Nhân viên lãnh sự Mỹ kiếm triệu đô từ "bán" visa cho người Việt
(Dân trí) – Một cựu nhân viên Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đang bị cáo buộc đã nhận từ 50.000-70.000 USD từ những người Việt Nam xin visa vào Mỹ. Trong khoảng 2 năm công tác người này đã xử lý hàng nghìn visa và có thể đã trục lợi hàng triệu USD.
Thông tin trên vừa được một tòa án tại Mỹ công bố. Theo đó ông Michael T. Sestak, nguyên trưởng bộ phận xét cấp thị thực không di cư của Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã bị bắt và đối mặt với tội danh âm mưu gian lận trong cấp visa và nhận hối lộ.
Cơ quan điều tra cho biết không ít người Việt Nam muốn xin nhập cảnh vào Mỹ đã phải chi tới 70.000 USD (tương đương gần 1,5 tỷ đồng) cho mỗi visa.
Những “kẻ đồng mưu” với Sestak đã quảng cáo rằng mức phí sẽ từ 50.000-70.000 USD/visa nhưng họ cũng nói rằng trong một số trường hợp mức phí sẽ thấp hơn, Simon Dinits, điều tra viên của Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định trong một bản khai có tuyên thệ. “Họ cũng khuyến khích những người trung gian tăng mức phí và giữ lại số tiền chênh lệch dưới dạng tiền hoa hồng”, hồ sơ điều tra khẳng định.
Theo các điều tra viên, hoạt động trên diễn ra trong thời gian dài cho tới tận tháng 9 năm ngoái khi ông Sestak chuẩn bị lên đường phục vụ hải quân Mỹ. Cho đến thời điểm đó, một nguồn tin đã tố giác với cơ quan điều tra về đường dây “kinh doanh” visa này.
Cho đến cuối tuần qua, luật sư đại diện cho ông Sestak vẫn không có bình luận gì.
Sestak, năm nay 42 tuổi, đã bị bắt giữ một cách lặng lẽ tại phía nam bang California khoảng giữa tháng 5. Cho rằng “bị đơn có nguy cơ cao sẽ bỏ trốn”, cơ quan chức năng đã đề nghị tòa ban bố lệnh giam giữ không cho bảo lãnh cho đến khi Sestak được di lý về Washington, nơi các cáo buộc đã được đệ trình lên tòa hôm 6/5.
Dinits, một đặc vụ của Cơ quan an ninh ngoại giao Bộ ngoại giao Mỹ chính là người đã đưa ra các cáo buộc chống lại ông Sestak và 5 đồng phạm không rõ danh tính khác trong bản tố giác dài 28 trang được đệ trình cùng các bằng chứng của vụ kiện hình sự. Các cáo buộc bao gồm những chi tiết rõ ràng về việc nhân viên ngoại giao này, theo cơ quan điều tra, đã chuyển những món tiền bất chính kiếm được qua nhiều nước.
“Ông ta đã chuyển tiền ra khỏi Việt Nam bằng cách sử dụng những người rửa tiền thông qua các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu tại Trung Quốc, tới một tài khoản ở Thái Lan mà ông đã mở hồi tháng 5/2012”, Dinits khẳng định. “Ông ta sau đó dùng số tiền này để mua bất động sản tại Phuket và Bangkok, Thái Lan”.
Đặc vụ này cũng cho biết thêm rằng Sestak gia nhập tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM tháng 8/2010 và là người đứng đầu bộ phận xét visa không di cư. Văn phòng này luôn bận rộn và Sestak có tỷ lệ chấp thuận visa cao lạ lùng.
Từ 1/5/2012 tới 6/9/2012, tổng lãnh sự Mỹ nhận được 31.386 đơn xin cấp visa và từ chối 35,1% số này. Thế nhưng cũng trong cùng thời kỳ, Sestak xử lý 5.489 đơn xin cấp visa và chỉ từ chối 8,2%.
Tỷ lệ đơn xin cấp visa bị từ chối còn giảm xuống còn 3,8% trong tháng 8 năm ngoái, không lâu trước khi Sestak chuẩn bị rời Việt Nam.
Theo ông Dinits, một trong những đồng phạm của Sestak trong đường dây này là “tổng giám đốc một văn phòng công ty đa quốc gia tại Việt Nam”. 4 người khác là bạn bè hoặc họ hàng của người này. Tất cả đều sinh sống tại Việt Nam.
Dinits cho biết một kẻ đồng phạm “đã tiếp cận người dân tại Việt Nam và Mỹ” và quảng cáo rằng có thể lo được visa cho họ, thậm chí cả với những người khó được cấp phép nhập cảnh. Những kẻ đồng phạm khác thì giúp người có nhu cầu xuất cảnh chuẩn bị còn Sestak là người rà soát đơn xin cấp visa của họ.
Hồi tháng 7 năm ngoái, một nguồn tin đã thông báo với các quan chức lãnh sự quán Mỹ rằng có từ 50-70 người dân từ một ngôi làng ở Việt Nam đã chi tiền để có visa một cách bất hợp pháp. Chính thông tin này đã khiến cơ quan điều tra lần tìm các đơn xin cấp visa trên mạng thông qua địa chỉ IP của máy tính.
Cơ quan điều tra cũng phát hiện những món tiền được chuyển, trong đó có 150.000 USD được chuyển tới chị gái của Sestak tại Florida. Nhiều bức thư điện tử cũng bị cơ quan điều tra chặn được.
“Cơ hội này chỉ kéo dài vài tháng và sau đó sẽ chấm dứt”, một đồng phạm của Sestak viết trong bức thư điện tử đề ngày 5/7 mà ông Dinits trích dẫn.
Thanh Tùng
Theo Mcclatchy