiến của đối thủ bị chậm lại.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, việc Ukraine sử dụng hiệu quả loại mìn chống tăng RAAM đã giúp ngăn chặn các cuộc tấn công dồn dập của Nga ở mặt trận Donetsk.
Phía Anh lấy ví dụ về trận Vuhledar, khu vực ở phía nam Bakhmut, khi Ukraine đã dùng mìn RAAM chặn được đà tiến của Nga, trong một số trường hợp còn khiến đối thủ chịu thiệt hại. Theo tình báo Anh, Nga trong 3 tháng qua chưa thể xuyên qua được các phòng tuyến và trận địa mìn RAAM của đối thủ ở Vuhledar.
Hệ thống mìn chống giáp từ xa (RAAM) do Mỹ viện trợ là đạn lựu pháo 155mm chứa 9 quả mìn chống tăng. Khi quả đạn được bắn trên một khu vực trống, những quả mìn nhỏ sẽ bay ra nằm rải rác trên mặt đất. Điều này có nghĩa là các lực lượng Ukraine có thể đặt mìn từ xa thay vì bằng tay như các loại truyền thống.
Phạm vi rải mìn RAAM có thể kéo dài từ 4-17km, cho phép Ukraine nhanh chóng tạo trận địa mìn, ít gây rủi ro cho nhân lực phải đi rải trực tiếp bằng tay.
Được phát triển lần đầu tiên vào năm 1980, RAAM có thể được phóng bằng cách sử dụng lựu pháo M109 hoặc M198 hoặc M777 và có thể được kích hoạt trong khu vực đối thủ kiểm soát vào mốc thời gian đã định sẵn từ trước. Không có bất cứ cách đối phó nào với trận địa mìn hiệu quả hơn phương án buộc phải phá thiết bị bắn ra nó.
RAAM là một phần trong gói hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine từ đầu cuộc chiến. Đến tháng 1/2023, Mỹ đã gửi khoảng 10.200 quả mìn RAAM cho lực lượng của Kiev.
Anh cho hay, Ukraine sử dụng chiến thuật phóng mìn lên khu vực phía trên và phía sau các đơn vị đang tiến lên của Nga, đẩy lực lượng Moscow vào thế tiến thoái lưỡng nan và gây hỗn loạn khi các phương tiện của Nga cố gắng rút lui. Các đoạn video quay từ hiện trường cho thấy, các thiết giáp Nga bị phá hủy khi liên tiếp cán phải mìn RAAM trên chiến trường. Khi rơi vào trận địa mìn, thiết giáp Nga sẽ vướng phải thế kẹt và rất khó xoay xở trong tình huống chiến đấu dữ dội.
Trong một số trường hợp, các quân nhân Ukraine sẽ chờ phía Nga dọn đường qua một bãi mìn để tiếp tục khai hỏa RAAM, biến khu vực Moscow vừa xử lý thành một bãi mìn mới. Điều này ảnh hưởng lớn tới tiến độ tác chiến theo kế hoạch của Nga, đẩy phía Moscow vào rủi ro rơi vào trận địa phục kích của đối thủ.
"Mìn RAAM đã trở thành một hệ thống vũ khí rất hiệu quả, có thể triển khai nhanh chóng, nâng cao khả năng ngăn Nga xâm nhập vào một khu vực cụ thể. Nó không chỉ ảnh hưởng tới khả năng cơ động của thiết giáp Nga cũng như năng lực hỗ trợ tác chiến, mà nó còn gây ra hiệu ứng tâm lý, ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của phía Moscow", chuyên gia quân sự Philip Ingram, cựu quan chức tình báo Anh, nhận định với Newsweek.