Vụ bán visa Mỹ cho người Việt: Trục lợi 10 triệu USD
(Dân trí) – Michael Todd Sestak, nguyên trưởng bộ phận xét cấp thị thực không di dân của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, mới đây đã chính thức phải hầu tòa tại Washington vì liên quan đến đường dây buôn bán visa cho người Việt, thu lời bất chính hơn 10 triệu USD.
Theo hãng tin AP, ông Sestak đang phải đối mặt với cáo buộc đã “bán” visa nhập cảnh Mỹ trong thời gian công tác tại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM với giá từ 20.000 – 70.000 USD/visa, trục lợi bất chính hàng triệu USD.
Trong ngày 4/6, người này đã phải ra hầu tòa tại Washington và bị một thẩm phán Deborah A. Robinson ra lệnh bắt giữ, không cho tại ngoại. Mức án cựu nhân viên Bộ ngoại giao Mỹ phải đối mặt lên tới 20 năm tù.
Hai đồng phạm khác với Sestak trong đường dây buôn visa này là Hong Vo, 27 tuổi, công dân Mỹ và Truc Tranh Huynh, 29 tuổi, công dân Việt Nam cũng đã bị bắt và truy tố với tội danh cùng tham gia vào âm mưu nêu trên với Sestak.
Thu lời bất chính 10 triệu USD
Theo tờ Times union, Michael T. Sestak, 41 tuổi, từng là một cựu sỹ quan cảnh sát của thành phố Albany, bang New York. Trước khi bị bắt tại California hôm 13/5 vừa qua, Sestak cũng từng là một sỹ quan tình báo hải quân Mỹ.
Trong thời gian 2 năm là nhân viên cơ quan ngoại vụ của Bộ ngoại giao Mỹ tại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Sestak từng giữ chức trưởng bộ phận visa không di dân cho đến tháng 9/2012. Thông qua 5 đối tượng môi giới, Sestak đã nhận và phê duyệt hồ sơ nhập cảnh Mỹ cho hàng trăm người Việt Nam, dù biết rõ họ không đủ điều kiện, để nhận được khoản hối lộ khổng lồ.
Trong hồ sơ đệ trình lên tòa án hôm 22/5, các công tố viên cho biết “ước tính một cách khiêm tốn”, số tiền bất chính đường dây của Sestak đã thu được “ít nhất là 10 triệu USD”. Tuy nhiên “khoảng gần 5 triệu USD vẫn chưa được phát hiện” và có thể vẫn còn ở Việt Nam. Trong khi hơn 3 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản của Sestak tại Thái Lan.
Trong đó, đồng phạm Hong Vo, bị bắt hôm 8/5, một công dân Mỹ sống tại thành phố Denver, bang Colorado đã cùng bạn trai đi chào mời khách hàng tại Mỹ và Việt Nam cho Sestak. Nữ nghi phạm tiếp theo trong đường dây này là Truc Tranh Huynh, chị họ của Vo, cũng đã bị bắt hôm thứ Hai vừa qua sau khi được chuyển tới Washington, D.C.
Các nghi phạm đã tiếp thị một cách kín đáo trong một mạng lưới nhỏ cư dân Việt Nam và Mỹ việc có thể giúp khách hàng đảm báo sẽ nhận được visa. Đối tượng chính là những người “về cơ bản không thể tự xin được visa, ví dụ như những người từng bị từ chối, những người sống ở nông thôn và những người chưa từng đi du lịch nước ngoài”, bản cáo buộc của chính quyền liên bang Mỹ viết.
Theo tài liệu của tòa, Hong Vo “đã kiếm được ít nhất 45.000 USD” trong năm ngoái nhờ việc tham gia đường dây bán visa này.
Các điều tra viên của Bộ ngoại giao Mỹ nhận định Sestak đã quen biết gia đình của Hong Vo tại Việt Nam khi được giao nhiệm vụ cấp visa du lịch tới Mỹ. Tỷ lệ phê duyệt visa của Sestak đã tăng cao bất thường khoảng 1 năm trước, khi đường dây “mua bán” visa này bắt đầu hoạt động.
Rửa tiền hối lộ tại Trung Quốc
“Sestak đã nhận được hàng triệu USD tiền hối lộ để đổi lại việc phê duyệt visa”, cáo buộc của chính quyền liên bang Mỹ khẳng định. “Ông ta sau đó đã chuyển tiền ra khỏi Việt Nam bằng cách sử dụng những kẻ rửa tiền, thông qua các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu tại Trung Quốc, trước khi chuyển tiền tới một tài khoản ở Thái Lan mà ông ta đã mở tháng 5/2012”.
Các đặc vụ liên bang của Cơ quan an ninh ngoại giao, Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định họ đã bắt đầu cuộc điều ra hình sự đối với Sestak từ 13 tháng trước sau khi Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhận được một bức thư tố giác. Nguồn tin bí mật này khẳng định hơn 50 người tại một ngôi làng ở Việt Nam đã phải chi khoảng 55.000 USD/người để được “đảm bảo” sẽ có visa du lịch tới Mỹ.
Bức thư này còn ghi rõ tên tuổi và ảnh của 7 người đã mua visa trong đó có 5 người được chính Sestak phê duyệt. Lần theo nhiều visa được phê duyệt trên máy tính, cơ quan điều tra sau đó đã tìm thấy một máy tính và máy scan do Sestak sử dụng tại văn phòng cơ quan mình.
Để nhận tiền hối lộ, Sestak đã mở một tài khoản tại một ngân hàng thương mại ở Bangkok, Thái Lan, tháng 5/2012. Cơ quan điều tra khẳng định đã có 35 giao dịch chuyển tiền tới tài khoản này với tổng trị giá 3,23 triệu USD từ một tài khoản mở tại ngân hàng Bank of China tại Bắc Kinh.
Tài khoản tại Bắc Kinh là của một công ty bất động sản có liên hệ với các đồng phạm trong vụ án. Số tiền Sestak nhận được vượt xa mức lương xấp xỉ 7500 USD/tháng mà Sestak được nhận từ công việc của mình.
Trước khi bị bắt, Sestak đã rút toàn bộ 3,23 triệu USD từ tài khoản tại ngân hàng Thái Lan vào tháng 1/2013 để mua ít nhất 9 bất động sản tại Thái Lan.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cho rằng Sestak còn từng nhờ người chuyển 150.000 USD hồi tháng 8/2012 cho em gái Jennifer, 40 tuổi, tại thành phố Yulee, bang Florida. Số tiền được vợ của một doanh nhân Việt Nam có liên quan đến đường dây này, chuyển từ một tài khoản tại Bắc Kinh tới một ngân hàng ở Texas.
Thanh Tùng
Tổng hợp