Michael T. Sestak, 41 tuổi, bị bắt tại Nam California hôm 13-5 vì cáo buộc bán visa du lịch cho hàng trăm người Việt Nam với giá 50.000 - 70.000 USD, thu lợi bất chính hàng triệu USD.
Theo cáo buộc cấp liên bang Mỹ, Sestak có ít nhất 5 đồng lõa, bao gồm giám đốc 1 công ty đa quốc gia có trụ sở tại TP HCM - được gọi là “đồng lõa số một” trong cáo trạng.
Times Union (tờ báo lớn của vùng New York - Mỹ) ngày 31-5 dẫn hồ sơ tòa án cho biết người bị bắt trước Sestak, một phụ nữ gốc Việt tên là Hong Vo, được gọi là “đồng lõa số ba” và là em gái của “đồng lõa số một”. Ba người còn lại gồm “đồng lõa số hai” là vợ của “đồng lõa số một”; “đồng lõa số bốn” là bạn trai của Hong Vo và “đồng lõa số năm” là anh em họ với “đồng lõa số một”. Tất cả đều cư trú tại Việt Nam dù Hong Vo, anh trai và bạn trai cùng có quốc tịch Mỹ.
Michael T. Sestak bị cáo buộc trục lợi hàng triệu USD từ tiền bán visa du lịch
Ảnh: TIMES UNION
Năm nay 27 tuổi, Hong Vo bị bắt hôm 8-5 ở Denver và đang bị tạm giam trong nhà tù liên bang mà không được tại ngoại. Hồ sơ điều tra cho biết Hong Vo sinh ra và lớn lên ở bang Colorado, sau đó tốt nghiệp ĐH Denver năm 2008. Luật sư bào chữa Sandi Rhee hôm 30-5 đã kiến nghị tòa án ở Washington xem cho Hong Vo tại ngoại nhưng chính phủ Mỹ không chấp thuận vì cô này “có nguy cơ bỏ trốn”. Sestak cũng không được tại ngoại với cùng lý do trên.
Nhóm người đồng lõa với Sestak tìm kiếm khách hàng bằng cách quảng cáo, đồng thời thông qua một mạng lưới nhỏ các cư dân Mỹ và Việt Nam. Đối tượng họ nhắm đến là những người “nhìn chung không thể tự lấy được visa, ví dụ như những người đã bị từ chối trước đây, sống ở nông thôn hay chưa bao giờ rời khỏi Việt Nam”.
Trong email gửi một người quen vào tháng 7 năm ngoái, Vo viết: “Đó chỉ là visa du lịch (không phải thẻ xanh) nhưng chỉ cần đến được Mỹ thì bạn có thể biến mất (kết hôn) hoặc trở lại Việt Nam và sau đó sẽ được bật đèn xanh để xin visa vào Mỹ bất cứ khi nào muốn”.
Nhóm của Hong Vo được cho là nộp đơn đăng ký visa, sắp xếp cuộc hẹn tại lãnh sự quán và cung cấp cho người đăng ký các câu hỏi và trả lời mẫu. “Chỉ khoảng 3 ngày hoặc ít hơn sau khi nộp hồ sơ, khách hàng của nhóm đồng lõa sẽ được hẹn phỏng vấn với Sestak và được cấp visa” - ông Simon Dinits, đặc vụ thuộc Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Các điều tra viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Sestak bắt đầu quen biết với các thành viên gia đình Hong Vo khi ông ta được phân công xét duyệt visa du lịch. Đặc biệt, Sestak quen biết với “đồng lõa số một” khi bắt đầu đến làm việc ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM từ tháng 8-2010 đến tháng 9-2012.
Michael T. Sestak bắt đầu bị Bộ Ngoại giao Mỹ điều tra từ tháng 7-2012 sau khi có nguồn tin mật tố cáo ông cấp visa cho hơn 50 người Việt Nam với giá khoảng 55.000 USD/người. Đi sâu hơn, các điều tra viên nhận thấy tỉ lệ từ chối cấp visa của Sestak rất thấp. Từ ngày 1-5-2012 đến ngày 6-9-2012, Sestak xử lý 5.489 hồ sơ và chỉ từ chối 8,2% số đó. Tỉ lệ từ chối visa của Sestak giảm còn 3,8% trong tháng 8, không lâu trước khi ông rời khỏi tòa lãnh sự.
Theo đặc vụ Dinits, Sestak chuyển số tiền kiếm được ra khỏi Việt Nam thông qua những kẻ rửa tiền trong các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc. Cuối cùng, số tiền “hạ cánh” tại một tài khoản ngân hàng ở Thái Lan mà ông ta mở hồi tháng 5-2012. “Sau đó, ông ta sử dụng số tiền đó để mua bất động sản ở Phuket và Bangkok” - ông Dinits viết.
Theo Mỹ Nhung